Cách phát hiện sớm bệnh tay chân miệng

05:10, 24/10/2020
.
(Baoquangngai.vn)- Hiện nay, số ca mắc bệnh tay chân miệng đang có dấu hiệu tăng cao. Số trẻ nhập viện điều trị tại Khoa Bệnh Nhiệt đới- Bệnh viện Sản nhi tỉnh tăng lên khoảng 4 lần. Hiện có trên 40 bệnh nhân đang điều trị tại khoa. Các yếu tố sinh hoạt tập thể như trẻ đang đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo là những nguy cơ lây truyền bệnh, nhất là trong các đợt có nguy cơ bùng phát bệnh.
 
 
Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, nhất là trẻ dưới 3 tuổi. Bệnh thường xảy ra từ tháng 9 đến tháng 11, có thể bùng phát thành dịch. Đa số bệnh nhân tay chân miệng thường tự bớt bệnh nhưng một số ít trường hợp ở trẻ có thể gây ra biến chứng rất nguy hiểm như: viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp… dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. 
 
Nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng là do các loại vi rút thuộc nhóm đường ruột gồm có CoxsackievirusA16 và enterovirus71 (EV71) gây ra. Bệnh lây qua đường tiêu hóa. Mầm bệnh có trong dịch mũi, họng, nước bọt, phân, vết loét của trẻ bệnh. Từ khi nhiễm mầm bệnh cho đến khi phát bệnh khoảng 3 đến 7 ngày.
 
Bác sĩ Nguyễn Mậu Thạch đang khám cho trẻ bị bệnh tay chân miệng.
Bác sĩ Nguyễn Mậu Thạch đang khám cho trẻ bị bệnh tay chân miệng.
 
Bác sĩ Nguyễn Mậu Thạch, Phó Khoa Nhi nhiệt đới- Bệnh viện Sản nhi tỉnh, cho biết: “Biểu hiện chính của bệnh là tổn thương ở da và niêm mạc, trong miệng trẻ có những vết loét màu đỏ hoặc là những bóng nước ở trong miệng có kích thước từ hai đến ba ly”.
 
“Chính vì loét ở trong miệng nên làm cho trẻ đau miệng, biếng ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt. Ban da xuất hiện trong vòng một đến hai ngày, dạng bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông. Những ban này không nổi hoặc nổi lên trên da có màu trắng đục. Ban rất ít vỡ ra, khi ban mất da sẽ thâm rồi tự lành lại và một số triệu chứng khác như sốt nhẹ, biếng ăn, tiêu chảy”, bác sĩ Mậu Thạch cho biết thêm. 
 
Bệnh lây theo đường tiêu hóa (qua miệng), khi trẻ nuốt phải thức ăn, thức uống hay khi ngậm đồ chơi có chứa vi rút gây bệnh (do tay của người lớn có chứa virus gây bệnh cầm nắm thức ăn, chế biến thức ăn cho trẻ, cho trẻ ăn; ruồi nhặng đậu vào thức ăn của trẻ; dùng nước có virus để chế biến thức ăn; trong thực phẩm có vi rút) hoặc là khi tiếp xúc với dịch ho mũi, họng của những trẻ mắc bệnh.
 
Bệnh tay chân miệng cho đến nay chưa có vắc xin phòng và thuốc điều trị đặc hiệu, vì vậy việc phòng ngừa, tránh lây nhiễm là quan trọng nhất. 
 
Theo bác sĩ Nguyễn Mậu Thạch, để tích cực phòng chống bệnh tay chân miệng chúng ta phải rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, trước khi cho trẻ ăn, trước khi ôm trẻ, sau khi đi vệ sinh và thay tả làm vệ sinh cho bé. 
 
Cùng với đó, cho trẻ ăn đầy đủ dinh dưỡng hợp vệ sinh; dùng nước khử trùng cloramin B 2% rửa sạch các vật dụng tiếp xúc với trẻ như đồ chơi, dụng học cụ tập, lau sàn nhà, nơi sinh hoạt của trẻ. 
 
Trẻ bị bệnh tay chân miệng cần phải cách ly, điều trị kịp thời, thời gian cách ly từ bảy đến mười ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ bệnh đến lớp và chơi với các bạn khác.
 
Minh Hiền

.