Vì sao việc tái định cư ở hồ Nước Trong chậm?

10:03, 11/03/2011
.

(QNg)- 5 năm triển khai thực hiện Hợp phần di dân tái định cư (Dự án) công trình thủy lợi hồ Nước Trong, tiến độ di dân nằm trong vùng dự án rất chậm, không đảm bảo như kế hoạch đề ra. Trước tình hình đó, tỉnh yêu cầu Ban quản lý dự án cần khẩn trương hoàn thành việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và di dân tái định cư (TĐC) trước 30/4/2011 để lấp dòng hồ Nước Trong. Vậy nguyên nhân của sự chậm trễ này là gì và đâu là giải pháp để đẩy nhanh tiến độ?
 
* 5 năm thực hiện được 50%

Để có mặt bằng xây dựng công trình thủy lợi kết hợp thủy điện hồ Nước Trong, tỉnh phải di chuyển 465 hộ ở 2 huyện Sơn Hà và Tây Trà. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện Dự án đã bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt là tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng, tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt các khu (điểm) TĐC quá chậm.
 
Trong đó, việc bồi thường giải phóng mặt bằng trên địa bàn Tây Trà chỉ có 466/852 ha được phê duyệt phương án bồi thường. Mặc dù bà con các địa phương đều tích cực ủng hộ chủ trương xây dựng công trình, chấp nhận khó khăn của việc di dời đến nơi ở mới, vì nguồn nước và dòng điện tương lai của đất nước...
 
Cây cầu qua thôn Trà Veo (Trà Xinh) trên tuyến đường số 4 thi công chậm, kéo theo việc thi công khu tái định cư Cà La chậm.
Cây cầu qua thôn Trà Veo (Trà Xinh) trên tuyến đường số 4 thi công chậm, kéo theo việc thi công khu tái định cư Cà La chậm.

Theo Ban quản lý dự án Hợp phần di dân TĐC thì đến cuối năm 2010, trên địa bàn 2 huyện Sơn Hà và Tây Trà mới chỉ xây dựng cơ bản hoàn chỉnh được 2 khu, điểm TĐC là: Suối Tê (Sơn Bao) cho 23 hộ và ở Đồi Gu (Di Lăng) Sơn Hà cho 71 hộ dân, nhưng ở Đồi Gu mới có 63/71 hộ chuyển đến ở. Còn 5 điểm ở Tây Trà, đến nay mới lập và phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật và hồ sơ mời thầu... Nói đúng hơn là cả 5 điểm này vẫn còn nằm trên giấy, trong khi đó, việc làm nhà TĐC cho người dân theo phương thức "chìa khoá trao tay" sẽ không làm kịp.

Theo kế hoạch, hồ Nước Trong sẽ chính thức ngăn dòng tích nước vào tháng 4/2011. Như vậy thời gian cho công tác di dân, TĐC khu vực lòng hồ chỉ còn hơn 1 tháng. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là, liệu có hoàn thành và hoàn thành bằng cách nào? Bởi thực tế hơn 5 năm qua, Ban quản lý dự án và các địa phương mới bố trí TĐC được cho khoảng 86 hộ (trung bình mỗi năm chưa được 20 hộ), vậy thì con số hơn 370 hộ phải hoàn thành việc bố trí TĐC trong khoảng thời gian hơn 1 tháng còn lại, sẽ được giải bằng "phép mầu" nào? Đây là một bài toán khó. Di dân chậm, đồng nghĩa với việc hàng trăm hộ dân cùng tài sản nhà cửa của họ có nguy cơ bị ngập trong nước.

* Đâu là nguyên nhân chậm?

Nguyên nhân dẫn đến thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và TĐC chậm, có ý kiến nhấn mạnh yếu tố khách quan do khí hậu phức tạp, các khu, điểm thực hiện TĐC ở xa trung tâm, giao thông khó khăn, hạ tầng cơ sở chưa có gì… Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn thì yếu tố trách nhiệm và năng lực cán bộ thực hiện quy hoạch tổng thể di dân, TĐC còn thấp là mấu chốt. Năng lực thực hiện các hợp phần di dân, TĐC của Ban quản lý dự án, các đơn vị tư vấn còn nhiều yếu kém, thiếu kinh nghiệm.

