Văn hóa đọc – có xuống cấp?

10:12, 03/12/2010
.

(QNg)- Gần đây, dư luận xã hội đang nói nhiều đến hiện tượng xuống cấp của văn hóa đọc, đặc biệt là trong giới trẻ. Người ta thấy, giới trẻ bây giờ ngày càng xa lánh thú đọc sách nghiêm túc, mà sa đà vào những thú đọc giải trí, hời hợt, thiên về những ấn phẩm với ngôn từ đơn giản, sáo rỗng, dễ hiểu, dẫn đến sự lệch lạc trong lối sống, suy nghĩ và hành động. Chính vì vậy, làm thế nào để giới trẻ quan tâm đến văn hóa đọc là câu hỏi không chỉ của  những người có tâm huyết với nó mà của toàn xã hội.

Đi tìm câu hỏi nguyên nhân giới trẻ xa rời văn hóa đọc?
“Giới trẻ ngày càng ít quan tâm đến văn hóa đọc. Thời gian dành cho học tập, vui chơi cũng như sự đa dạng của các phương tiện thông tin đại chúng đã vô tình đẩy giới trẻ ngày càng xa rời văn hóa đọc…”. Đó là chia sẻ của một giáo viên THPT trường Trần Quốc Tuấn (thành phố Quảng Ngãi). Điều này cũng dễ dàng nhận thấy khi mà văn hóa nghe nhìn đang ngày càng phát triển mạnh mẽ và việc tiếp cận thông tin – văn hóa – tri thức từ “văn hóa đọc” không còn vị trí độc tôn, đặc biệt là sự bùng nổ của game online đã khiến một bộ phận giới trẻ ngủ quên trong thế giới ảo và văn hóa đọc dần trở thành một khái niệm xa lạ đối với họ.
 
 Cần dạy cho trẻ kỹ năng đọc sách ngay từ khi còn trên ghế nhà trường.
Cần dạy cho trẻ kỹ năng đọc sách ngay từ khi còn trên ghế nhà trường.

Dạo quanh các nhà sách trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi có thể nhận thấy lượng sách phục vụ nhu cầu đọc rất phong phú: Sách văn học trong nước, văn học nước ngoài đã dịch, được tái bản với mẫu mã và hình thức bắt mắt. Tuy nhiên theo các nhân viên bán sách thì khách hàng tìm mua chủ yếu vẫn là người đã có tuổi, còn giới trẻ thì gần như không bước chân đến. Tuy nhiên cũng dễ dàng nhìn thấy hình ảnh ngược lại là các điểm đọc truyện tranh, các quán Internet luôn thu hút học sinh.

Mặc dù năm nào, ngành văn hóa cũng tổ chức Ngày hội đọc sách nhằm kích thích, khơi dậy niềm đam mê đọc sách và hình thành thói quen đọc sách trong thanh thiếu niên, nhi đồng, học sinh, sinh viên… Đã từng dự “sự kiện” này nhiều năm, có một thực tế đáng buồn là sách cuốn hút các em vẫn là truyện tranh, các sách văn học gần như bị bỏ ngỏ. Điều này không có nghĩa là các em không đọc sách, nhưng từ đây chúng ta thấy rằng sách cho các em không có nhiều, thậm chí là không có những sách cho thiếu nhi. Và định hướng việc đọc sách như thế nào, đọc cái gì hầu như không có, hoặc có nhưng không nhiều.

Sách có ảnh hưởng rất lớn đến việc nuôi dưỡng tâm hồn và hình thành nhân cách của trẻ, thế nhưng chúng ta chưa hình thành ý thức trong việc xây dựng một nền văn hóa đọc cho thiếu nhi. Công việc rất quan trọng này lâu nay dường như được cả gia đình, nhà trường phó thác cho các nhà văn, các nhà xuất bản. Dấu ấn của các bậc cha mẹ, các thầy cô giáo gần như không có. Về phương diện sáng tác, văn học Việt Nam bao năm qua chỉ quanh quẩn với những tác phẩm như "Dế mèn phiêu lưu ký" của Tô Hoài, thơ Trần Đăng Khoa... Chính vì vậy, việc trẻ em Việt Nam trở thành đệ tử trung thành của truyện tranh nước ngoài và các loại hình giải trí khác là điều khó tránh khỏi.

