(Báo Quảng Ngãi)- Chủ đề của ngày Thế giới phòng, chống lao (24/3) năm nay là “Chúng ta có thể chấm dứt bệnh lao”. Đây là thông điệp mạnh mẽ khẳng định chúng ta có thể chấm dứt bệnh lao hoàn toàn nếu cả cộng đồng chung tay góp sức.
[links()]
Hiện nay, ngành y tế Quảng Ngãi đang cùng cả nước nỗ lực khống chế, xóa bỏ bệnh lao, góp phần cải thiện sức khỏe cho người dân.
Đầu tư cho phát triển bền vững
Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Cao Phúc cho biết, bệnh lao ở Việt Nam hiện vẫn diễn biến phức tạp. Theo thống kê năm 2021, cả nước có 169 nghìn người mắc bệnh lao và 12 nghìn người tử vong, đứng 11/30 nước có số bệnh nhân lao và lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu. Khi có người bị bệnh, việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao thường vượt quá 20% thu nhập hằng năm của cả hộ gia đình; 70% số người mắc lao ở trong độ tuổi lao động nên khi họ bị bệnh là thu nhập của gia đình giảm sút. Do vậy, việc đầu tư cho công tác phát hiện bệnh, tổ chức điều trị hiệu quả để chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững.
|
Bác sĩ Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh thăm khám cho bệnh nhân. |
Ở Quảng Ngãi, trong những năm qua, công tác phát hiện, chẩn đoán, điều trị và quản lý điều trị bệnh lao ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, qua thực tế khám và điều trị, các y, bác sĩ phát hiện tỷ lệ lao kháng thuốc, đa kháng, tiền siêu kháng và siêu kháng thuốc có xu hướng tăng lên. Đây là nguồn lây lan trong cộng đồng, nếu không được điều trị và quản lý điều trị theo đúng phác đồ. Hơn nữa, vấn đề đồng nhiễm HIV - lao có diễn biến phức tạp, là một thách thức không nhỏ của chương trình chống lao quốc gia tại địa phương.
“Nếu mạng lưới hoạt động phòng, chống lao được duy trì và hoạt động có hiệu quả, công tác phát hiện, chẩn đoán được triển khai thường xuyên, liên tục, quản lý bệnh nhân điều trị ngoại trú theo đúng yêu cầu của chương trình chống lao quốc gia, thì mục tiêu của công tác phòng, chống lao ở Quảng Ngãi cũng như các tỉnh, thành phố trong cả nước sẽ đạt hiệu quả cao. Từ đó, việc đẩy lùi và chấm dứt bệnh lao sẽ đạt được, như chủ đề năm nay đã đề ra”, bác sĩ Cao Phúc chia sẻ.
Nỗ lực phòng, chống lao
Thời gian tới, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh sẽ đưa vào hoạt động Khoa Nội II (có 45 giường điều trị lao ngoài phổi và các bệnh phổi khác, 5 giường điều trị Covid-19). Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ các gói thầu mua trang, thiết bị và nội soi phế quản ống mền, máy khí máu để khám, điều trị bệnh lao.
|
Năm 2022, mặc dù cơ sở hạ tầng, thiết bị xuống cấp, nguồn nhân lực mỏng, nhưng các y, bác sĩ của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh vẫn nỗ lực khám và điều trị cho bệnh nhân. Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Đặng Trình - Trưởng phòng Kế hoạch. Tổng hợp (Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh) cho biết, năm qua, bệnh viện tuyến tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố đã tiếp nhận hơn 1.200 bệnh nhân lao các thể. Trong đó, số bệnh nhân lao AFB (+) mới thu nhận là 422 người. Các y, bác sĩ đã khám cho gần 39,2 nghìn lượt người bệnh, vượt 18% kế hoạch. Các khoa của bệnh viện đã phối hợp nhịp nhàng trong việc khám chữa bệnh, nêu cao tinh thần y đức nên kết quả đạt được đáng khích lệ.
Theo bác sĩ Cao Phúc, năm 2023 là năm thứ 3 thực hiện Chương trình chống lao quốc gia, giai đoạn 2021 - 2025. Đối với Quảng Ngãi, mặc dù còn nhiều khó khăn, song cán bộ, nhân viên ngành y tế tiếp tục nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt mục tiêu của chương trình đề ra. Khống chế tình hình dịch tễ bệnh lao, đối phó với vấn đề HIV - lao và lao kháng thuốc ngày một gia tăng. Đối với Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân, bệnh viện tiếp tục nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho y, bác sĩ, phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch của UBND tỉnh và Sở Y tế giao. Bệnh viện đề ra mục tiêu xét nghiệm đờm/dân số là 0,7%; phát hiện lao các thể đạt 90/100 nghìn dân và tỷ lệ điều trị khỏi bệnh trên 87%.
Bài, ảnh:
TRƯỜNG AN