(Báo Quảng Ngãi)- UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Truyền thông Dân số (DS) đến năm 2030, với mục tiêu nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, chuyển đổi hành vi và ủng hộ tích cực của toàn xã hội trong việc giải quyết các vấn đề về DS.
[links()]
Chương trình nhấn mạnh đến mục tiêu nâng cao trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở tham gia và cam kết với công tác DS thông qua việc chỉ đạo, đầu tư nguồn lực, lồng ghép các vấn đề DS trong chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; phát huy lợi thế của cơ cấu DS vàng, thích ứng với già hóa DS, nâng cao chất lượng DS, duy trì vững chắc mức sinh thay thế, phân bố dân cư hợp lý, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên.
Đa dạng hóa các nội dung tuyên truyền về dân số và phát triển là một trong những nhiệm vụ của Chương trình Truyền thông Dân số đến năm 2030. Ảnh: H.THẢO |
Để duy trì vững chắc mức sinh thay thế, đến năm 2025, 80% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ được cung cấp thông tin về cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ hai con, hệ lụy của mức sinh thấp, lợi ích các biện pháp tránh thai góp phần thực hiện thành công cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có hai con. Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về lợi ích của việc kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, giá trị và quyền bình đẳng của trẻ em gái và không thực hiện lựa chọn giới tính thai nhi.
Tăng cường hiểu biết của người dân về các vấn đề liên quan đến tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh tật trước sinh, sơ sinh; thay đổi hành vi của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng biên giới về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, tiến tới đẩy lùi tình trạng này. Đề cao vai trò, trách nhiệm của gia đình, nhà trường cộng đồng trong việc giáo dục về DS, sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình cho vị thành niên, thanh niên. Chương trình đặt ra mục tiêu đến năm 2025, 90% các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân tiếp tục thực hiện tuyên truyền về DS, sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình thông qua việc tích hợp nội dung vào các môn học và hoạt động giáo dục và đạt 100% vào năm 2030.
Chương trình còn đề ra mục tiêu tạo môi trường đồng thuận và tích cực tham gia của toàn xã hội hỗ trợ, chăm sóc nâng cao sức khỏe người cao tuổi, đến năm 2025, có 75% người cao tuổi hoặc người thân trực tiếp chăm sóc người cao tuổi được cung cấp kiến thức về các biện pháp chăm sóc sức khỏe phù hợp, biết cách tự xử lý bước đầu một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi, kiến thức về chế độ dinh dưỡng, chế độ luyện tập phù hợp, lợi ích của việc khám sức khỏe định kỳ và đạt 85% vào năm 2030. |
Theo kế hoạch, Chương trình được chia làm hai giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 (2020 - 2025) yêu cầu truyền thông phải chuyển mạnh sang DS và phát triển, giáo dục nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về bình đẳng giới, nêu cao vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội, chấm dứt tình trạng lạm dụng khoa học công nghệ để lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức. Từ năm 2026 - 2030, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông DS, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể liên quan, tổ chức, cá nhân phối hợp chặt chẽ, tích cực ủng hộ và tham gia các hoạt động truyền thông về DS và phát triển.
Để thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu trên, UBND tỉnh yêu cầu ngành DS tỉnh cần tăng cường cung cấp thông tin về DS và phát triển đến cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp, người dân thông qua việc đa dạng hóa, đẩy mạnh các loại hình, sản phẩm truyền thông về DS và phát triển. Đồng thời, phát huy vai trò đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác DS, y tế cơ sở thực hiện hiệu quả các hoạt động truyền thông trực tiếp để duy trì bền vững hành vi tích cực về DS và phát triển đến người dân...
HUỲNH THẢO - TR.TUYẾT