Xây dựng văn hóa đọc – Bắt đầu từ đâu?
Để học sinh không lãng quên việc “đọc”, Trường THCS Nghĩa Lộ đã duy trì tủ sách di động với gần 6000 đầu sách (trong đó sách văn học nghệ thuật trong và ngoài nước chiếm 50%) cho học sinh đọc tại chỗ và mượn về nhà từ nhiều năm nay, tủ sách có tác dụng tốt khi học sinh được tiếp cận những tác phẩm văn học kinh điển, kích thích sự tìm tòi, học hỏi và tiếp thu những thông tin hữu ích thông qua việc đọc sách báo. Đây là một trong số rất ít trường học trong tỉnh làm được chuyện này nhưng để phổ biến rộng rãi nó thì còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có hay không sự quan tâm của nhà trường, phụ huynh học sinh đối với vấn đề “đọc”.

Tại Hội nghị giao ban văn hóa, văn nghệ, giáo dục – đào tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên của Ban Tuyên giáo Trung ương tại Quảng Ngãi mới đây cũng đề cập nhiều về sự xuống cấp của văn hóa đọc. Ông Trương Văn Huyền – Phó Giám đốc Sở Giáo dục – đào tạo tỉnh Quảng Nam cho rằng: Chúng ta đừng đổ lỗi do cơ chế thị trường, do mạng điện tử… mà cái chính là những tác phẩm văn học hiện nay. Bởi vì một tác phẩm muốn sống được trong lòng bạn đọc thì không phải tác phẩm đó trị giá bao nhiêu tiền mà quan trọng là nó đã bắt nhịp được ý tưởng, suy nghĩ của lớp trẻ hay không? Tôi nghĩ giới trẻ bây giờ rất ham đọc sách, muốn đọc sách để tiếp nhận văn hóa, khoa học kỹ thuật, tiếp cận về thế giới, nhân loại. Hơn ai hết họ rất muốn biết thế hệ đi trước như Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc đã làm gì và thế hệ trẻ bây giờ cần phải làm gì. Như vậy, trách nhiệm đó không phải chỉ của nhà trường mà của toàn xã hội.
 
 Nhà trường, gia đình và xã hội cần định hướng cho trẻ vào những trò chơi lành mạnh, bổ ích.
Nhà trường, gia đình và xã hội cần định hướng cho trẻ vào những trò chơi lành mạnh, bổ ích.

Từ vấn đề này, nhiều nhà quản lý văn hóa cho rằng: Nếu chúng ta hình thành và xây dựng được văn hóa đọc ngay tại gia đình, bố mẹ mua sách về đọc cho con cái nghe trước khi đi ngủ hằng ngày, dần dà tự tập cho con thói quen đọc sách thì đứa trẻ sẽ lớn dần cùng sở thích đọc sách được bồi dưỡng và phát triển theo năm tháng. Song song với việc đó, nhà trường phải xây dựng và hướng dẫn cho trẻ tiếp cận với văn hóa đọc qua nhiều biện pháp, tập cho chúng ý thức đọc hằng ngày qua việc đọc diễn cảm hoặc thi kể chuyện trên lớp...

Nhà trường cần mở rộng các thư viện miễn phí với nhiều đầu sách phong phú phù hợp với lứa tuổi, ngoài giáo trình học, để thư viện trở thành một sân chơi được yêu thích, chứ không chỉ đơn thuần chỉ là nơi hành xác lo chạy đua trước các kỳ thi. Các cơ quan đơn vị nên dành quỹ xây dựng các thư viện nhỏ miễn phí cho cán bộ công nhân viên của mình, để việc đọc sách trở nên dễ dàng hơn đối với cả những người không có điều kiện thuận lợi về kinh tế hoặc eo hẹp về thời gian đi lại mượn sách ở các thư viện lớn…
*Ông Trần Minh Chính – Cục văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch): Có 3 nguyên nhân làm cho văn hóa đọc xuống cấp. thứ nhất là khi chuyển sang cơ chế thị trường thì hầu hết các đơn vị làm sách thường nghĩ đến lợi nhuận, mà đã quan tâm đến lợi nhuận thì họ phải quan tâm đến loại sách bán ra rất đắt, nông dân, công nhân không thể mua được. Thứ hai là bản thân các nhà văn chưa thật sự quan tâm đến đề tài, đối tượng là nông dân, người lao động. Thời kỳ chiến tranh, bao cấp rất nhiều tác phẩm hay viết về đề tài này  nhưng bây giờ rất ít, đó là chúng ta chưa kể  đưa sách về địa phương không phù hợp với bà con nông dân. Chẳng hạn, những cuốn sách cao siêu về triết học, về những vấn đề khoa học có tính chất vĩ mô thì làm sao người dân hiểu được. Thứ ba là văn hóa nghe nhìn phát triển. Muốn văn hóa đọc trở lại thời hoàng kim của nó đòi hỏi sự kiên trì, vào cuộc của cả hệ thống chính trị chứ không riêng ngành văn hóa.

