Đâu là "bệ phóng" cho cụm công nghiệp - làng nghề "cất cánh"

01:12, 12/12/2010
.

(QNg)- Những năm gần đây, cụm công nghiệp- làng nghề (CCN- LN) ở Quảng Ngãi ngày một "nở rộ". Tuy nhiên, nhiều CCN- LN quy hoạch chưa hợp lý, thiếu doanh nghiệp tham gia đầu tư kinh doanh hạ tầng, nguồn vốn hỗ trợ phát triển hạn chế... nên hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao. Theo dự án quy hoạch định hướng phát triển các CCN- LN giai đoạn 2002- 2010, trên địa bàn tỉnh quy hoạch 25 CCN- LN, tổng diện tích 560ha.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2010 Quảng Ngãi chỉ có 19 CCN- LN được quy hoạch chi tiết, với diện tích khoảng 232ha. Nhưng vì kết quả hoạt động quá khiêm tốn, UBND tỉnh đã quyết định chuyển mục đích đầu tư 2 CCN- LN Thiên Bút và Yên Phú (thành phố Quảng Ngãi) để xây dựng khu dân cư, trung tâm thương mại và dịch vụ. Do đó, hiện chỉ còn 17 CCN- LN đã và đang được xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư, nằm trên địa bàn 11 huyện, thành phố.
 
Cụm CN- LN Tịnh Ấn Tây thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư.
Cụm CN- LN Tịnh Ấn Tây thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư.

Thực tế, cũng chỉ có 12/17 CCN- LN thật sự hoạt động. 5 CCN- LN gồm: An Hải (Lý Sơn), Long Mai (Minh Long), Sơn Hải, Sơn Thượng (Sơn Hà), Thạch Bích (Trà Bồng) được phê duyệt chi tiết từ những năm 2004- 2006, nhưng đến nay vẫn chưa được đầu tư; hoặc san lấp mặt bằng rồi... bỏ hoang. Nhìn qua danh sách 5 CCN- LN trên có thể thấy, tất cả đều gặp bất lợi về vị trí địa lý khi nằm ở những huyện miền núi, hay hải đảo. Đó là những nơi không thật sự hấp dẫn doanh nghiệp, vì gặp nhiều khó khăn về chất lượng nguồn lao động, thị trường tiêu thụ hay giao thông... Do đó, các CCN- LN ấy vẫn chỉ tồn tại trên... giấy và chờ đợi vào tương lai mà thôi!

Theo Sở Công thương, tính đến cuối năm 2010, các CCN- LN trong tỉnh thu hút được 60 dự án đầu tư (trong tổng số 96 dự án đăng ký), tổng vốn hơn 175 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 1.670 lao động, với thu nhập bình quân từ 1,5- 2,5 triệu đồng/người/tháng. Các sản phẩm được sản xuất ở các CCN- LN gồm: Hàng mây tre đan, đũa tre, bánh tráng, nước mắm, nhựa gia dụng... Riêng năm 2010, ước nộp ngân sách trên 4,2 tỷ đồng.
Hiện nay, hầu hết các CCN- LN trên địa bàn tỉnh vẫn chưa sử dụng hết diện tích đất được quy hoạch, tỷ lệ lấp đầy chỉ xấp xỉ 50%. Nhiều cụm CCN- LN hoạt động manh mún, còn các cơ sở sản xuất thì gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nhắc đến việc này, khó có CCN- LN nào "sánh" được với CCN- LN Đồng Dinh (Nghĩa Hành). Trước đây, vùng đất này được xem là vùng nguyên liệu mía và sản xuất lúa trọng điểm của huyện.
 
Để có 10,8 ha diện tích đất xây dựng CCN- LN Đồng Dinh, nhiều hộ dân phải bấm bụng nhường đất sản xuất nông nghiệp thế nhưng đến nay các dự án chưa thể lấp đầy hết diện tích quy hoạch. Vì vậy người dân đã tranh thủ canh tác trên diện tích đất còn trống. Nhưng niềm vui nho nhỏ ấy, chắc cũng không thể khỏa lấp được nỗi thống khổ của người dân sống gần CCN- LN Đồng Dinh, vì mùi hôi thối. Các doanh nghiệp sản xuất thức ăn gia súc và chế biến cồn rượu đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân địa phương. Nhưng không riêng gì CCN- LN Đồng Dinh, mà hầu hết các CCN- LN trong tỉnh đều chưa xây dựng được hệ thống xử lý nước thải tập trung. Một khó khăn nữa là, nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng quá ít.

