(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, các cơ sở y tế tuyến huyện, tỉnh xem việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là mũi nhọn, nhằm thực hiện tôt mục tiêu chăm sóc sức khỏe nhân dân, hạn chế tình trạng đưa lên tuyến trên.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Vừa nhận ca bệnh tai nạn giao thông, bác sĩ chuyên khoa I (CKI) Đinh Công Tĩnh - Trung tâm Y tế huyện Sơn Hà, lập tức cùng với các y, bác sĩ thăm khám, điều trị vết thương cho bệnh nhân. Bác sĩ Tĩnh cho rằng: “Trước đây, những trường hợp nặng như thế này đều phải đưa lên tuyến trên, nhưng nay trung tâm có thể điều trị được”.
Trung tâm Y tế huyện Sơn Hà hiện đã điều trị được nhiều ca bệnh nguy hiểm, mà trước đây phải đưa lên tuyến trên. |
Nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân trên địa bàn, năm 2017, Trung tâm Y tế huyện Sơn Hà đã cử 3 bác sĩ Khoa Sản - Nhi và Khoa Ngoại đi đào tạo CKI tại Trường Đại học Y dược Huế. Trong thời gian học tại trường, các bác sĩ được hỗ trợ tiền học phí và tàu xe. “Đối với đội ngũ y, bác sĩ vùng cao, việc được hỗ trợ đã tạo điều kiện để chúng tôi an tâm học tập, dành thời gian cho việc nghiên cứu thêm kiến thức, học hỏi đồng nghiệp, thầy cô để phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh hiệu quả”, bác sĩ Tĩnh cho hay.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sơn Hà Phạm Hữu Khánh, thì ngoài đào tạo dài hạn, trung tâm còn cử nhân viên ở trung tâm, các trạm y tế xã tham gia các lớp tập huấn ngắn hạn từ 1 - 3 tháng. Đến nay, toàn huyện có 24 bác sĩ tuyến huyện và 18 bác sĩ ở tuyến xã đã được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn.
Hiện nay, Trung tâm Y tế huyện Sơn Hà thực hiện tự chủ 75% kinh phí hoạt động, nên luôn xem chất lượng khám, chữa bệnh là mũi nhọn hàng đầu để thu hút bệnh nhân, hạn chế đưa bệnh nhân lên tuyến trên. Ngoài ra, Trung tâm tiếp tục tạo điều kiện cho các y, bác sĩ nâng cao trình độ chuyên môn để cuối năm 2020 sẽ triển khai kỹ thuật mổ sản, tiến đến đầu năm 2021 phát triển thêm Khoa Ngoại và Khoa Gây mê hồi sức để phục vụ người bệnh.
Ở tuyến y tế tỉnh, các bệnh viện luôn chú trọng đầu tư trang thiết bị, đào tạo chuyên môn bằng kỹ thuật cao. Dù nguồn nhân lực ở Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh đã đủ tiêu chuẩn chuyên môn ở từng vị trí, bộ phận, nhưng để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, hằng năm bệnh viện đã cử nhân viên đi đào tạo ở bệnh viện tuyến trên hay nước ngoài. Trong 3 năm (2018 - 2020), bệnh viện cử đi đào tạo gần 300 lượt y, bác sĩ đi đào tạo bác sĩ CKI, CKII, thạc sĩ hoặc đào tạo ngắn hạn từ 3 - 6 tháng.
Ngoài ra, bệnh viện đã mời chuyên gia tâm lý ở các bệnh viện TP. Hồ Chí Minh đào tạo tại chỗ để nâng cao chuyên môn, tạo được niềm tin, sự hài lòng cho người bệnh. Lượng người đến khám, điều trị nội trú tại bệnh viện có khoảng 840 lượt/ngày, cao hơn nhiều so với trước.
Bài, ảnh: TRƯỜNG AN