Nỗ lực giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh

02:09, 08/09/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) về lâu dài sẽ ảnh hưởng nhiều mặt đến phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, ngành dân số (DS) đã thực hiện nhiều hoạt động, chương trình nhằm nỗ lực giảm thiểu MCBGTKS.
Dần xóa bỏ tư tưởng trọng nam
 
Hiện nay, phần lớn các gia đình đều có quy mô ít con, nhưng mong muốn có con trai "nối dõi tông đường" vẫn còn khá nặng nề trong tiềm thức của người dân, nhất là ở vùng biển, hải đảo. Khu vực này chiếm trên 1/5 DS toàn tỉnh, với tâm lý người dân cần có con trai để lao động, đánh bắt hải sản xa bờ. Ngoài ra, những biểu hiện bất bình đẳng giới trong đời sống hằng ngày vẫn còn ăn sâu vào nếp nghĩ của nhiều cặp vợ chồng, gia đình. 
Xã Hành Minh (Nghĩa Hành) thành lập CLB Các bạn gái tiêu biểu, với các thành viên là nữ sinh tại các gia đình sinh con một bề.
Xã Hành Minh (Nghĩa Hành) thành lập CLB Các bạn gái tiêu biểu, với các thành viên là nữ sinh tại các gia đình sinh con một bề.
 
Tại huyện Nghĩa Hành, thực hiện Đề án giảm thiểu MCBGTKS, cán bộ phụ trách DS đã phối hợp với hội phụ nữ các xã, thị trấn tổ chức các buổi sinh hoạt tuyên truyền về MCBGTKS, thành lập các câu lạc bộ (CLB) phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình. Điển hình như CLB Các bạn gái tiêu biểu tại 3 trường học thuộc xã Hành Phước, Hành Đức, thu hút nhiều học sinh tham gia.
 
Ngoài ra, cán bộ DS còn phối hợp với cán bộ tư pháp xã truyền thông đến các cặp vợ chồng mới kết hôn không lựa chọn giới tính thai nhi vì tương lai, hạnh phúc của con em. Từ năm 2010 đến nay, hoạt động khen thưởng các gia đình sinh con một bề, bố mẹ sản xuất, kinh doanh giỏi, con đạt kết quả học tập tốt luôn được duy trì.
 
Là gia đình sinh con một bề, ông Trịnh Ngọc Đường, ở thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành) chia sẻ: “Vợ chồng tôi không nặng nề chuyện con trai hay con gái, bởi các con đều có ý nghĩa với chúng tôi như nhau. Điều quan trọng nhất mà vợ chồng tôi xác định là, phải nuôi dạy con cho tốt, cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc. Hai con gái của tôi đều đạt kết quả học tập tốt là niềm vui rất lớn của gia đình”.
 
Truyền thông thay đổi nhận thức
 
Theo số liệu thống kê, tổng số trẻ sinh ra trong 6 tháng đầu năm 2020 là 5.341 trẻ (2.889 nam/2.452 nữ, tỷ số giới tính 117,82/100), con thứ 3 trở lên là 638 trẻ, chiếm 11,95%.
 
Do đó, để hướng đến mục tiêu duy trì có hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, đưa tỷ số giới tính khi sinh ổn định ở mức cân bằng tự nhiên, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong thời gian đến, Chi cục DS - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh sẽ đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với công tác kiểm soát MCBGTKS. Trong đó, chú trọng các hoạt động như tổ chức nói chuyện chuyên đề tại các địa phương, khu công nghiệp, trường học, lồng ghép trong các buổi họp thôn, xóm, tổ...
 
Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, tư vấn trực tiếp, cung cấp tài liệu và tờ rơi cho thanh niên chuẩn bị kết hôn thông qua nhân viên y tế thôn, mạng lưới cộng tác viên và tuyên truyền viên, hội viên ngành, đoàn thể cơ sở. Đặc biệt, củng cố hoạt động CLB Các bạn gái tiêu biểu, nhằm khẳng định vị trí của bé gái trong gia đình và trường học... Thực hiện Đề án giảm thiểu MCBGTKS, trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh đã tổ chức cho hơn 3.900 người sinh hoạt định kỳ tại CLB Không sinh con thứ 3 trở lên. 
 
Nghị quyết số 21 về công tác DS trong tình hình mới đã đề ra mục tiêu đến năm 2030 duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), quy mô dân số 104 triệu người và tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống. Trong điều kiện hoạt động của công tác DS gặp nhiều khó khăn về đội ngũ cơ sở và ảnh hưởng của dịch bệnh, để thực hiện các mục tiêu trên, rất cần sự nỗ lực, chung tay của các ngành chức năng, hội đoàn thể, nhằm góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về MCBGTKS.
 
Bài, ảnh: PV
 
 
 

.