Vượt khó chăm sóc sức khỏe nhân dân

02:01, 05/01/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2022, ngành y tế Quảng Ngãi đối mặt với nhiều khó khăn nhưng cũng đã nỗ lực thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh của ngành trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
 
[links()]
 
Đến với Lý Sơn mùa biển động
 
Năm nào cũng vậy, cứ có đợt biển động, sóng lớn, tàu thuyền không ra vào huyện Lý Sơn được là các y, bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh lại vượt sóng gió ra đảo, để hỗ trợ địa phương chăm sóc, điều trị những ca bệnh nguy hiểm. Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Kim Tâm  - Khoa Sản (Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh) chia sẻ, trong năm qua, tôi tham gia điều trị, phẫu thuật nhiều ca bệnh phức tạp tại bệnh viện đem lại sự sống cho nhiều bà mẹ, trẻ em. Nhưng điều làm tôi cảm thấy vui và hạnh phúc hơn cả là đã đến được huyện Lý Sơn trong mùa biển động, để điều trị những ca bệnh nguy hiểm mà không thể đưa vào đất liền.
 
Bác sĩ ở Trung tâm Y tế Quân dân y huyện Lý Sơn theo dõi, chăm sóc sức khỏe người bệnh. Ảnh: Ánh Nguyệt
Bác sĩ ở Trung tâm Y tế Quân dân y huyện Lý Sơn theo dõi, chăm sóc sức khỏe người bệnh. Ảnh: Ánh Nguyệt
Bác sĩ Tâm nhận nhiệm vụ ra huyện Lý Sơn khi bão số 4 (cuối tháng 9/2022) sắp đổ bộ vào đất liền. “Tôi rất sợ sóng nước, mà trước khi đi lại nghe dự báo đợt bão này rất nguy hiểm, khiến tôi cũng có những giây phút chùn chân. Nhưng nghĩ đến tính mạng của người dân đất đảo đang gặp nguy hiểm, khi mắc bệnh nặng mà không đưa vào đất liền được, tôi gác lại nỗi lo, mạnh dạn lên tàu ra đảo. Đó cũng là chuyến tàu cuối cùng được phép chở hành khách ra đảo, trước khi có lệnh cấm biển, vì bão số 4 sắp đổ bộ vào đất liền. Cán bộ, nhân viên Trung tâm Y tế (TTYT) Quân dân y huyện Lý Sơn đón chúng tôi trong niềm vui, sự ấm áp”, bác sĩ Tâm nhớ lại.
 
Trong đợt bão số 4, Quảng Ngãi không phải là tâm bão, nhưng huyện Lý Sơn chịu ảnh hưởng khá nặng nề. “Lần đầu tiên tôi chứng kiến bão ở đất đảo, tôi và một bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh cùng thực hiện chuyến “tình nguyện mùa biển động” chỉ biết co ro trong góc phòng. Lúc này tôi mới thấm thía, nếu không có bác sĩ ở tuyến trên hỗ trợ, thì người dân ở đất đảo Lý Sơn không may gặp bất trắc trong lúc mưa to gió lớn sẽ ảnh hưởng đến tính mạng ngay”, bác sĩ Tâm nói. Đêm đầu tiên ở đảo, bác sĩ Tâm cùng đồng nghiệp gần như thức trắng. Sáng sớm, bác sĩ Tâm chưa kịp bắt nhịp với cuộc sống ở đảo, thì đã nhận được tin có ca sản phụ bị sẩy thai. Bác sĩ Tâm đã kịp thời đến xử lý, người bệnh thoát khỏi nguy hiểm.
 
