Dấu hiệu nhận biết sớm bệnh bạch hầu

10:10, 20/10/2020
.
(Baoquangngai.vn)- Tính đến thời điểm này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi đã ghi nhận có 5 trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu tại xã Ba Khâm, xã Ba Lế, huyện Ba Tơ. Bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do trực khuẩn bạch hầu gây ra. Người dân cần chú ý phát hiện sớm những triệu chứng của bệnh để đến ngay cơ sở y tế khám và điều trị kịp thời, không để bệnh lây lan rộng. 
 
 
Đường lây của bệnh là ổ chứa vi khuẩn bạch hầu ở người bệnh và người lành mang vi khuẩn, đây cũng là nguồn truyền bệnh. Người bệnh khi khỏi bệnh còn mang vi khuẩn từ 2- 6 tuần và có thể lên đến 5- 6 tháng. Bệnh còn có thể lây do tiếp xúc với những đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. 
 
Người mắc bệnh bạch hầu nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến viêm cơ tim, tổn thương hệ thần kinh dẫn truyền cơ tim, tử vong do đột ngột trụy tim mạch. Một số bệnh nhân bị viêm cơ tim và van tim, sau nhiều năm gây ra bệnh tim mãn và suy tim. Ngoài ra, bệnh cũng có thể dẫn đến thoái hóa thận, hoại tử ống thận, chảy máu lớp tủy và vỏ thượng thận…
 
Trẻ cần được tiêm chủng vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu.
Trẻ cần được tiêm chủng vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu.
 
Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, bác sĩ Hồ Minh Nên, nhấn mạnh: “Triệu chứng của bệnh bạch hầu là sốt, đau họng, họng đỏ, ho, khàn tiếng, người mệt mỏi, nuốt đau, chán ăn…  Sau 2-3 ngày khám họng thấy có giả mạc. Giả mạc có màu xám, trắng bạc hoặc màu đen thường xuất hiện ở thành sau hoặc ở hạnh nhân, thành sau họng. Giả mạc này dính chặt vào xung quanh tổ chức viêm, nếu bóc ra sẽ bị chảy máu”.
 
Bệnh bạch hầu trước đây lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước. Năm 1923, vắc xin giải độc tố bạch hầu ra đời và sau đó được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng ở một số nước trên thế giới (ở Việt Nam vắc xin phòng bệnh bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 1984), bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vắc xin phòng bệnh, thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp. 
 
Hiện bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắc xin phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh. Bệnh rất nguy hiểm, nếu chúng ta không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đặc biệt đối với bạch hầu thể ác tính có thể dẫn đến tử vong hoặc những biến chứng nguy hiểm như là suy hô hấp cấp, viêm tim, viêm não, tổn thương ở thận, nhất là tổn thương ở hệ thần kinh sẽ gây nên chứng viêm đa rễ dây thần kinh. 
 
Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, bác sĩ Hồ Minh Nên khuyến cáo: “Đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu đầy đủ, đúng lịch; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắc hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi họng hằng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng”.
 
“Cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, dinh dưỡng hợp lý để nâng cao thể trạng tăng sức đề kháng. Khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời; người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc, phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định, yêu cầu của cơ quan y tế”.
 
Minh Hiền
 
 
 

.