Sân chơi cho trẻ em trong dịp hè: Vừa thiếu, vừa yếu

06:05, 30/05/2010
.

(QNg) - Sân chơi cho trẻ em là vô cùng cần thiết, nhất là trong dịp hè. Tuy nhiên trên địa bàn tỉnh ta sân chơi cho trẻ em vừa thiếu, vừa yếu không chỉ ở các vùng nông thôn, miền núi mà ngay trong khu vực thành phố.

Thiếu sân chơi…
Không gian ở các vùng nông thôn và miền núi tỉnh ta rất rộng rãi, nhưng trẻ em vẫn thiếu sân chơi. Thế nên các em thường tụ tập chơi các trò chơi của mình ngay dưới bóng cây to trong xóm,  ở ven các tuyến đường chạy qua thôn, hay ở ruộng khô, trên bờ đê… Còn trẻ em vùng miền núi trong những ngày hè lại theo chân cha mẹ lên nương, rẫy để chơi. Do không có trò chơi cụ thể, các em thường chỉ leo trèo trên cây hoặc tắm sông, suối… Nhiều trẻ em ở các vùng này còn bị tước quyền vui chơi giải trí do phải tham gia "phụ giúp" bố mẹ bằng sự lao động quá sức.

Điển hình như ở xã Sơn Mùa (Sơn Tây), có gần 700 em trong độ tuổi thanh thiếu niên nhưng địa điểm vui chơi lành mạnh hầu như không có. Ông Đinh Trọng Yến - Chủ tịch UBND xã Sơn Mùa cho biết: Vào mùa hè các em chỉ có thể chơi loanh quanh trong khu dân cư hoặc lên rừng, tắm suối. Các khu dân cư của xã lại xa xôi, đi lại khó khăn, hầu như các em không có điều kiện tham gia sinh hoạt hè tại trường.

Hầu hết các địa phương trong tỉnh đều có nhà văn hóa. Không ít nhà văn hóa được xây dựng khang trang, tốn kém, nhưng khánh thành xong phần nhiều trong số đó lại để không, ít hoạt động (vì không có đồ chơi, không sách báo) hay trở thành nơi phơi lúa (chưa kể một số nhà văn hóa không có sân), hiệu quả hoạt động không cao, trong khi trẻ em nông thôn lại rất cần một nơi để chơi rộng rãi và dễ kiểm soát.
Không có địa điểm vui chơi, trẻ em nông thôn - miền núi thường chơi ở khu vực sông suối không an toàn.
Không có địa điểm vui chơi, trẻ em nông thôn - miền núi thường chơi ở khu vực sông suối không an toàn.

Tình trạng thiếu sân chơi cho trẻ em  không phải cá biệt, mà ngay cả tại thành phố Quảng Ngãi cũng tồn tại tình trạng này nhiều năm nay. Trong những ngày hè một bộ phận không ít thanh thiếu niên thành phố chọn lòng đường, tiệm internet làm nơi vui chơi, giải trí, vì không còn lựa chọn nào khác hơn. Cứ chiều lại ở các đoạn đường vắng vẻ, các em nam tụ tập lại chơi đá bóng ngay giữa lòng đường; còn các em nữ thì chỉ biết đạp xe dạo mát hoặc ngồi ở các công viên; hoặc vào tiệm Internet ngồi từ sáng sớm đến chiều tối, vì "em không biết làm việc gì khác cả, nghỉ hè ở thành phố mình có gì để chơi đâu" - một em học sinh bày tỏ.

 Cả thành phố chỉ có vài điểm vui chơi thưa thớt với một số trò chơi ngoài trời như lái ô tô đồ chơi, đu quay, nhà banh… vào buổi tối ở trước Nhà văn hóa thiếu nhi Quảng Ngãi. Nhưng địa điểm này chỉ thu hút được một số ít các em từ 4-9 tuổi đến chơi. Nhiều phụ huynh cho biết chỉ có thể đưa trẻ đến khu vui chơi vào buổi tối, vì ban ngày cha mẹ phải làm việc, hầu hết thời gian còn lại trong ngày hè trẻ em thành phố được gửi đến những lớp học thêm hoặc những nhà giữ trẻ tư nhân.

Cần quan tâm cả chất và lượng...
Nếu kể ra như thế thì số lượng chỗ chơi của các em cũng nhiều, nhưng về chất lượng là điều đáng bàn. Trong một sân chơi tích cực dành cho các em để phát triển toàn diện, phải là những thứ vừa giúp các em chơi, vừa giúp các em học. Đó là sách báo, văn hóa phẩm, các dụng cụ, đồ chơi trí tuệ… Tuy nhiên những "đồ chơi này" rất thiếu với trẻ em nông thôn, miền núi và ngay cả với trẻ em thành phố.
 