*Ông Lê Văn Sơn – Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh: Các cơ quan chức năng phải có một cuộc điều tra xã hội học về văn hóa “đọc” trong gia đình cũng như cơ quan, trường học thì mới có thể kết luận được văn hóa “đọc” hiện nay có xuống cấp hay không? Tuy nhiên theo xu hướng hiện nay, văn hóa đọc đang giảm sút trầm trọng vì sự bùng nổ thông tin, người dân có thể tìm kiếm thông tin ở bất cứ đâu. Trong khi đó, nhiều thư viện, tủ sách tại trường, điểm đọc sách báo hay thư viện văn hóa xã lại nghèo nàn về số lượng đầu sách, báo, không được bổ sung, cập nhật thường xuyên nên không có sự hấp dẫn lôi cuốn đối với người đọc. Còn đối với các tủ sách tư nhân thì hầu như các loại sách không được chọn lọc, các thể loại chủ yếu là truyện tranh tình cảm hoặc bạo lực quá mức được giới trẻ ưa chuộng lại làm mất đi tính nhân văn của các tác phẩm. Để văn hóa “đọc” được phát huy một cách toàn vẹn nhất cả về ý nghĩa truyền thống cũng như phát huy tính nhân văn, cần phải tuyên truyền rộng rãi hơn nữa đến từng đối tượng, đầu tư đầy đủ và có chọn lọc để có thể khơi dậy sự ham đọc trong mọi tầng lớp nhân dân.

*Ông Trịnh Thanh Tùng – Giám đốc Thư viện tỉnh: Với 120 ngàn đầu sách (trong đó có khoảng 30% là sách văn học trong và ngoài nước) hàng năm. Thư viện tỉnh vẫn duy trì số lượt độc giả đến đọc khoảng 25 ngàn người, lượt mượn về 15 ngàn người, trong đó tỷ lệ sách văn học nghệ thuật được mượn chiếm 50%. Mặc dù văn hóa đọc là hình thức văn hóa truyền thống có nhiều ưu điểm, hầu như mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội đều có thể sử dụng như một phương tiện học tập, nghiên cứu, kể cả giải trí...Tuy nhiên, với xu hướng hiện nay nhiều loại hình thông tin như truyền hình, internet... đã lấn át văn hóa “đọc”, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên vì  tầng lớp này rất ưa chuộng những cái mới, thu hút và hấp dẫn hơn, một phần có thể do nhu cầu học tập và dành sự kỳ vọng cho con em mình quá lớn nên các em không có thời gian để “đọc” mà phải “chạy” theo các lớp bồi dưỡng, học thêm…

*Ông Nguyễn Một – cán bộ hưu trí phường Nghĩa Lộ, thành phố Quảng Ngãi: Theo tôi, giới trẻ hiện nay ít quan tâm đến các tác phẩm in ấn như thời trước, công nghệ thông tin đã và đang chiếm lĩnh phần lớn trong đời sống văn hóa tinh thần, một bộ phận không nhỏ người dân thay vì tìm hiểu thông tin, kiến thức thông qua sách báo lại tìm hiểu thông tin, giải trí ở một mạng lưới rộng lớn hơn đó là internet (vì mạng internet là nơi rất khó kiểm soát sự sai lệch thông tin). Các ngành chức năng cần quan tâm hơn nữa để duy trì được văn hóa “đọc” trong thế hệ trẻ.

*Em Nguyễn Thị Phương Thu – học sinh trường Trần Quốc Tuấn:  Thời gian dành cho việc học ở trường, học thêm, làm bài tập, tham gia các hoạt động đã chiếm gần hết quỹ thời gian của chúng em nên việc đọc sách (ngoài sách giáo khoa) gần như không có. Thị trường sách hiện nay rất phong phú nhưng lại đắt tiền, nhiều sách không phù hợp. Chúng em mong có những cuốn sách mà chúng em có thể mua được và được xuất bản vừa lòng bàn tay để tiện đọc mỗi khi rảnh rỗi…


T.Thuận-X.Hiếu

.