Đu đủ là loài cây phổ biến, được trồng và sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Hầu như tất cả các bộ phận của cây đều được sử dụng như thực phẩm, dược phẩm hay mỹ phẩm trong đời sống hằng ngày.
Đu đủ còn có tên là phan qua thụ, lô hong, cà lào, phiên mộc. Tên khoa học: Carica papaya L. Cây có nguồn gốc tại vùng nhiệt đới Châu Mỹ, được trồng phổ biến ở nhiều nơi trên thế giói. Ở nước ta, đu đủ được trồng ở khắp các địa phương trong cả nước, để lấy quả làm thực phẩm. Các bộ phận khác như: rể, hoa, lá, hạt, quả… làm dược liệu trong các bài thuốc Đông y.
Đặc tính thực vật: Cây đu đủ cao từ 3 - 7m, thân thẳng, đôi khi có phân nhánh. Vỏ mang rất nhiều sẹo của cuống lá. Lá mọc so le ở ngọn cây, phiến lá to rộng chia làm 6 - 9 thùy, thùy hình trứng nhọn, mép có răng cưa không đều, cuống lá rỗng và dài 30 - 50cm. Hoa trắng nhạt hay xanh nhạt, khác gốc. Đu đủ là kiểu thực vật tạp tính (vừa có hoa đực, hoa cái và cả hoa lưỡng tính). Hoa đực mọc ở kẽ lá thành chùy, có cuống dài. Hoa cái có tràng dài hơn tràng của hoa đực, mọc thành chùy ở kẽ lá. Quả thịt hình trứng to, dài 20 - 30cm, đường kính 15 - 20cm. Thịt quả dày, lúc đầu có màu xanh lục sau ngả màu vàng cam. Trong ruột quả có rất nhiều hạt đen to bằng hạt tiêu, xung quanh có lớp nhầy.
Dược tính đa dạng
Có thể nói gần như tất cả các bộ phận của cây đu đủ đều có thể dùng làm thuốc. Từ lá, hoa, quả xanh, quả chín, thân, rễ, hạt hay cả nhựa cây, nhựa quả. Mỗi bộ phận có những đặc tính dược lý, thành phần hóa học khác nhau; được dùng trong nhiều mục đích khác nhau:
Lá đu đủ: Không đơn thuần chỉ là một loại lá bình thường, từ xa xưa dân gian ví lá đu đủ như một vị thuốc chữa bệnh thần kỳ, nếu như biết dùng đúng cách. Theo Đông y, lá đu đủ có tính hàn, vị hơi đắng, có mùi hắc, giúp thanh nhiệt, giải độc, mát gan, bổ tì và nhuận tràng. Lá đu đủ thường được phân biêt thành lá đu đủ đực và lá đu đủ cái. Lá đu đủ đực có phiến lá nhỏ, màu xanh lá thẫm, lá đu đủ cái có phiến lá lớn, màu xanh thẫm nhưng nhạt màu hơn lá đu đủ đực, có thành phần dược tính thấp hơn nên ít được dùng hơn là đu đủ đực. Ngày nay, có nhiều đồn đoán về việc uống nước sắc là đu đủ trị được ung thư. Điều này là chưa được kiểm chứng, xác thực. Tuy nhiên, trong đông y cũng như thực tế điều trị, có ghi nhận hiệu quả, giúp ngăn ngừa và giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Quả đu đủ xanh: Thành phần chính trong thịt quả đu đủ xanh là nước (chiếm khoảng 90%); còn lại là chất xơ, vitamin, khoáng chất và một số thành phần dinh dưỡng khác. Đu đủ xanh còn chứa nhựa mủ - là hỗn hợp các men phân giải protein, có tác dụng tiêu hóa, phân giải thịt và giải phóng acid amin. Nhựa đu đủ có giá trị sinh học cao, được ứng dụng trong thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm; với thành phần chính là papain, sau khi thu hoạch nhựa, quả vẫn được sử dụng cho các mục đích thực phẩm. Tại Ấn Độ, người ta đã lai tạo thành công giống đu đủ mới có hàm lượng mủ nhựa cao gấp 5 lần so với các giống thông thường. Nhựa đu đủ còn được sử dụng để để điều chế thuốc chữa lệch khớp xương, thuốc tiêm giảm đau do các dây thần kinh gây nên. Hoặc sử dụng sắc làm thuốc chống các loại ký sinh trùng đường ruột như giun, sán, chữa hen phế quản trẻ em và kích thích chức năng hoạt động của gan, mật. Người có thai không nên sử dụng đu đủ xanh vì có nguy cơ gây sẩy thai.
Đu đủ chín: Theo nghiên cứu của các chuyên gia, cứ trong 100 g quả đu đủ có 74-80mg vitamin C và 500-1.250 IU caroten. Đu đủ còn có các vitamin B1, B2, các acid gây men và khoáng chất như kali, canxi, magiê, sắt và kẽm. Ăn đu đủ thường xuyên có tác dụng bổ máu, giúp hồi phục gan ở người bị sốt rét. Trong đu đủ có nhiều vitamin C và caroten, có tác dụng chống ôxy hóa, tăng sức đề kháng cho cơ thể. Đu đủ còn có công dụng hóa những chất có hại cho làn da, giúp thải độc tố để cho da khỏe mạnh, tránh da nhăn sớm ở phụ nữ. Cung cấp dinh dưỡng giúp bổ sữa, tăng tiết sữa cho phụ nữ mới sinh.
