Lòng lợn (dạ dày và ruột lợn) còn gọi trư đỗ. Lòng lợn chứa nhiều protein, lipid; vitamin B1, B2; acid nicotinic; Ca, P, Fe... Theo Đông y, lòng lợn vị ngọt, tính ôn; vào tỳ, vị, thận. Tác dụng ôn kiện tỳ vị, ích thận bổ hư.
Dùng tốt cho người gầy yếu suy nhược, sút cân, đái tháo đường, tiêu chảy, kiết lỵ, tiểu dắt, khí hư huyết trắng, di tinh, trẻ em suy dinh dưỡng... Ngày dùng 1 cái, bằng cách nấu luộc, bung hầm, om xào, hun (xông khói).
Lòng lợn hầm sa nhân chỉ xác: Dạ dày lợn 1 cái, chỉ xác 12g, sa nhân 5g. Chỉ xác, sa nhân cho vào dạ dày lợn đã làm sạch, khâu chặt, thêm nước và gia vị hầm nhừ; bỏ bã chỉ xác, sa nhân. Dùng tốt cho người bệnh dạ dày, sa tử cung, thoát vị bụng, người già yếu thoát vị cơ năng.
Lòng lợn hầm: Dạ dày lợn 1 cái làm sạch thái lát, thêm gia vị và nước hầm nhừ, ăn thường nhật, tuần ăn vài ba lần. Dùng tốt cho người bị lang ben, bạch biến, sạm da.
Canh lòng lợn (Trư đỗ canh): dạ dày lợn 1 cái (hoặc ruột lợn 1 đoạn), hoàng kỳ 15g, nhân sâm 8g, gạo tẻ 100g, hạt sen bỏ tâm 20g. Dạ dày luộc chín thái lát; các vị khác nấu nhừ, vớt bỏ bã hoàng kỳ, nhân sâm, thêm hành và gia vị. Thích hợp cho thai phụ, sản phụ, người cao tuổi suy nhược cơ thể.
Lòng lợn hầm hạt sen: Dạ dày hoặc ruột lợn 200g, hạt sen 30-50g. Lòng lợn làm sạch, cùng hạt sen hầm kỹ, ăn cả nước lẫn cái. Dùng tốt cho người viêm dạ dày, ruột mạn tính, tiểu dắt.
Lòng lợn nhồi nhân sâm: Dạ dày lợn 1 cái (hoặc một đoạn ruột lợn) làm sạch, nhân sâm 15g, bột tiêu 3g, gừng tươi 15g, hành sống 7 củ, gạo tẻ 200g. Cả 5 loại trên trộn đều cho vào dạ dày lợn khâu lại, hầm chín nhừ. Món này bồi bổ cơ thể, dùng tốt cho người bị suy kiệt, bệnh lao dài ngày.
Cháo lòng (Trư đỗ chúc): Dạ dày lợn 1 cái hoặc 1 đoạn ruột lợn làm sạch, luộc chín, thái lát. Gạo tẻ 150g vo sạch nấu cháo, cháo chín cho dạ dày hoặc ruột lợn vào hầm nhừ, thêm gia vị. Thích hợp cho người bị suy kiệt, sau thời gian bị bệnh dài ngày.
Lòng lợn dầm tương (Trư đỗ sinh phương): Dạ dày 1 cái hoặc 1 đoạn ruột lợn làm sạch luộc chín, thái lát. Dùng tỏi, dấm, bột tiêu, tương hoặc nước mắm làm nước chấm. Ăn ngày 1 lần khi đói, tuần 2-3 lần. Dùng tốt cho người cao tuổi thiểu dưỡng, phù nề hai chân.
Lòng lợn nấu thịt ếch: Dạ dày lợn 1 cái hoặc 1 đoạn ruột lợn làm sạch thái lát, ếch 1 con làm sạch, bỏ da ruột, thái lát, thêm gia vị (nhưng không cho muối mắm). Tất cả nấu chín nhừ, ăn cả cái hoặc gắp bỏ thịt ếch. Thích hợp cho bệnh nhân phù nề cổ trướng.
Theo BS. Phương Thảo/SKĐS