Lưu ý về ăn, uống ở người bệnh đái tháo đường ngày Tết

02:01, 30/01/2022
.
 Chế độ dinh dưỡng là một phần không thể thiếu trong điều trị đái tháo đường. Trong những ngày Tết, do nhiều thực phẩm giàu năng lượng cùng chế độ sinh hoạt thay đổi dễ khiến người mắc đái tháo đường (ĐTĐ) không tuân thủ chế độ ăn như ngày thường. Làm thế nào để người mắc ĐTĐ có chế độ ăn an toàn trong những ngày này?
 
1. Thực trạng bệnh đái tháo đường hiện nay
 
Theo số liệu của Liên đoàn phòng chống đái tháo đường Thế giới (IDF) gần đây cho thấy trên toàn cầu cho thấy:
 
- Trung bình cứ 11 người trưởng thành thì có 1 người mắc đái tháo đường, trong đó có khoảng 50% số người đã mắc bệnh nhưng không biết, không được chẩn đoán và điều trị.
 
- Trên thế giới có 1/6 số trẻ sinh ra bị ảnh hưởng bởi ĐTĐ thai kỳ.
 
- Có tới 79% số người mắc ĐTĐ đang sinh sống ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, trong đó có Việt Nam.
 
- Tất cả các gia đình, thành viên trong gia đình đều có thể bị ảnh hưởng bởi bệnh ĐTĐ.
 
Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đang phải gánh chịu áp lực từ sự gia tăng số người mắc ĐTĐ trong cộng đồng. Cùng với tỉ lệ số người mắc ĐTĐ gia tăng nhanh chóng thì độ tuổi mắc bệnh ngày càng trẻ hóa.
 
Theo thông báo mới nhất của IDF năm 2021, trên thế giới ước tính có 537 triệu người trưởng thành (20-79 tuổi) đang sống chung với ĐTĐ. Con số này được dự đoán sẽ tăng lên 643 triệu vào năm 2030 và 784 triệu vào năm 2045.
 
ĐTĐ chính là nguyên nhân gây ra 6.7 triệu ca tử vong vào năm 2021. Trung bình cứ 5 giây lại có 1 ca tử vong. Trong 15 năm qua, căn bệnh này tiêu tốn 966 tỷ USD chi phí cho y tế, tăng 316% so với trước đây.
 
Thực phẩm có lợi cho bệnh nhân đái tháo đường.
Thực phẩm có lợi cho bệnh nhân đái tháo đường.
2. Đái tháo đường nguy hiểm như thế nào?
 
Nếu người mắc ĐTĐ không được điều trị giữ mức đường huyết an toàn, bệnh nhân có thể gặp các biến chứng cấp tính, mạn tính nguy hiểm.
 
Biến chứng đái tháo đường cấp tính là tình trạng cấp cứu, mà có thể dẫn đến nguy cơ tử vong ở bệnh nhân ĐTĐ rất cao:
 
- Nhiễm toan ceton: Là tình trạng nhiễm độc do máu bị toan hóa, vì tăng nồng độ aid, đây là sản phẩm của những chuyển hóa dở dang do thiếu insulin gây ra. Bệnh nhân có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
 
- Tăng áp lực thẩm thấu: Đường huyết quá cao có thể gây hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu, đây là biến chứng nặng nhất và rất dễ tử vong đòi hỏi người bệnh cần phải được cấp cứu ngay lập tức.
 
- Hạ đường huyết: Xảy ra khi đường huyết xuống dưới 3.6mmol/l. Nguyên nhân có thể do dùng quá liều thuốc hạ đường huyết, ăn uống kiêng khem quá mức hoặc không ăn nhưng vẫn dùng thuốc, tập luyện quá sức hay uống quá nhiều rượu. Dấu hiệu là bệnh nhân đói cồn cào, mệt mỏi, run chân tay, bủn rủn, vã mồ hôi, choáng váng, hồi hộp đánh trống ngực. Nếu không được điều trị kịp thời có thể hôn mê, thậm chí tử vong.
 
Biến chứng mạn tính tuy không gây tử vong đột ngột như biến chứng cấp tính, nhưng hậu quả do nó gây ra lại rất nặng nề, ảnh hưởng đến chất lượng sống của bệnh nhân.
 
Các biến chứng mạn tính nguy hiểm là:
 
- Biến chứng tim mạch: ĐTĐ làm tăng nguy cơ tăng huyết áp, xơ cứng động mạch, đột quỵ.
 
- Biến chứng thận: ĐTĐ gây ra tổn thương mạch máu nhỏ ở thận dẫn đến thận hoạt động kém hiệu quả. Hậu quả là suy thận.
 
- Biến chứng thần kinh: Đây là loại biến chứng phổ biến nhất và cũng xuất hiện sớm nhất ở người mắc ĐTĐ (có khoảng 9% bệnh nhân được phát hiện ĐTĐ có biến chứng thần kinh).
 
Nguy hiểm nhất của biến chứng thần kinh là gây ra bệnh thần kinh ĐTĐ: Gây tê bì, mất cảm giác, rối loạn cảm giác, teo cơ, đau, loét chi do thiếu dinh dưỡng và cuối cùng là đoạn chi do hoại tử.
 
Biến chứng thần kinh thực vật còn có thể gây liệt bàng quang, liệt dương, rối loạn tiêu hóa...
 