Hoa đu đủ đực: Trong Đông y, hoa đu đủ đực có vị đắng, tính bình, thường được sử dụng trong các bài thuốc ngăn ngừa, hỗ trợ điều trị nhiều vấn đề ở đường hô hấp như: ho,viêm họng, khàn tiếng, đau rát cổ họng; các vấn đề tiêu hóa, tim mạch và miễn dịch. Hoa đu đủ đực có thể sử dụng ở dạng tươi hoặc dạng phơi khô.
Hạt đu đủ: Cả đông và tây y đều nhắc đến công dụng của hạt đu đủ trong việc hỗ trợ tiêu hóa, bảo vệ thận, và giải độc gan; ngăn ngừa sự lây lan của các loại mầm bệnh gây nhiễm trùng. Hạt đu đủ có chứa hàm lượng Papain cao, có tác dụng phân giải protein mạnh; giúp phân hủy ký sinh trùng và trứng của chúng, từ đó loại bỏ ra khỏi cơ thể. Một số nghiên cứu khác cho thấy, hạt đu đủ còn có tác dụng như một loại kháng sinh tự nhiên, giúp tiêu diệt môt số loại vi khuẩn gây bệnh.
Những bài thuốc hay
Ngoài những giá trị về dinh dưỡng, dược tính như trên, các thành phần của cây đu đủ còn được sử dụng trong cuộc sống hằng ngày để điều trị bệnh, nâng cao sức khỏe.
Chữa ho, mất tiếng, ho gà, viêm phổi: Dùng 5-10 hoa đu đủ đực/ ngày, khô hoặc tươi. Chưng cách thủy với đường hoặc đường phèn, hoặc sắc lấy nước uống.
Chữa ho nhiều, ho kéo dài trong các trường hợp bị viêm họng: Rẻ quạt, củ lan tiên (mạch môn đông), tần dày lá; mỗi vị 10 g, bông đu đủ đực 15 g. Chưng cách thủy với một ít đường phèn. Giã nát chia làm 3 phần, ngậm hoặc nuốt trong ngày.
Chữa chân tay sưng nóng: Đu đủ chọn quả thật chín, dùng nước rửa sạch, gọt lấy phần vỏ ngoài, giã nát. Dàn lớp vỏ đã giã nát lên miếng gạc sạch rồi buộc giữ cố định lên nơi sưng đau, hễ khô thì thay bằng phần vỏ khác. Sử dụng đến khi các triệu chứng thuyên giảm và khỏi hẳn.
Chữa ung thư phổi, ung thư vú: Lá đu đủ 1 lá (lấy cả lá lẫn cuống), rửa sạch nên nước nấu sôi, để nguội chiết nước đặc hoặc cô thành cao, chia thành 3 lần uống trong ngày. Uống thêm 3 muỗng cà phê mật mía trong ngày, mỗi lần 1 muỗng. Có thể kết hợp các phương pháp y khoa hiện đại như chiếu tia, hóa trị. Cần uống từ 15-20 ngày mới có hiệu quả.
Chữa cá đuối cắn: Giã nát 30 gram rễ đu đủ tươi cùng 4g muối ăn, vắt lấy nước uống, phần bã đắp lên chỗ vết cắn. Chừng nửa giờ sẽ giảm đau, vài ngày sẽ khỏi hẳn.
Làm lành các vết loét trên da: Trộn nước đu đủ chín với một chút bơ, bôi lên vết loét. Có tác dụng làm se bề mặt, nhanh chóng làm liền vết thương.
Trị ho do phế hư: Đu đủ xanh 100g, đường phèn 20g. Hầm với nhau, ăn ngày 2 lần vào trưa và tối, trong thời gian 3-5 ngày.
Chứng tỳ vị hư nhược (ăn không tiêu, táo bón): Đu đủ xanh 30g, khoai mài 15g, sơn tra 6g. Rửa sạch, nấu cháo ăn trong ngày.
Tạo sữa cho bà mẹ đang nuôi con bú: Một quả đu đủ non hầm với một cái móng giò, ăn vào các bữa ăn hàng ngày.
Dưỡng da, dưỡng nha, chống lão hóa: Đu đủ chín, hạt sen, táo tàu, tuyết nhĩ làm sạch. Chưng cùng đường phè trong khoảng 2 h, dùng nóng hoặc để mát, đều có công dụng tốt.
Dưỡng da: Lá đu đủ tươi rửa sạch, xay nhuyễn, dùng đắp mặt. Có hiệu quả trong điều trị mụn trứng cá, giúp da mịn màng. Làm sáng da, mờ vết chàm, vảy nến.
Dù phần lớn các bộ phận của cây đu đủ là lành tính. Tuy nhiên, người bệnh không nên quá lạm dụng, mà cần tư vấn từ thầy thuốc. Để việc sử dụng được đảm bảo an toàn và hiệu quả.
|
Theo Lương y NGUYỄN ĐỨC NGHĨA/SKĐS