Huyện Lý Sơn có khoảng 23 nghìn người. Theo thống kê của TTYT Quân dân y huyện Lý Sơn, bình quân mỗi ngày, trung tâm khám và điều trị ngoại trú cho khoảng 80 bệnh nhân, điều trị nội trú khoảng 45 bệnh nhân. Nhiều ca bệnh bác sĩ của trung tâm có thể xử lý, nhưng các bệnh thuộc khoa sản, khoa ngoại tổng hợp, trung tâm chưa có bác sĩ chuyên môn, thiếu trang thiết bị y tế. Vì vậy, hằng năm, trước khi có bão đổ bộ vào đất liền, tàu thuyền không ra vào đảo Lý Sơn được, Sở Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện tuyến tỉnh “chi viện” người và phương tiện cho nơi đây.
 
Giám đốc TTYT Quân dân y huyện Lý Sơn Dương Tiến Thuận cho biết, trung tâm hiện thiếu bác sĩ có trình độ chuyên môn khoa sản, khoa ngoại; cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cũng chưa đầy đủ. Những ngày biển êm thì các ca bệnh nguy hiểm sẽ được trung tâm chuyển lên tuyến trên. Nhưng mùa biển động, sóng lớn, tàu thuyền không ra vào đảo được thì phải nhờ sự trợ giúp của y, bác sĩ ở đất liền. Trong mùa biển động năm 2022, trung tâm tiếp nhận nhiều ca bệnh bị viêm loét, thủng dạ dày, thủng ruột, đau ruột thừa, sản phụ sinh con, sẩy thai... không thể chuyển lên tuyến trên đều nhờ các bác sĩ tuyến tỉnh về đảo hỗ trợ xử lý, bệnh nhân mới thoát khỏi sự 
nguy hiểm. 
 
Bác sĩ của mọi nhà
 
Đối với các huyện miền núi, tuy không cách trở như huyện Lý Sơn, nhưng vì đường xa, nhiều ca bệnh ở vùng sâu, vùng xa không xử lý tại chỗ kịp thời cũng sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Các TTYT tuyến huyện đã có nhiều cách giúp tuyến y tế cơ sở khám và điều trị bệnh, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân. Giám đốc TTYT huyện Sơn Hà Đinh Thị Hợi cho biết, trên địa bàn huyện có các xã Sơn Ba, Sơn Linh, Sơn Giang cách xa trung tâm huyện hàng chục ki lô mét. Vì vậy, ngoài bố trí bác sĩ, thuốc men, thiết bị y tế ở mỗi trạm y tế xã đầy đủ, trung tâm còn chỉ đạo các bác sĩ ở TTYT huyện hỗ trợ từ xa kịp thời cho các trạm y tế xã.
 
Theo Giám đốc Sở Y tế Phạm Minh Đức, năm 2022, ngành đã tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tuyến tỉnh và tuyến huyện để đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và nâng hạng bệnh viện; tăng cường thanh tra, kiểm tra và giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về khám, chữa bệnh công lập và ngoài công lập... Ở các bệnh viện tuyến tỉnh đã triển khai nhiều kỹ thuật mới, không chỉ điều trị cho bệnh nhân tại tuyến tỉnh, hạn chế chuyển viện lên tuyến trên, mà còn tích cực hỗ trợ cho các đơn vị y tế cơ sở bằng hình thức cử người đến tận nơi, hoặc tư vấn từ xa.
 
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn nhiều vùng xa xôi, cách trở, cơ sở vật chất, thiết bị y tế, trình độ chuyên môn y, bác sĩ còn thiếu và yếu. Trên cơ sở triển khai hệ thống hội chẩn từ xa, kết nối giữa các bệnh viện tuyến tỉnh với các bệnh viện tuyến trung ương, năm 2023, Sở Y tế sẽ tiếp tục chỉ đạo toàn ngành triển khai tốt phần mềm “Bác sĩ cho mọi nhà”. Qua đó, triển khai chương trình tư vấn khám, chữa bệnh từ xa tại tuyến y tế cơ sở, bảo đảm người dân có thể tiếp xúc với bác sĩ nhanh chóng, hiệu quả, giảm chi phí và thời gian di chuyển lên tuyến trên. Người dân sẽ được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới.
 
ÁNH NGUYỆT
 
 
 

.