Giá trị dinh dưỡng và lợi ích sức khỏe của quả thanh long

02:01, 15/01/2021
.
Được biết đến với vẻ ngoài độc đáo, vị ngọt, giòn và giá trị dinh dưỡng, thanh long là loại trái cây nhiệt đới ngày càng trở nên phổ biến trong những năm gần đây.
 
Quả thanh long có vỏ màu hồng tươi với lớp vảy xanh bên ngoài và ruột trắng với những hạt nhỏ màu đen bên trong. Lớp vỏ màu hồng với vảy màu xanh lá cây nhìn giống như một con rồng, do đó có tên là thanh long. Thanh long là quả của cây xương rồng Hylocereus, còn gọi là cây xương rồng nở hoa về đêm mà hoa chỉ nở vào ban đêm. Cây xương rồng có nguồn gốc từ Nam Mexico và Trung Mỹ và ngày nay nó được trồng trên toàn thế giới. Thanh long là một loại trái cây đặc biệt có vị ngọt, mát và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. 
Các loại thanh long
 
Thanh long trắng: Là loại thanh long phổ biến nhất, có vỏ màu hồng tươi, thịt ruột màu trắng và những hạt nhỏ màu đen bên trong.
 
Thanh long vàng: Có vỏ màu vàng với ruột trắng và hạt màu đen.
 
Thanh long đỏ: Có vỏ màu hồng đỏ, ruột màu đỏ hoặc hồng và hạt màu đen.
 
Thành phần dinh dưỡng của quả thanh long
 
Theo một nghiên cứu trên tờ World Journal of Pharmacy and Pharmaceutical Sciences, thanh long rất giàu vitamin C, vitamin A, vitamin B1, vitamin B12, vitamin E và chứa một lượng kali, magie, kẽm và photpho. Quả cũng có canxi, đồng và sắt với lượng nhỏ hơn. Thanh long cũng chứa nhiều hợp chất thực vật có lợi như polyphenol, flavonoid, carotenoid, betaxanthin và betacyanins.
 
Lợi ích sức khỏe của quả thanh long
 
Tăng cường miễn dịch
 
Sự hiện diện của vitamin C và flavonoid trong quả thanh long có thể tăng cường hệ thống miễn dịch và bảo vệ cơ thể trước những nhiễm trùng có hại. Vì vitamin C là một chất chống oxy hóa hòa tan trong nước, nên nó có thể giúp bảo vệ cơ thể khỏi tác hại của các gốc tự do.
 
Hỗ trợ tiêu hóa
 
Quả thanh long chứa một lượng lớn chất xơ giúp điều hòa hệ tiêu hóa và ngăn chặn các vấn đề về tiêu hóa như táo bón và trào ngược. Theo một nghiên cứu trên tạp chí Electronic Journal of Biotechnology, thanh long rất giàu các prebiotic giúp tăng cường tiêu hóa và thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh. Loại quả này chứa các oligosaccharide hoạt động như prebiotics giúp cải thiện tiêu hóa và sức khỏe đường ruột.
 
Giảm nguy cơ mắc đái tháo đường
 
Các nghiên cứu đã chỉ ra tác dụng chống đái tháo đường của thanh long đỏ có thể là nhờ hàm lượng chất xơ và chất chống oxy hóa của nó. Một nghiên cứu được công bố trên PLOS ONE báo cáo rằng thanh long có thể giúp cải thiện lượng đường trong máu ở những người bị tiền đái tháo đường. Tuy nhiên, tác động của thanh long đối với đái tháo đường loại 2 trên người còn chưa nhất quán và cần nghiên cứu thêm. Một nghiên cứu khác cho thấy quả thanh long có hiệu quả trong kiểm soát tổn thương oxy hóa và giảm độ cứng động mạch chủ ở chuột mắc đái tháo đường.
 
Giảm viêm
 
Vì thanh long rất giàu chất chống oxy hóa, nó trung hòa các gốc tự do, do đó ngăn ngừa tổn thương tế bào do stress oxy hóa và giảm viêm. Một nghiên cứu cho thấy hoạt động chống oxy hóa của quả thanh long cũng có thể ngăn ngừa các bệnh viêm như bệnh gút và viêm khớp.
 
Cải thiện sức khỏe tim mạch
 
Các betaxanthin và flavonoid trong thanh long có thể giúp cải thiện sức khỏe tim và giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Một nghiên cứu năm 2004 cho thấy thanh long có chứa betaxanthin ngăn chặn cholesterol LDL (xấu) bị oxy hóa hoặc hư hỏng. Khi cholesterol LDL bị oxy hóa hoặc hư hỏng, nó có thể dẫn đến bệnh tim. Quả thanh long cũng được chứng minh là có tác dụng giảm cholesterol xấu và tăng cholesterol tốt.
 