Những điểm đọc sách phong phú là một "sân chơi" lành mạnh cho thanh thiếu niên trong dịp hè.
Những điểm đọc sách phong phú là một "sân chơi" lành mạnh cho thanh thiếu niên trong dịp hè.

Các nhà văn hóa hay thư viện ở nông thôn, miền núi hầu như không có sách báo hoặc nếu có thì cũng chỉ là những đầu sách báo cũ. Một vài nơi hiếm hoi có đầy đủ hơn thì cũng chỉ được mở cửa vào những thời điểm hiếm hoi.

Tuy nhiên, ở thành phố những sân chơi có nội dung lành mạnh chưa nhiều. Hiện nay nhà Thiếu nhi Quảng Ngãi có 8 phòng năng khiếu cho những em từ 6-11 tuổi và 7 phòng bán trú dành cho lứa tuổi mẫu giáo, với nhiều nội dung học. Tuy nhiên do nội dung học chưa phong phú, đa dạng, nên chưa thu hút được các em đến đăng ký tham gia. Ngay từ đầu hè tại nhà thi đấu Diên Hồng có mở các lớp học bơi, võ thuật, nhưng những lớp học này không đáp ứng được hết nhu cầu đông đảo của thanh thiếu nhi thành phố. Các phường trong thành phố đều có điểm đọc sách cho các em, nhưng vẫn chưa khai thác có hiệu quả, do không gian chật hẹp, số đầu sách báo ít, lại quá cũ nên các em nhỏ vẫn thờ ơ với những địa chỉ này.

Lâu nay, khẩu hiệu "Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai" đã thể hiện trách nhiệm của cả dân tộc đối với thế hệ tương lai. Tuy nhiên thiếu sân chơi lành mạnh cho trẻ em, đặc biệt là trong những ngày hè là nỗi bức xúc của các bậc phụ huynh và toàn xã hội. Nhưng vấn đề này dường như vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
 

 
*Ông Đinh Trọng Yến - Chủ tịch UBND xã Sơn Mùa (Sơn Tây): Mùa hè năm nào tại địa bàn xã cũng xảy ra ít nhất một vụ tai nạn trẻ em (gãy tay, chân hoặc té xuống sông, suối). Chính quyền xã và phụ huynh học sinh luôn mong muốn ở xã có điểm vui chơi giải trí lành mạnh, để các em trong những ngày hè có thể tham gia nhằm tránh được những tai nạn rủi ro, đồng thời phát triển thêm kiến thức.

 
*Chị Nguyễn Thị Hạnh Dung - Quyền Giám đốc Nhà Văn hóa thiếu nhi tỉnh:
Hè năm nay Nhà thiếu nhi sẽ mở 30 lớp năng khiếu với nhiều loại hình, đáp ứng cho khoảng trên 800 thiếu nhi trong toàn tỉnh tham gia. Nhà thiếu nhi cũng tổ chức nhiều sân chơi không chỉ  cho trẻ em ở thành thị, mà còn ở các huyện miền núi hoặc hải đảo trong dịp hè này. Tuy nhiên do điều kiện cơ sở vật chất và nguồn lực còn thiếu thốn, nên không thể đáp ứng hết nhu cầu của trẻ em, đặc biệt là trẻ em ở những vùng sâu, vùng xa.

 
*Anh Nguyễn Thanh Lâm - Chủ tịch Hội Đồng đội huyện Sơn Tịnh:
Huyện Sơn Tịnh có trên 28.500 thanh, thiếu nhi. Hàng năm vào dịp hè Hội Đồng đội huyện đều có rất nhiều hoạt động dành cho các em. Tuy nhiên những hoạt động này chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ, vì nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong dịp hè năm nay Hội Đồng đội huyện đã có những chỉ đạo mới xuống cơ sở, nhằm loại bỏ những nguyên nhân khách quan, tạo cho thanh thiếu nhi một mùa hè vui vẻ và nhiều ý nghĩa.

 
*Chị Đinh Thị Bình - một phụ huynh ở xã Bình An (Bình Sơn):
Cả xã không có một địa điểm nào để cho trẻ em vui chơi lành mạnh, an toàn cả. Mùa hè, bọn nhỏ theo cha mẹ ra đồng chơi hoặc phụ làm ruộng, không thì tập trung lại để đá banh trên những chân ruộng khô hoặc tắm sông… Trẻ em tự chơi với nhau thôi chứ cha mẹ đi làm không thể ở nhà mà giữ con được.

 



 
*Em Đỗ Hoàng Long - học sinh lớp 4G Trường tiểu học Trần Hưng Đạo: Mùa hè em rất thích chơi thả diều, đá bóng hay những trò chơi vận động; nhưng ở thành phố không có sân chơi nào rộng rãi và an toàn để chơi những trò chơi đó, nên chúng em thường tập trung nhau và chơi ở lòng đường hay bãi sông, biết là nguy hiểm nhưng mùa hè mà không được chơi thì buồn lắm.

 


XUÂN HIẾU

.