(Báo Quảng Ngãi)- Ở tuổi 40, chị N.T.K.C, ở huyện Mộ Đức đón thêm niềm vui khi được làm mẹ lần thứ 2. Đó là “trái ngọt” sau hơn 10 năm đằng đẵng ngược xuôi chữa hiếm muộn của vợ chồng chị. Gia đình chị C là một trong nhiều cặp vợ chồng chọn đến Khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh để gửi gắm hy vọng.
[links()]
Không còn phải đi xa
Vợ chồng chị N.T.K.C (40 tuổi), kết hôn và có một con gái. Sau đó 10 năm ròng, hai vợ chồng không thể sinh thêm. Vợ chồng chị đã đi thăm khám ở nhiều bệnh viện lớn trong nước và được chẩn đoán hiếm muộn không rõ nguyên nhân. Vô tình đọc được giới thiệu trên mạng về điều trị hiếm muộn tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, nên vợ chồng chị C đã tìm đến.
Lãnh đạo Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh chúc mừng chị N.T.K.C đã sinh con thành công nhờ phương pháp IUI. |
Khi được biết Bệnh viện Từ Dũ chuyển giao kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, vợ chồng chị N.T.P.N, ở huyện Mộ Đức, quyết định chọn ở lại quê nhà để tiếp tục hành trình điều trị hiếm muộn. Sau một thời gian kiên trì kích trứng, rồi bơm trứng, chị N đã đậu thai ba. Thai đến 36 tuần thì chị N được chẩn đoán rối loạn đông máu, tăng men gan; khi sinh còn bị băng huyết. Các bác sĩ đã cố gắng hết sức giữ được một bé trai và một bé gái. Niềm hạnh phúc vô tận đã đến với vợ chồng chị N sau một hành trình dài nhiều khó khăn.
Tương tự, sau 10 năm kết hôn, hai vợ chồng chị T.T.H.T, ở phường Phổ Ninh (TX.Đức Phổ) đã đi điều trị nhiều nơi nhưng chưa có kết quả. Cuối cùng, vợ chồng chị T quyết định điều trị tại Quảng Ngãi. Chị T cho biết, tôi bị tử cung một sừng, âm đạo có vách ngăn nữa nên khả năng mang thai khá thấp. Tôi đã đi vào TP.Hồ Chí Minh rồi ra cả Hà Nội, nhưng đều không có kết quả. Sau khi biết đến Khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Sản - Nhi mình, vợ chồng tôi quyết định điều trị tại đây.
Nơi trao hy vọng cho vợ chồng hiếm muộn
Từ năm 2020 đến nay, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh đã khám và điều trị cho khoảng 500 cặp vợ chồng bị vô sinh, hiếm muộn. Trong đó, đã thực hiện thụ tinh nhân tạo cho hơn 140 ca và đã có 37 ca thành công. Ngoài ra, còn có trên 30 trường hợp đã mang thai tự nhiên sau thời gian được điều trị nội khoa. Điều này đã mở ra nhiều hy vọng cho các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn ở Quảng Ngãi.
Bác sĩ Đoàn Tôn Lĩnh - Phụ trách Khoa Hiếm muộn (Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh) chia sẻ, theo nghiên cứu hiện nay, tỷ lệ thành công của kỹ thuật thụ tinh nhân tạo từ 15 - 20%. Tuy nhiên, tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, thì tỷ lệ này dao động từ 20 - 25%. Năm 2020, chúng tôi thực hiện 42 ca và có 13 ca mang thai (25%); còn năm 2021, thực hiện 99 ca và có 24 ca thành công (24%). Thành công này của bệnh viện giúp tăng thêm niềm tin cho bệnh nhân đến khám và điều trị.
Theo thống kê của Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, khoảng 70% bệnh nhân đến bệnh viện có chỉ định ban đầu là thụ tinh trong ống nghiệm chứ không phải thụ tinh nhân tạo, tức là lượng bệnh nhân cần thụ tinh ống nghiệm rất cao. Để làm được điều đó, thời gian tới bệnh viện sẽ tiếp tục cử nhân lực đi đào tạo và xây dựng hệ thống thiết bị để triển khai kỹ thuật nâng cao là thụ tinh trong ống nghiệm vào năm 2023 - 2024, đáp ứng nhu cầu điều trị cho người dân trong tỉnh.
Chi phí thấp, đi lại thuận tiện
Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Đình Tuyến - Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, hay còn gọi là bơm tinh trùng vào buồng tử cung, có giá thành rất thấp, mỗi lần thực hiện chỉ tốn vài triệu mà tỷ lệ thành công lại tương đối cao. Từ năm 2020 đến nay, đã có 40 trẻ được chào đời nhờ phương pháp thụ tinh nhân tạo tại Bệnh viện Sản- Nhi tỉnh. Trong đó, có rất nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn ở Quảng Ngãi không phải đến các bệnh viện tuyến trên, góp phần giảm chi phí điều trị rất nhiều.
|
Bài, ảnh:
BÌNH MINH