Giúp quản lý cân nặng
 
Một nghiên cứu năm 2016 được công bố trên tờ Journal of Gastroenterology and Hepatology đã chỉ ra rằng, những con chuột nuôi bằng chế độ ăn nhiều chất béo được nhận chiết xuất từ quả thanh long đã tăng cân ít hơn và giảm mỡ gan, viêm và kháng insulin, nhờ sự có mặt của betacyanins trong đó.
 
Có thể ngăn ngừa ung thư
 
Quả thanh long có rất nhiều chất chống oxy hóa có thể giúp trung hòa các gốc tự do và ngăn ngừa ung thư. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng carotenoid và betaxanthin có trong thanh long có thể làm giảm nguy cơ ung thư. Một nghiên cứu cho thấy chất chống oxy hóa trong ruột và vỏ của quả thanh long trắng và đỏ có tác dụng chống tăng sinh trên một số dòng tế bào ung thư.
 
Tăng cường sức khỏe da
 
Vì thanh long rất giàu chất chống oxy hóa, nó có thể giúp giữ cho làn da căng và săn chắc, giữ gìn vẻ ngoài trẻ trung và ngăn ngừa lão hóa sớm.
 
Hỗ trợ sức khỏe của mắt
 
Thanh long là một nguồn giàu vitamin A, một vitamin thiết yếu đóng vai trò quan trọng trong việc giữ cho đôi mắt khỏe mạnh. Vitamin A làm giảm nguy cơ đục thủy tinh thể và thoái hóa hoàng điểm tuổi già.
 
Có thể điều trị sốt xuất huyết
 
Nhiều bằng chứng cho thấy ăn thanh long có thể giúp điều trị sốt xuất huyết, điều này có thể là do hoạt tính kháng virus của các hợp chất có trong thanh long. Một nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy betacyanins trong thanh long đỏ thể hiện hoạt tính kháng virus chống lại virus dengue túyp 2.
 
Có thể cải thiện chức năng não
 
Ăn thanh long có thể giúp cải thiện chức năng não theo các nghiên cứu. Một nghiên cứu trên động vật cho thấy chiết xuất từ quả thanh long đỏ giúp cải thiện khả năng học tập và trí nhớ sau khi phơi nhiễm chì.
 
Ngăn ngừa thiếu máu khi mang thai
 
Vì quả thanh long là một nguồn cung cấp chất sắt dồi dào, nên ăn thanh long có thể ngăn ngừa thiếu máu do thiếu sắt trong thai kỳ. Một nghiên cứu năm 2017 báo cáo rằng uống nước ép thanh long đỏ làm tăng lượng hemoglobin và hồng cầu, có thể giúp điều trị thiếu máu ở phụ nữ mang thai. 
 
Ngăn ngừa lạc nội mạc tử cung
 
Lạc nội mạc tử cung là một rối loạn trong đó các mô nội mạc tử cung tạo thành lớp niêm mạc tử cung của bạn phát triển bên ngoài tử cung. Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy chiết xuất từ vỏ quả thanh long đỏ có thể ngăn chặn sự tiến triển của lạc nội mạc tử cung.
 
Tác dụng phụ của quả thanh long
 
Ăn thanh long nói chung được coi là an toàn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm gặp, một số người có thể bị dị ứng sau khi ăn trái cây này. Các nghiên cứu đã chỉ ra một số trường hợp không có tiền sử dị ứng thực phẩm đã phát triển các phản ứng phản vệ sau khi uống hỗn hợp nước trái cây có chứa thanh long. Nếu bạn bị sưng, ngứa và nổi mề đay sau khi ăn thanh long, hãy ngừng ăn ngay.
 
Ăn quả thanh long như thế nào?
 
Chọn một quả thanh long chín, có màu đỏ tươi hoặc hồng, không có vết thâm ở vỏ ngoài. Lấy một con dao sắc và cắt đôi theo chiều dài. Dùng thìa múc phần ruột quả ra để ăn, hoặc bạn có thể gọt bỏ lớp vỏ bên ngoài rồi cắt cùi thành từng khối vuông rồi thưởng thức. Bạn có thể cắt nhỏ thanh long và thêm nó vào món salad, sinh tố, sữa chua, bột yến mạch, bánh nướng và các món gà hoặc cá.
 
Công thức sinh tố thanh long
 
Nguyên liệu: 1/2 cốc nước, 1/2 cốc nước cam, 1 quả chuối, 1/2 cốc thanh long, 1/2 cốc quả việt quất, 1/2 miếng gừng tươi Một nắm rau chân vịt tươi
 
Cách làm: Cho tất cả các nguyên liệu vào máy xay sinh tố và xay cho đến khi nhuyễn mịn.
 
Theo Cẩm Tú/Dân Trí

.