Chính vì thiếu kinh nghiệm nên mới xảy ra sự cố sạt lở ở khu TĐC Đồi Gu, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng. Cán bộ thực hiện các dự án TĐC phải có kiến thức nghiệp vụ và kinh nghiệm. Nhưng thực tế số cán bộ tham gia ban quản lý dự án chủ yếu được "góp nhặt" theo kiểu chắp vá nên khả năng quản lý, giám sát công tác TĐC hạn chế. Đấy là chưa kể không ít cán bộ thiếu yên tâm với công việc bởi nhiều lý do, nhưng rõ nhất là họ lo khi dự án hoàn thành, mình sẽ về đâu?...

Với một số cán bộ, do cường độ công việc quá lớn so với số lượng, năng lực và trình độ mà họ có nên ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng dự án TĐC là điều khó tránh khỏi. Đặc biệt từ năm 2005 đến nay đã có 2 phó giám đốc Ban bỏ việc, một số cán bộ trẻ khi mới xin vào làm thì hăng say, nhưng được một thời gian thì chán nản. Tình trạng nợ lương cán bộ, nhân viên kéo dài triền miên, khiến anh em dao động. Nhất là từ đầu năm 2010 đến nay anh em ở Ban quản lý dự án vẫn chưa có lương.

Bên cạnh đó, không ít chủ đầu tư và nhà thầu chưa tập trung cao độ cho việc lập quy hoạch chi tiết, giải phóng mặt bằng, chưa sâu sát kiểm tra, đôn đốc, giám sát thực hiện các dự án. Công tác đấu thầu, chỉ định thầu chưa được coi trọng. Cơ chế phối hợp giữa các ngành chức năng, liên quan đến TĐC thiếu đồng bộ cũng là một trong những nguyên nhân chậm trễ. Nhất là trước đây, việc di dân TĐC được giao cho Tây Trà, nhưng Tây Trà không nhận. Hệ quả của sự chậm trễ này là công tác giải ngân của dự án chậm và đến tháng cuối năm 2010, mới giải ngân được 161/372 tỉ đồng.

* Vậy đâu là giải pháp tháo gỡ?

Nguyên nhân chậm trễ thì dễ thấy, nhưng giải pháp để khắc phục nhằm đẩy nhanh tiến độ lại là việc không đơn giản. Do đó, để đạt mốc: "30/04/2011 - hạn chót hoàn thành dự án TĐC để chính thức ngăn dòng hồ Nước Trong" thì trước hết phải giải bài toán: Những cán bộ tham gia ban quản lý dự án phải là những người am hiểu và có trách nhiệm với công việc được giao.
 
Đi kèm với đó phải có những chế độ, chính sách phù hợp để họ yên tâm với nhiệm vụ. Mặt khác là cần tăng cường lực lượng cán bộ làm công tác này để giải quyết kịp thời mọi khó khăn, vướng mắc trong đền bù, giải phóng mặt bằng các điểm TĐC. Hơn nữa, việc thực hiện các dự án cần theo hướng đến đâu dứt điểm đến đó và tuân thủ đúng thứ tự ưu tiên: Mạng lưới giao thông; điện, nước sinh hoạt; trường lớp học, trạm y tế…
 
Nhiều ngôi nhà của người dân thôn Tây, xã Trà Thọ có nguy cơ bị ngập trong nước nếu chậm di dời.
Nhiều ngôi nhà của người dân thôn Tây, xã Trà Thọ có nguy cơ bị ngập trong nước nếu chậm di dời.

Tái định cư cho công trình thủy lợi hồ Nước Trong là một vấn đề quan trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống của hàng ngàn người dân, trong đó chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số. Do đó, nâng cao hiệu quả công tác TĐC tại các địa phương là một trong những đòi hỏi bắt buộc và bức thiết hiện nay.
 

