Cao lương khương trị đau dạ dày, cảm lạnh

08:11, 19/11/2020
.
Cao lương khương còn gọi củ riềng; là thân rễ của cây Riềng (Apinia officinarum Hance.), họ Gừng (Zingiberaceae). Củ riềng là loại gia vị được dùng rất phổ biến trong gian bếp gia đình. Không chỉ giúp tăng sự hấp dẫn cho món ăn, riềng còn có công dụng hỗ trợ điều trị nhiều bệnh như giảm đau dạ dày, cảm lạnh, rối loạn tiêu hóa, tăng cường sức đề kháng,...
 
Cao lương khương chứa tinh dầu (Cineole, methylacinnamate, cadinene và galangola (dầu cay); các dẫn chất flavonoid (alpinin, galangin, kaempferid). Có tác dụng kháng khuẩn. Theo Đông y, cao lương khương vị cay, tính ấm; vào Tỳ, Vị. Tác dụng ôn trung tán hàn, hành khí chỉ thống. Trị đau quặn bụng do hàn thấp, hư hàn, nôn, tiêu chảy, ăn kém, không tiêu đầy trướng bụng. Liều dùng 3 - 6g khô, 8 - 12g tươi; bằng cách nấu hầm, ngâm ướp, pha hãm.

 

Cao lương khương (củ riềng) không chỉ là gia vị quen thuộc, mà còn là  vị thuốc trị nhiều bệnh.
Cao lương khương (củ riềng) không chỉ là gia vị quen thuộc, mà còn là vị thuốc trị nhiều bệnh.
Một số bài thuốc có cao lương khương
 
Ôn trung giảm đau:
 
Bài 1: Thang Cao lương khương: Cao lương khương 8g, hậu phác 12g, đương quy 12g, quế tâm 6g, gừng sống 12g. Sắc nước uống. Trị bụng ngực đau thắt do cảm lạnh.
 
Bài 2: An trung tán: Cao lương khương 4g, diên hồ sách 3g, sa nhân 4g, hồi hương 2g, quế chi 4g, mẫu lệ 6g, cam thảo 3g. Tất cả tán thành bột mịn. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 10g. Trị loét dạ dày - tá tràng, viêm dạ dày mạn tính, thống kinh, nôn thổ do nhiễm độc thai nghén.
 
Bài 3: Hoàn Lương phụ: Cao lương khương, phụ tử, 2 vị đồng lượng. Tất cả nghiền bột, thêm nước gừng làm thành hoàn. Mỗi lần dùng 4 - 8g, ngày 2 - 3 lần. Uống với nước. Trị đau bụng lạnh, nôn mửa nước trong, bụng dưới sa đau.
 
Bài 4: Cao lương khương 12g, ngũ linh chi 8g. Các vị nghiền thành bột, uống với rượu nhạt. Trị đau loét dạ dày - hành tá tràng.
 
Lưu ý: Người xuất huyết dạ dày không được dùng.
 
Ấm dạ dày, cầm nôn:
 
Bài 1: Cao lương khương 12g, phục linh 12g, đảng sâm 12g. Sắc uống. Trị nôn mửa do hư hàn.
 
Bài 2: Cao lương khương 12g, sao qua, nghiền thành bột, uống với nước. Trị lạnh bụng, nôn mửa.
Món ăn thuốc có cao lương khương
 
Cháo riềng: Bột kê hoặc bột mỳ 80 - 100g, riềng đập giập 6g, nấu cháo, ăn khi đói. Món này dùng tốt cho người cao tuổi đầy bụng, lạnh bụng, không tiêu, đau tức vùng bụng và vùng hạ sườn.
 
Gà trống hầm riềng: gà trống nửa con, riềng 6g, thảo quả 6g, hồ tiêu 3g, trần bì 3g. Gà làm sạch, chặt miếng, cho trong nồi nhôm. Các dược liệu đựng trong túi vải xô cho vào nồi nấu hầm gà, thêm bột gia vị, dấm, mắm, hành, gia vị và lượng nước thích hợp; đun nhỏ lửa cho nhừ; ăn vào các bữa trong ngày. Món này rất tốt cho người bị đau quặn bụng, lạnh bụng, cơ thể suy nhược (hàn thấp, tỳ vị hư hàn).
 
Nước sắc riềng táo: Riềng 8-12g, đại táo 3 quả. Đại táo xé, thêm 300ml nước sắc hãm còn khoảng 100ml, chia 2 lần uống trong ngày. Dùng tốt cho người bị đầy bụng, đau quặn, nôn mửa.
 
Kiêng kỵ: Người âm hư, thực nhiệt hạn chế dùng.
 
Theo TS. Nguyễn Đức Quang/SKĐS
 

.