Theo Quyết định số 55/2008/QĐ-UBND ngày 31/3/2008 của UBND tỉnh thì, ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ 50% số vốn đầu tư xây dựng hạ tầng CCN- LN cho các huyện, thành phố (không tính vốn vay ưu đãi). Nhưng nhiều huyện vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ nào theo quyết định này. Tính đến cuối năm 2010, ngân sách tỉnh mới đầu tư khoảng 12 tỷ đồng, chỉ xấp xỉ 12% so với tổng vốn. Do đó, việc phát triển các CCN- LN còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng với sự kỳ vọng của các cấp, ngành và nhân dân trong tỉnh.

Các CCN- LN nên xác định thế mạnh thật sự, từ đó tập trung quảng bá tiềm năng, xúc tiến đầu tư loại hình doanh nghiệp phù hợp với từng khu vực, nhất là miền núi và hải đảo. Có thể khẳng định, quy hoạch phát triển ngành nghề ở các CCN- LN là yếu tố mấu chốt. Đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng là động lực thúc đẩy cơ bản. Vừa qua, Sở Công thương đã kiến nghị UBND tỉnh cho các địa phương được sử dụng nguồn vốn tín dụng của Nhà nước, để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng CCN- LN, theo Quyết định 56/2009/QĐ-TTg (ngày 15/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Song song với những ưu đãi đó, UBND tỉnh cần nhanh chóng bố trí nguồn vốn để hỗ trợ cho các địa phương (theo Quyết định số 55/2008/QĐ-UBND ngày 31/3/2008 của UBND tỉnh). Đặc biệt, ban quản lý các CCN- LN phải tạo điều kiện thuận lợi về giao đất, mặt bằng cho các nhà đầu tư.

Hầu hết các doanh nghiệp đầu tư vào các CCN- LN đóng trên địa bàn tỉnh ta chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Với khả năng tài chính eo hẹp, các doanh nghiệp khó sử dụng dây chuyền sản xuất hiện đại, nên dễ nảy sinh các vấn đề ô nhiễm môi trường. Khi đó, những người có trách nhiệm cần đặt ra yêu cầu nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường. Mô hình CCN- LN Tịnh Ấn Tây (huyện Sơn Tịnh) có thể coi là một thành công, kết hợp hài hòa giữa việc bảo vệ môi trường với lợi ích đầu tư. Năm 2003, mặc dù mới thành lập CCN- LN Tịnh Ấn Tây, nhưng huyện Sơn Tịnh đã có một hành động có thể gọi là "dũng cảm": Từ chối 3 dự án đầu tư vào CCN- LN này. Đây là các dự án sản xuất phân vi sinh và san chiết gas, với tổng vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng. Nguyên nhân là Ban quản lý CCN- LN đã thấy được nguy cơ ô nhiễm môi trường, cháy nổ từ các dự án trên.
 
 Nhiều diện tích đất trong CCN- LN Đồng Dinh được người dân tận dụng để… trồng lúa.
Nhiều diện tích đất trong CCN- LN Đồng Dinh được người dân tận dụng để… trồng lúa.

Hiện nay, Ban quản lý các CCN- LN ở Quảng Ngãi có 3 hình thức tổ chức, đó là Ban quản lý chuyên trách, ban quản lý có kiêm nhiệm và Ban quản lý hoàn toàn kiêm nhiệm. Qua thực tế hoạt động cho thấy, chỉ có mô hình Ban quản lý chuyên trách và Ban quản lý có kiêm nhiệm thật sự phát huy được hiệu quả. Do đó, tùy quy mô đầu tư phát triển các CCN- LN trên địa bàn mỗi huyện, thành phố, cũng như thực tiễn khối lượng công việc cần thiết, các địa phương cần bố trí biên chế chuyên trách cho phù hợp.

Ngoài ra các cấp, ngành cần thực hiện tốt và đồng bộ một số giải pháp quan trọng khác, đó là các giải pháp về khoa học công nghệ, về đào tạo nguồn lao động phục vụ các CCN- LN. Mọi tầng lớp nhân dân cũng cần phải thấy, việc phát triển các CCN- LN đóng vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh ta.