- Biến chứng mắt: Hầu hết người mắc ĐTĐ sẽ gặp biến chứng về mắt, làm giảm thị lực hoặc mù lòa: Tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, bệnh lý võng mạc...
 
- Nhiễm trùng: Do đường máu cao là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, đồng thời làm suy yếu hệ miễn dịch, vì vậy rất dễ bị nhiễm trùng như nhiễm trùng răng lợi, tiết niệu hay sinh dục, vết loét lâu liền.
 
3. Người mắc đái tháo đường nên ăn như thế nào trong ngày Tết?
 
Tết đến là dịp sum họp, gặp gỡ và cũng là thời điểm người bệnh ĐTĐ cần hết sức lưu ý chế độ ăn uống để tránh cho lượng đường trong máu tăng cao hoặc đường máu hạ đột ngột.
 
- Về khẩu phần ăn, vẫn cần tuân thủ các chế độ ăn đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng. Tuy nhiên, do có nhiều thực phẩm ăn vặt và thực phẩm thường chứa năng lượng cao, do đó người mắc ĐTĐ nên chỉ nên ăn khoảng 70-80% lượng thức ăn so với ngày thường và bữa ăn chia làm nhiều bữa. Cần ăn uống đều đặn, đúng giờ, không nên bỏ bữa.
 
Tổng năng lượng hàng ngày phụ thuộc vào từng bệnh nhân (béo hay gầy), tình trạng và mức độ bệnh (chỉ số đường huyết, chỉ số mỡ máu). Như vậy, bữa ăn có đủ số calo theo cân nặng và mức độ hoạt động của người bệnh.
 
Trung bình, nhu cầu năng lượng cho một người đối với nam là khoảng 35 calo/kg và nữ là 30 calo/kg. Nhu cầu này thay đổi theo mức độ hoạt động thể lực (hoặc lao động), tuổi và cân nặng của mỗi người.
 
Ví dụ: Một bệnh nhân nữ nặng 50kg, cần tổng lượng calo là 1500-1750 calo/24 giờ. Tổng lượng calo này lại được chia ra với các tỉ lệ khác nhau về đường, mỡ, đạm cho phù hợp. Theo đó, tỉ lệ thành phần thức ăn so với tổng năng lượng là:
 
    Glucid (chất bột đường): 50 - 60% năng lượng khẩu phần ăn (ở người bình thường là 65%).
    Protein (chất đạm): 15 - 20% năng lượng khẩu phần.
    Lipid (chất béo): 20-30%.
    Chất xơ: 20 - 35g/ngày.
 
Nên chia thức ăn thành nhiều bữa để chống tăng đường huyết quá mức sau bữa ăn và chống hạ đường huyết khi đói, nhất là ở bệnh nhân dùng thuốc hạ đường huyết. Nên ăn 5 - 6 bữa/ngày. Theo đó:
 
    Bữa sáng chiếm khoảng 20% tổng năng lượng/ngày.
    Bữa phụ sáng: 10% tổng năng lượng/ngày.
    Bữa trưa: 25% tổng năng lượng/ngày.
    Bữa phụ chiều: 10% tổng năng lượng/ngày.
    Bữa tối: 25% tổng năng lượng/ngày.
    Bữa phụ tối: 10% tổng năng lượng/ngày.
 
Trong những ngày Tết, nên giảm chất glucid và tăng vừa phải lượng protein và lipid để bù lại năng lượng do giảm glucid. Tuy nhiên, không nên tăng quá nhiều vì sẽ dẫn đến rối loạn chuyển hóa. Hạn chế đồ ăn chiên xào, chứa nhiều chất béo và đồ nếp (bánh chưng, bánh tét, xôi…).
 
- Tăng cường sử dụng thức ăn có nhiều vitamin, muối khoáng, yếu tố vi lượng, chất xơ như rau xanh, củ, quả ít ngọt; ăn thức ăn nóng, uống nước ấm; không ăn bánh kẹo, mứt vào lúc đói, thay vào đó nên ăn ngũ cốc nguyên chất, sữa không đường. 
 
Không nên uống nước ngọt có ga vì làm tăng nhanh đường huyết; hạn chế uống rượu, bia vì rượu có thể gây tăng hoặc hạ đường huyết do ngăn cản quá trình tổng hợp glycogen và ảnh hưởng đến chức năng gan, gây rối loạn chuyển hóa.
 
Trong những ngày thay đổi chế độ sinh hoạt, ăn uống nên thử đường huyết nhiều lần hơn mọi ngày. Nên theo dõi huyết áp, cân nặng để kịp thời điều chỉnh chế độ ăn, uống.
 
Nếu có dùng một số loại thuốc đặc biệt theo yêu cầu của bác sĩ, phải ngừng uống rượu hoàn toàn. Nếu đang tiêm insulin và có uống rượu, phải thử đường huyết trước khi đi ngủ, nếu kết quả dưới 7mmol/l thì nên ăn thêm. Nếu không thử được, nên ăn thêm thức ăn có ít tinh bột để tránh nguy cơ hạ đường huyết vào lúc nửa đêm.
 
Không nên bỏ bữa để tránh bị hạ đường huyết. Chia thành nhiều bữa ăn nhỏ hoặc không ăn quá no và phải đầy đủ dinh dưỡng.
 
Theo SKĐS
 

.