Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, dịch bệnh truyền nhiễm hiện nay diễn biến rất phức tạp. Trong nước đã ghi nhận gia tăng trở lại các ca mắc COVID-19, nhiều bệnh nhân phải nhập viện điều trị và nhiều ca bệnh chuyển nặng trong thời gian gần đây.
[links()]
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, dịch bệnh truyền nhiễm hiện nay vẫn diễn biến rất phức tạp - Ảnh: VGP/Hiền Minh |
Cùng với đó, sự xuất hiện của các biến thể phụ mới của biến thể Omicron, như BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn các biến thể trước, mới nhất là các biến thể BA.2.12.1, BA.2.75, cũng gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch.
Tiêm vaccine mang lợi ích cho cá nhân, hệ thống y tế và toàn cầu
Tại hội nghị, đại diện WHO nhấn mạnh, với thời điểm hiện tại, chiến lược tiêm vaccine COVID-19 vẫn hết sức quan trọng trong bối cảnh các biến thể mới lây lan nhanh hơn, gây khó khăn trong công tác phòng, chống dịch.
Cụ thể, đối với cá nhân, việc vaccine COVID-19 đến hiện tại vẫn có tác dụng phòng bệnh trở nặng và tử vong khi mắc COVID-19. Đối với quốc gia, chương trình tiêm vaccine COVID-19 sẽ giúp giảm thiểu quá tải hệ thống y tế, đặc biệt tại các bệnh viện. Đối với toàn cầu, việc tiêm vaccine COVID-19 sẽ giúp giảm tỉ lệ truyền nhiễm bệnh trên phạm vi toàn thế giới, vì thông qua giảm nhiễm sẽ hạn chế được biến chủng mới.
Như vậy, tiêm vaccine COVID-19 có lợi ích cho từng cá nhân, cho cả hệ thống y tế và cho toàn cầu.
WHO nhấn mạnh, tiêm vaccine COVID-19 có lợi ích cho từng cá nhân, cho cả hệ thống y tế và cho toàn cầu - Ảnh: VGP/Hiền Minh |
Cũng theo phân tích của WHO, số liệu của Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cho thấy, trong 10 ngày gần đây, mỗi ngày trung bình cả nước tiêm được khoảng 133.000 liều vaccine COVID-19 mũi 1 và 139.000 liều mũi 2 ở nhóm trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Như vậy, hiện tại, nước ta còn khoảng 4 triệu trẻ trong độ tuổi này cần phải tiêm mũi 1 và khoảng 7,5 triệu trẻ cần phải tiêm mũi 2.
"Với tốc độ trung bình mỗi ngày tiêm 133.000 mũi 1 ở nhóm tuổi này thì chúng ta cần khoảng 29 ngày nữa sẽ hoàn thành, với mũi 2 thì cần khoảng 54 ngày nữa. Như vậy, chúng ta sẽ khó hoàn thành mục tiêu tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi trong tháng 8 này", đại diện WHO cho biết.
Đại diện tổ chức này cũng chia sẻ, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có khả năng tăng mũi tiêm COVID-19 cao nhất thế giới. Tính đến ngày 30/6/2022, thế giới mới chỉ có 58 nước đạt mục tiêu của WHO là ít nhất 70% dân số được tiêm vaccine COVID-19 mũi cơ bản. Trong đó, Việt Nam đã hoàn thành đạt mục tiêu này từ tháng 12/2021.
Tuy nhiên, tốc độ tiêm hiện nay còn chậm, khi mà việc tiêm mũi cơ bản và các mũi nhắc lại vẫn rất quan trọng và có giá trị lớn đối với mỗi cá nhân, hệ thống y tế và toàn cầu.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trên thế giới, biến thể BA.4, BA.5 của chủng Omicron có khả năng lây lan nhanh hơn 12% so với biến thể BA.2. Biến thể này đã ghi nhận tại nhiều quốc gia, do đó trong thời gian tới, số ca mắc với biến thể BA.5 sẽ tiếp tục gia tăng. Các biến thể mới cũng liên tục xuất hiện hoặc tiến hóa, mới nhất là BA.2.75, BA.2.12.1 có khả năng làm giảm miễn dịch qua thời gian và có thể làm dịch bệnh bùng phát trở lại.
Làm sao đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine COVID-19?
Theo các đại biểu dự hội nghị, việc tiêm vaccine COVID-19 hiện nay bị chậm, nguyên nhân lớn nhất là do sự e dè từ các bậc phụ huynh khi triển khai tiêm cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Những phụ huynh này tập trung ở khu vực thành thị. Do đó, ngành y tế và địa phương cần truyền thông trực tiếp tới những đối tượng này.
Thứ hai, để đạt tỉ lệ tiêm chủng cao, trong thời gian hơn 1 năm vừa qua, ngành y tế và các bộ phận liên quan đã liên tục rà soát đối tượng, triển khai tiêm chủng. Đây được ví như "cuộc chạy marathon" tăng tốc để tới đích thành công. Tuy nhiên, có nhiều nơi vẫn chưa nhận được hỗ trợ trong công tác tiêm chủng. Vì vậy, ngành y tế và các địa phương cần hiện thực hoá việc hỗ trợ tới những đối tượng này để họ tiếp tục làm việc.
Đối với việc sử dụng vaccine, đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, theo thông lệ của tổ chức này, với những lọ vaccine có nhiều liều, WHO khuyến cáo cho phép hao phí 5%. Hiện nay, Việt Nam quy định tỉ lệ hao phí này là 0%. Đây cũng cản trở nhất định cho cán bộ y tế thực hiện tiêm chủng. Nếu 1 lọ có 5 liều mà chỉ có 2 người đến tiêm thì rất khó xử lý.
WHO cho rằng, trong hoàn cảnh đại dịch, việc quan trọng nhất là tiêm được số lượng người cao nhất. Vì vậy, khi có người dân đến tiêm, không vì việc tiết kiệm vaccine mà để người dân bị lỡ không được tiêm chủng. Do đó, đại diện tổ chức này đề nghị Bộ Y tế cần xem xét để tạo điều kiện tăng tốc tiêm chủng.
Theo
Hiền Minh/Chinhphu.vn