Chuyện cứu người nơi "điểm nóng" bệnh viện

08:01, 04/01/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Từ các ca bệnh nặng đe dọa đến tính mạng như tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm, nhồi máu cơ tim hay nghiện ma túy... đều phải qua “cửa ải” cấp cứu trước khi nhập viện vào Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh. Do đó, Khoa Khám bệnh và Cấp cứu vẫn thường được xem là "điểm nóng” cứu người của bệnh viện.
[links()]
Luôn trong tâm thế sẵn sàng
 
Giữa đêm, trời mùa đông lạnh buốt. Nơi khám bệnh và cấp cứu (BVĐK tỉnh) có 8 y, bác sĩ trực. Mỗi người một góc, co ro trong chiếc áo blouse mỏng. Thế nhưng, nghe tiếng còi hú của xe cứu thương, cả ê kíp trực lập tức vào vị trí công việc để đón bệnh nhân. Ông Đinh Văn Dung (người dân tộc Hrê), ở thôn 3, xã Sơn Cao (Sơn Hà) vừa chạm mặt ê kíp trực, liền “lắp bắp”: “Vợ... tôi... không... thở được”.  
Mỗi lần có ca bệnh nguy hiểm, các y, bác sĩ Khoa Khám bệnh và Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) tập trung cứu chữa bệnh nhân. Ảnh: A.N
Mỗi lần có ca bệnh nguy hiểm, các y, bác sĩ Khoa Khám bệnh và Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) tập trung cứu chữa bệnh nhân. Ảnh: A.N
Ngay lập tức, điều dưỡng Huỳnh Tấn Tâm - Trưởng ê kíp trực của Khoa Khám bệnh và Cấp cứu nhanh chóng ra hiệu cho mỗi nhân viên vào việc. Người lấy lời khai y tế người nhà, khám sàng lọc, đặt ống thở, gắn máy hồi sức cấp cứu... Điều dưỡng Tâm cho biết: Trong thời điểm dịch Covid-19 còn tiềm ẩn phức tạp, bên cạnh cấp cứu, còn phải lấy lời khai y tế để phòng, chống dịch...
 
Hơn 22 năm làm việc ở Khoa Khám bệnh và Cấp cứu, điều dưỡng Tâm đã chứng kiến biết bao trường hợp buồn rơi nước mắt. Anh Tâm bảo: Có trường hợp chưa kịp khám, người nhà đã quậy phá, uy hiếp, thóa mạ các y, bác sĩ, nhưng không vì thế mà chúng tôi bỏ bệnh nhân. Sau khi ổn định trật tự, đội ngũ kíp trực lại tiếp tục công việc của mình. "Làm việc ở bộ phận cấp cứu, anh em phải biết linh hoạt, bệnh nặng thì tập trung tổng lực, chứ không phải khám chữa bệnh theo thứ tự trước sau”, điều dưỡng Tâm chia sẻ. 
Hiện tại, Khoa Khám bệnh và Cấp cứu (BVĐK tỉnh) có 57 nhân viên, trong đó có 9 bác sĩ, còn lại là điều dưỡng, hộ lý, tổ công nghệ thông tin. Do tính chất đặc thù công việc nên ở khoa phải phân 3 kíp trực 24/24 giờ. Mỗi kíp có 2 bác sĩ và 6 điều dưỡng, 1 hộ lý. Ngoài trực tiếp tham gia khám, chữa bệnh, còn phải cấp cứu bệnh nhân ngoại viện...
Những người có "tinh thần thép"
 
Phó trưởng Khoa Khám bệnh và Cấp cứu, bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thị Thu Vân cho hay: Các ca bệnh vào khoa đều nguy hiểm. Nhất là thời tiết rét lạnh hiện nay, bệnh tim mạch, tai biến mạch máu não, hen suyễn... tăng cao.
 
Nhiều trường hợp đã chết lâm sàng, các y, bác sĩ phải ép tim, hô hấp tuần hoàn, gắn máy hồi sức để cấp cứu, giúp bệnh nhân kịp thời thở trở lại. Những trường hợp này người nhà rất hợp tác, tuân thủ quy định của bệnh viện để đội ngũ y, bác sĩ xử lý. Lo ngại nhất là các trường hợp bị nghiện ma túy quá liều dẫn đến ngừng thở, người tím tái, người đưa bệnh nhân vào viện lại có thái độ uy hiếp nhân viên y tế. Nhưng vượt lên tất cả những lo ngại an nguy, y, bác sĩ ở khoa luôn đặt tính mạng của bệnh nhân trên hết, tập trung cứu chữa. 
 
Ở Khoa Khám bệnh và Cấp cứu, nếu không tôi luyện được "tinh thần thép" thì cảm xúc, nỗi sợ rất dễ bị chi phối, ảnh hưởng đến công việc, tính mạng con người. Nhất là những ngày cuối năm, tình trạng bệnh nhân bị bệnh do thời tiết, TNGT, ngộ độc thực phẩm... tăng cao.
 
Giám đốc BVĐK tỉnh Huỳnh Giới chia sẻ: Là con người không ai tránh khỏi những rủi ro, bệnh tật. Nhưng bệnh, thương tích vì TNGT thì có thể tránh được. Hiện nay, tình trạng TNGT do rượu bia còn khá nhiều, nhất là dịp cuối tháng Chạp, giỗ, tiệc nhiều. Vì vậy, các ngành chức năng cần tăng cường kiểm soát, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm Luật giao thông, nhằm hạn chế xảy ra tai nạn giao thông.
 
TRẦN ÁNH NGUYỆT
 
 

.