Bùng phát bệnh sốt xuất huyết và dịch mùa

09:09, 28/09/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Hiện tại, số ca bệnh sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng (TCM) và một số bệnh dịch mùa đang có dấu hiệu tăng cao. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 1.700 ca bệnh SXH, TCM. Trong khi đó, dịch Covid-19 mới chỉ được không chế thành công bước đầu, nếu chủ quan, lơ là các loại dịch bệnh thì nguy cơ dịch chồng dịch là rất cao.
Số lượng bệnh nhân tăng nhanh
 
Những ngày qua, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh liên tục tiếp nhận các ca mắc bệnh TCM, SXH và hô hấp. Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh), bác sĩ Nguyễn Mậu Thạch cho biết: Bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị nội trú 48 trường hợp, tăng gấp đôi so với các tháng trước. Nhiều bệnh nhi tái phát lần 2, lần 3 với bệnh TCM. "Dịch TCM có thể tiếp tục bùng phát, khoa đang huy động nhân lực, giường, chuẩn bị thuốc men và phương tiện để sẵn sàng điều trị bệnh nhân nhi", bác sĩ Thạch cho hay. 
Các y, bác sĩ ở Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh) tích cực chăm sóc trẻ em mắc dịch mùa.
Các y, bác sĩ ở Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh) tích cực chăm sóc trẻ em mắc dịch mùa.
Tại TP.Quảng Ngãi, đến ngày 25.9 đã có 177 ca mắc bệnh TCM, cao hơn nhiều so với các tháng trước. Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.Quảng Ngãi Lê Thị Bích Thu cho biết: Đến nay, thành phố đã phát hiện có 40 ổ dịch SXH, tập trung chủ yếu ở các phường Nghĩa Chánh, Chánh Lộ, Trương Quang Trọng, Trần Phú, Lê Hồng Phong, với gần 400 ca mắc SXH, nâng tổng số ca SXH toàn tỉnh lên gần 1.300 ca, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước.
 
Theo Phó Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh), bác sĩ Võ Thục, thì đến ngày 20.9, toàn tỉnh có 515 ca mắc bệnh TCM, giảm 53,1% so với cùng kỳ năm trước. Dịch TCM đang bùng phát nhưng chủ yếu là tập trung ở thành phố, nơi có số lượng học sinh tập trung tựu trường đông đúc, cùng với thời điểm giao mùa, khí hậu ẩm ướt, các bật phụ huynh chưa quan tâm vệ sinh đúng mức cho con em mình, dẫn đến dịch bệnh lây lan...
 
Tập trung ngăn ngừa dịch bệnh
 
Ngành chức năng cảnh báo, từ nay đến cuối năm là mùa mưa, vi rút gây bệnh sẽ có điều kiện sinh sôi. Do vậy, cần tập trung tuyên truyền và người dân phải ý thức trong công tác vệ sinh nhà cửa thông thoáng, chăm trẻ để ngăn chặn vi rút lây bệnh...
 
Bác sĩ Nguyễn Mậu Thạch khuyến cáo, trong thời điểm mưa nắng thất thường, đối với trẻ mầm non và tiểu học, các bệnh bệnh về hô hấp, SXH, bệnh sốt siêu vi, sốt phát ban... có nguy cơ lây lan cao. Khi thấy con em mình có các triệu chứng thể bị sốt nhẹ thoáng qua, hoặc sốt cao 39 - 40oC, mỏi mệt, kém ăn, đau họng... và xuất hiện những nốt ban hồng có kích thước khoảng 2mm ở miệng, da lòng bàn tay, gan bàn chân, đôi khi ở mông, chân thì có thể bị bệnh TCM, người dân cần đưa ngay đến cơ sở y tế để chẩn đoán điều trị. Bởi bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong. Còn đối với bệnh SXH chưa có vắc xin phòng bệnh, đường lây truyền dễ dàng qua muỗi vằn đốt và một người có thể mắc 1 hoặc cả 4 tuýp SXH nên nguy cơ mắc bệnh cũng cao.
 
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phạm Đức Dũng cho biết: Trung tâm đã chỉ đạo tất cả các cơ sở y tế tăng cường phòng chống dịch mùa; phun thuốc tiêu độc khử trùng dập ổ dịch; đồng thời thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền sâu rộng, khuyến cáo người dân thực hiện vệ sinh quanh nhà, không để nước tù đọng, ngủ móc mùng. Khi có những triệu chứng của bệnh TCM, SXH và sốt cao cần phải đến cơ sở y tế để khám, chữa bệnh kịp thời.
 
Bài, ảnh: TRƯỜNG AN
 
 
 

.