(Báo Quảng Ngãi)- Chàng trai người dân tộc Cor Hồ Văn Bài, ở thôn Trà Ong, xã Sơn Trà (Trà Bồng), miệt mài bao năm tìm kiếm, mang từ núi cao về vườn nhà nhiều loại dược liệu quý hiếm, để bảo tồn, nhân rộng.
[links()]
Mùa xuân, vườn nhà anh Bài đầy chồi non lộc biếc. Khu vườn cheo leo cạnh con suối chảy từ thượng nguồn Cà Nhút về mỗi ngày dày thêm cây dược liệu quý. Anh Bài đưa chúng tôi đi tham quan khu ủ giống gừng gió - loại cây dược liệu gắn liền với núi cao, vực sâu, rừng già Trà Quân (nay đã sáp nhập với xã Trà Khê thành xã Sơn Trà). Gần 1 tấn gừng gió giống ủ trong cát sông, đang hé chồi non, sẵn sàng cho vụ xuống giống vào tháng 3 tới. Anh Bài cho hay: "Hồi nhỏ, cha mẹ mình đi rẫy nhổ gừng gió về kho cá sông, ngâm rượu làm thuốc chữa bệnh. Mình thấy nó thơm ngon, lại là bài thuốc hay, nên mỗi ngày đi làm rẫy, thấy là nhổ về vườn nhà trồng.
Anh Hồ Văn Bài và cây mang gang mang từ rừng về vườn trồng. |
Mới đây, một công ty dược liệu ở TP.Hồ Chí Minh đã đặt hàng anh Bài trồng mang gang để đưa vào sản xuất thuốc đặc trị ung thư. Theo anh Bài, đó là một trong 11 giống mang gang anh đem từ núi Cà Nhút về trồng trong vườn nhà. Năm 2020, người của công ty dược ra tận Trà Quân mang về 11 loại để phân tích, sau đó chọn 1 loại để đặt anh Bài trồng. Hiện nay, anh Bài đang nhân giống, dự kiến sẽ xuống giống cùng với gừng gió. “Trước tiên, mình nhân giống để có nguồn giống chuẩn cung ứng cho người dân địa phương cùng trồng với diện tích lớn. Sau đó, mình đại diện ký kết bao tiêu với công ty dược. Mình muốn là người định hướng, kết nối cho người dân trồng, có việc làm, thu nhập, không phải ly hương”, anh Bài chia sẻ.
Khu vườn rộng của anh Bài hiện còn có hơn 20 loài dược liệu quý khác, như sâm cau (Za nót), cây sả (Sung ớt)... Anh Bài cho biết, đây đều là các loại cây mà cha ông đã hái về cho con cháu ăn chữa bệnh từ nhỏ. Ngày ấy, Trà Quân xa xôi, cách trở, đường đi cực kỳ gian khó, khi ốm đau nhẹ, người làng thường đào mang gang rừng về giã nhỏ, đắp lên trán, xoa lên cổ và bụng, vài lần là bớt bệnh. Bây giờ rừng mất dần, anh Bài sợ những cây thuốc quý cũng sẽ biến mất theo rừng, nên luôn tìm cách bảo tồn các loài dược liệu quý. Anh Bài bộc bạch: Mình không hiểu biết gì nhiều về các loại cây này, chỉ biết với người làng, nó quý lắm, nên mang nó về trồng. Sau này, các công ty, các nhà khoa học về nghiên cứu thì bảo nó là dược liệu quý hiếm. Vườn nhà mình có nhiều cây dược liệu là do mình quý nó, đem về trồng".
Từ một đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở làng dưới chân núi Cà Nhút, khỏe mạnh, siêng học, chăm làm, anh Bài giờ trở thành niềm tự hào của người Cor nơi đây. Anh thức dậy từ 4 giờ sáng ra vườn chăm cây dược liệu, 7 giờ đến cơ quan làm việc (anh hiện là Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Sơn Trà). Chiều hết giờ làm việc, anh lại về với vườn cây dược liệu quý mà anh đã dành cả tuổi thanh xuân để sưu tầm, bảo tồn. Ngày nghỉ, anh lại vào rừng tìm cây dược liệu. "Mình phải tiên phong, nói là làm, để vận động người dân cùng làm theo. Việc trồng gừng gió, người dân cũng tích cực lắm. Cây dược liệu chưa bán được thì cũng không bỏ đi, nó còn trong vườn là còn cây thuốc, còn cơ hội bảo tồn, nhân rộng", anh Bài bày tỏ.
Bài, ảnh: THANH NHỊ