*Ông Cao Văn Liệp - Giám đốc Ban quản lý dự án Hợp phần di dân TĐC công trình thủy lợi hồ Nước Trong: Việc chặn dòng đã định trong tháng 4/2011, nhưng các tuyến đường ngoại vùng thi công chậm là một trong những trở ngại cho việc vận chuyển vật tư thi công các điểm TĐC.

Mặt khác, TĐC là công việc chung của tỉnh, của các cấp, các ngành chứ không phải của riêng Ban quản lý dự án. Vì thế, để thực hiện tốt nhiệm vụ này đòi hỏi sự chung tay, vào cuộc thực sự của tất cả các cấp ủy, chính quyền và toàn thể người dân thuộc diện TĐC. Do đó, để đẩy nhanh tiến độ, cần tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong vận động nhân dân di dời đến nơi ở tạm.

*Ông Hồ Văn Cảnh - Chủ tịch UBND huyện Tây Trà: Xung quanh việc di dân TĐC trên địa bàn Tây Trà, chúng tôi thấy vướng đủ thứ: 5 năm nay chưa có khu TĐC nào hoàn thành mặt bằng, đường sá đến các khu TĐC cũng chưa xong, các công trình phúc lợi xã hội chưa làm thì làm sao di dời dân về đó được.

Tuy nhiên, để việc lấp dòng không ảnh hưởng đến đời sống của người dân, trước mắt tỉnh cho tổ chức di dời gấp 101 hộ ở thôn Tre và thôn Nước Biếc lên điểm tái định cư Sờ Lác ở tạm; đồng thời tập trung nhân lực thi công khu này trước. Mặt khác, chúng tôi mong huyện Sơn Hà không nên từ chối những hộ dân có mong muốn được về quê cũ Sơn Hà tự TĐC để việc di dân được nhanh hơn.

*Ông Hồ Quý Mân - Bí thư Đảng ủy xã Trà Thọ: Cán bộ Ban quản lý thiếu sự phối hợp với địa phương, họ không phân công người ở lại cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với địa phương. Đã vậy, vài ba tháng họ lên một lần, nhưng khi lên làm việc trực tiếp với người dân được vài tiếng đồng hồ thì về nên những vướng mắc chậm được giải quyết.

Nếu trước 30/04/2011 mà không tổ chức di dời 101 hộ dân ở thôn Tre và thôn Nước Biếc lên khu TĐC Sờ Lác thì các hộ dân ở đây sẽ bị ngập chìm trong nước. Bởi ở 2 thôn này nằm giữa lòng hồ Nước Trong. Còn nếu di dời gấp gáp thì với năng lực của xã thì không tài nào di dời một lúc hơn 200 hộ dân được.

*Ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch UBND xã Trà Xinh: Ngày 3/3/2011, Ban quản lý dự án mới làm việc với xã để cắm mốc giới khu TĐC Cà La thì làm sao mà thi công kịp để di dời dân. Hơn nữa, việc giải phóng mặt bằng ở đây cũng chưa xong, việc bồi thường cho người dân mất đất cũng chưa thực hiện.

Một vấn đề khiến chúng tôi lo lắng là việc tái định canh rất khó. Bởi khi nước ngập người dân sẽ không còn đất sản xuất, hay khai hoang gì được. Người dân của địa phương đa số sống bằng sản xuất lúa nước, nay mất đất thì không biết sau này họ sống bằng gì.

*Ông Hồ Ngọc Tường - thôn Tre, xã Trà Thọ (Tây Trà): Nghe thông báo là 30/4/2011 chặn dòng khiến chúng tôi lo lắng. Nhà cửa của chúng tôi vẫn chưa được di dời, khu TĐC vẫn chưa thấy đâu. Việc di dời nhà cửa, đồ đạc của chúng tôi đâu phải chuyện đơn giản, nói dời đi là dời được sao. Phong tục của bà con là không tháo dỡ nhà đến nơi ở mới khi không có đất làm nhà là họ không đi.

Còn việc đến nơi ở mới mà chưa có đất, chưa có nhà thì người dân chúng tôi sống sao đây? Mặt khác, việc kiểm kê bồi thường ở thôn cũng chưa xong, ở thôn có 11 gia đình có đất bị kiểm kê nhầm của người này sang người khác.



Bá Sơn

.