*Ông Nguyễn Đức Hoài- Phó Giám đốc Sở Công thương: Hiện nay, hầu hết các huyện đồng bằng trong tỉnh đã quy hoạch chi tiết các CCN- LN, cũng như triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu và thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh. Nhiều CCN- LN đã đạt được những kết quả thiết thực về sản xuất, sử dụng lao động địa phương, có những đóng góp nhất định vào ngân sách, giúp phát triển kinh tế- xã hội của các huyện, thành phố. Tuy nhiên vẫn còn một số CCN- LN có hạ tầng kỹ thuật kém, hầu hết CCN- LN đều chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Nhiều cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến người dân và có dư luận xã hội không tốt. Các huyện miền núi và hải đảo khó có cơ hội phát triển CCN- LN như định hướng trước đây. Trong thời gian đến, Sở Công thương sẽ kiến nghị UBND tỉnh cho chủ trương điều chỉnh quy hoạch phát triển các CCN- LN trên địa bàn giai đoạn 2011- 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Sở Công thương cũng sẽ tăng cường phối hợp với các địa phương, nhằm giám sát và hỗ trợ để các CCN- LN hoạt động và phát triển tốt. Từ đó góp phần xây dựng nông thôn mới như yêu cầu của chủ trương khi xây dựng CCN- LN đã đặt ra.

*Ông Lê Hàn Phong- Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ: Năm 2008, UBND huyện Ba Tơ đã tiến hành quy hoạch chi tiết CCN- LN thị trấn Ba Tơ, có diện tích 1,8 ha, với kinh phí được phê duyệt gần 5 tỷ đồng. UBND huyện đã đầu tư gần 2,5 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng CCN- LN này. Hiện nay, CCN- LN thị trấn Ba Tơ thu hút được 1 doanh nghiệp tham gia đầu tư, đó là doanh nghiệp chế biến đá Ánh Thông. Tuy nhiên, việc kêu gọi đầu tư đang gặp rất nhiều khó khăn, do cơ sở hạ tầng của CCN- LN vẫn chưa hoàn thiện, nguyên nhân vì thiếu vốn. Theo tính toán của UBND huyện, khi hoàn thành CCN- LN sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 200 lao động địa phương, giúp nhiều hộ gia đình nâng cao thu nhập. Và đây cũng là nền móng để tạo đà phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp cho huyện Ba Tơ.

*Ông Phạm Xuân Vinh- Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Sơn Tịnh, Phó Ban quản lý CCN- LN Tịnh Ấn Tây: Cụm CCN- LN Tịnh Ấn Tây được thành lập từ năm 2003, tổng diện tích quy hoạch là 24 ha. Hiện nay, CCN- LN đã thu hút được 19 doanh nghiệp đầu tư, với số vốn gần 80 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 700 lao động. Ban quản lý CCN- LN luôn chú trọng việc bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, khi chuẩn bị hình thành cụm CN-LN Tịnh Ấn Tây, huyện Sơn Tịnh đã đặt hàng Trung tâm Nghiên cứu công nghệ và thiết bị công nghiệp (thuộc Trường đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh) xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường cho CCN- LN này. Đây là nền tảng để huyện triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường theo tiêu chí phát triển bền vững. Trong thời gian đến, cùng với việc mở rộng quy mô để thu hút đầu tư, CCN- LN Tịnh Ấn Tây sẽ nhanh chóng tiến hành xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, hoàn thiện công tác bảo vệ môi trường công nghiệp nơi đây.

*Ông Trà Văn Bé - khối 4, thị trấn La Hà (Tư Nghĩa): Năm 2004 CCN- LN La Hà được quy hoạch chi tiết, người dân khối 4, thị trấn La Hà hy vọng vào một sự đổi thay tích cực về kinh tế- xã hội cho địa phương. Điều đầu tiên là CCN- LN này sẽ tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, nhưng thực tế có quá ít nhu cầu tuyển dụng ở các doanh nghiệp. Mà nếu có tuyển dụng thì mức lương trả cho người lao động cũng không cao, nên tất cả đều đã nghỉ việc. Nhiều người còn kỳ vọng, khi CCN- LN thu hút được doanh nghiệp, các dịch vụ "ăn theo" sẽ nở rộ, góp phần gia tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên sau 6 năm đi vào hoạt động, những mong ước ấy đã không trở thành sự thật. Người dân vẫn chưa cảm nhận được hiệu quả mà CCN- LN này mang lại.

 
Nguyễn Triều

.