Kinh doanh thức ăn đường phố: Cần đảm bảo an toàn thực phẩm

09:11, 18/11/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, kinh doanh thức ăn đường phố dần trở nên phổ biến và ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Tuy nhiên, điều đó cũng dẫn đến những vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), đòi hỏi phải có những quy định chặt chẽ, nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố.
[links()]
Nhiều hộ kinh doanh chưa nắm rõ quy định
 
Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh Đặng Chính cho biết: Nghị định 115/2018 đã được triển khai. Tuy nhiên, nhiều hộ kinh doanh chưa nắm được các điều kiện ATTP trong kinh doanh thức ăn đường phố. Trong hai ngày (9 - 10.11), Chi cục đã tập huấn cho 100 cán bộ, nhân viên cơ sở về quy định Luật An toàn thực phẩm và Nghị định 115/2018.  
Ngành chức năng kiểm tra một cơ sở chế biến thức ăn đường phố.
Ngành chức năng kiểm tra một cơ sở chế biến thức ăn đường phố.
Điều 31 của Nghị định 115 quy định rõ, điều kiện bảo đảm ATTP đối với nơi bày bán thức ăn đường phố là: Phải cách biệt nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm; phải được bày bán trên bàn, giá, kệ, phương tiện bảo đảm vệ sinh ATTP, mỹ quan đường phố. Điều 32 quy định điều kiện bảo đảm ATTP đối với nguyên liệu, dụng cụ ăn uống, chứa đựng thực phẩm và người kinh doanh thức ăn đường phố. Nguyên liệu để chế biến thức ăn đường phố phải bảo đảm ATTP, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Dụng cụ ăn uống, chứa đựng thực phẩm phải bảo đảm an toàn vệ sinh. Bao gói và các vật liệu tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không được gây ô nhiễm và thôi nhiễm vào thực phẩm. Có dụng cụ che nắng, mưa, bụi bẩn, côn trùng và động vật gây hại. Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ việc chế biến, kinh doanh. Tuân thủ quy định về sức khoẻ, kiến thức và thực hành đối với người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
 
Theo Nghị định 115/2018, ngoài ngành y tế, UBND các cấp có trách nhiệm quản lý hoạt động kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn.
 
Phạt từ 500 nghìn đến 3 triệu đồng
 
Căn cứ Nghị định 115/2018/NĐ-CP, Điều 16 quy định mức phạt và biện pháp khắc phục đối với các hành vi vi phạm, như: Không có bàn, tủ, giá, kệ, thiết bị, dụng cụ đáp ứng theo quy định của pháp luật để bày bán thức ăn; thức ăn không được che đậy ngăn chặn bụi bẩn; có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay, thì bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
 
Sử dụng dụng cụ chế biến, ăn uống, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không bảo đảm ATTP theo quy định của pháp luật. Người đang mắc các bệnh mà theo quy định của pháp luật không được trực tiếp tham gia kinh doanh thức ăn đường phố. Sử dụng phụ gia thực phẩm không phù hợp quy định của pháp luật để chế biến thức ăn. Sử dụng nước không bảo đảm vệ sinh để chế biến thức ăn; để vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ phục vụ chế biến, ăn uống. Vi phạm các quy định khác về điều kiện bảo đảm ATTP theo quy định của pháp luật trong kinh doanh thức ăn đường phố, trừ các hành vi quy định tại Khoản 1, các điểm a, b, c và d, Khoản 2 Điều này, thì mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
 
Ngoài phạt tiền, buộc hộ kinh doanh phải tiêu hủy thực phẩm đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm được sang chia, san chiết không phù hợp quy định của pháp luật để chế biến thức ăn.
 
Bài, ảnh: PV
 
 
 

.