Chủ động ứng phó với dịch mùa và bệnh bạch hầu

10:07, 19/07/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, thời tiết đang chuyển mùa, đây cũng là thời điểm thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh và phát triển. Đến trung tuần tháng 7, Quảng Ngãi đã có hàng nghìn trường hợp mắc các loại bệnh dịch mùa. Bên cạnh diễn biến của dịch mùa, bệnh bạch hầu cũng đang bùng phát ở các tỉnh giáp ranh với Quảng Ngãi. Vì thế, việc chủ động dập dịch bên trong và ứng phó, phòng ngừa dịch đang được ngành y tế triển khai.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 1.079 ca sốt xuất huyết (SXH), tăng 1,39 lần so với cùng kỳ năm 2019; có 319 ca bệnh tay chân miệng (TCM); 233 ca bệnh thủy đậu; 218 ca bệnh quai bị; 26 ca viêm não vi rút và một số loại bệnh khác. 
Nhân viên y tế tuyên truyền cho người dân về các loại dịch bệnh bạch hầu và ngày mùa để phòng, chống dịch.
Nhân viên y tế tuyên truyền cho người dân về các loại dịch bệnh bạch hầu và ngày mùa để phòng, chống dịch.
Cùng với dịch trong tỉnh, tại 4 tỉnh Tây Nguyên, bệnh bạch hầu diễn biến khó lường, trong đó tỉnh Kon Tom giáp ranh với tỉnh ta - là nơi có số ca bệnh bạch hầu lớn nhất, nhì các tỉnh. Trong nhiều tháng qua, ngành y tế, huyện Ba Tơ và các địa phương trong tỉnh đã lập phương án, chủ động thực hiện nhiều giải pháp để khống chế dịch.  
 
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phạm Đức Dũng: “Tăng cường tiêm phòng, khống chế dịch bệnh”
 
Ngay từ đầu mùa hè, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống dịch và triển khai tiêm phòng vắc xin cúm, quai bị, thủy đậu...; tăng cường giám sát dịch tễ, xử lý kịp thời những trường hợp mắc bệnh đầu tiên, không để bùng phát thành dịch. Trong đó, chú ý đến những nơi có ổ dịch cũ và các huyện đồng bằng, các xã ven biển, cũng như huyện đảo Lý Sơn - nơi dịch  SXH, TCM, quai bị, thủy đậu phát sinh. 
 
Đối với miền núi cần tập trung vào công tác phòng, chống bệnh cảm sốt do siêu vi, bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa (tiêu chảy cấp, thương hàn, lỵ) do thiếu nguồn nước sạch và ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, trung tâm khuyến cáo các cơ sở y tế chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, phương tiện và nhân lực chuyên môn để sẵn sàng triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
 
Bên cạnh đó, cần thực hiện nghiêm túc hướng dẫn của Bộ Y tế về quy trình xử lý ổ dịch. Riêng đối với dịch bạch hầu, trung tâm đã họp giao ban đề nghị các địa phương, đặc biệt là các vùng giáp ranh với các tỉnh Tây Nguyên tăng cường rà soát đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng, nhưng chưa tiêm để tổ chức tiêm phòng vào tháng 7 - 8, nhằm đạt tỷ lệ trên 98% được tiêm chủng. Trung tâm cũng đã hướng dẫn cho các cơ sở y tế tuyên truyền cho người dân nắm rõ về lợi ích của việc tiêm chủng bạch hầu, cách phòng ngừa và triệu chứng để nhận biết mắc bệnh, nhằm chữa trị kịp thời.
 
Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Quảng Ngãi Lê Thị Bích Thu: “Diễn biến các loại dịch cao hơn năm trước”
 
Đến ngày 14.7, thành phố có 342 ca mắc bệnh SXH; 142 ca bệnh TCM... Diễn biến của các loại dịch cao hơn năm trước, kéo dài từ đầu năm đến nay. Nguyên do là môi trường ở đô thị bị ô nhiễm, người dân trồng cây kiểng chứa nước tù đọng, nước chứa để sinh hoạt hằng ngày là nơi muỗi dễ sinh sôi. 
 
Dự lường dịch bệnh có thể tiếp tục bùng phát, tập trung ở xã Nghĩa Dõng và các phường Nghĩa Chánh, Nghĩa Lộ... Vì vậy, trung tâm đang thực hiện kế hoạch phối hợp với các ban, ngành huy động lực lượng ra quân tuyên truyền, thực hiện diệt bọ gậy, lăng quăng, phun thuốc ổ dịch để phòng dịch lây lan. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tiêm chủng vắcxin, nhằm phòng các loại dịch bệnh, đặc biệt là rà soát số lượng trẻ tiêm bổ sung phòng dịch bạch hầu đang bùng phát ở một số nơi.
 
Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ Đinh Thị Mai Hương: “Xác định Ba Tơ là vùng nguy hiểm”
 
Huyện Ba Tơ nằm giáp ranh với tỉnh Kon Tum - nơi xảy ra dịch bạch hầu và đang diễn biến phức tạp. Ngay từ đầu tháng 7, trung tâm đã huy động nhân viên kiểm soát bệnh tật, phân công các thành viên xuống tận cơ sở tuyên truyền việc phòng bệnh dịch mùa và bệnh bạch hầu. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát các địa bàn có nguy cơ xảy ra dịch như các xã Ba Tiêu, Ba Ngạc, Ba Xa, Ba Vì để có biện pháp khống chế. 
 
Đến nay, trung tâm đã chuẩn bị đầy đủ các loại thuốc phòng dịch, vật tư, dụng cụ... Chú trọng phối hợp với lực lượng công an viên, y tế thôn theo dõi sức khỏe những người từ các tỉnh Tây Nguyên về địa phương để kịp thời phát hiện bệnh. Từ ngày 7.7 đến nay, trung tâm phối hợp với trạm y tế các xã khu tây của huyện, khám sàng lọc các loại bệnh cho người già, trẻ em; rà soát đối tượng đến tuổi tiêm phòng để tiêm bổ sung, đặc biệt là tiêm vắcxin phòng bệnh bạch hầu, nhằm ngăn ngừa bệnh phát sinh trên địa bàn.
 
Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh tật (Trung tâm Y tế TX.Đức Phổ) Võ Hữu Toàn: “Tiến đến tiêm phòng đại trà cho học sinh”
 
Ở TX.Đức Phổ, dịch SXH đang diễn biến phức tạp, khác với các năm trước. Đầu tiên dịch bùng phát ở các ổ dịch cũ thuộc các xã Phổ Châu, Phổ Thuận và các phường Phổ Thạnh, Phổ Hòa, Phổ Quang... sau đó bùng phát ra toàn thị xã. Đến nay, thị xã đã có 200 ca mắc SXH.  
 
Trước thực trạng này, trung tâm đã phối hợp với chính quyền địa phương huy động lực lượng dân quân, hội đoàn thể, người dân ra quân diệt bọ gậy, lăng quăng, phun thuốc tiêu độc khử trùng vùng dịch. Các ổ dịch đã cơ bản được khống chế. Tuy nhiên, trong thời điểm  nắng nóng kéo dài, nhiều nơi bị thiếu nước uống, nên người dân thường tích trữ nước làm phát sinh lăng quăng, bọ gậy dẫn đến dịch SXH có nguy cơ bùng phát. Vì vậy, bên cạnh tăng cường dập dịch, trung tâm đã tổ chức tiêm phòng vắcxin dịch mùa và bệnh bạch hầu cho trẻ trong độ tuổi tiêm phòng và tiến đến tiêm đại trà cho học sinh.
 
Trưởng Trạm Y tế xã Ba Tiêu (Ba Tơ) Nguyễn Thị Ngọc: “Sẽ triển khai tiêm phòng đại trà”
 
Toàn xã có 2.528 khẩu, trong đó có 199 trẻ dưới 5 tuổi, 96 trẻ dưới 2 tuổi. Số lượng trẻ trong độ tuổi tiêm phòng khá lớn. Trong khi đó, trạm chỉ có 5 bác sĩ và nhân viên y tế có nhiệm vụ khám, điều trị và phòng bệnh cộng đồng cho người dân ở 4 thôn. Các thôn này có địa bàn rất rộng, cách trở; có nhiều cặp vợ chồng đi làm ăn từ các tỉnh Tây Nguyên về, nhân viên y tế phải đến tận nhà để tuyên truyền.
 
Trước khó khăn này, trạm đã phối hợp với cán bộ y tế thôn, công an viên rà soát đối tượng tiêm phòng, theo dõi sức khỏe đối tượng đi làm ăn xa, tuyên truyền vệ sinh môi trường, hướng dẫn cách vệ sinh cá nhân để hạn chế dịch bệnh. Đồng thời, triển khai tiêm phòng đại trà cho trẻ dưới 2 tháng tuổi. Trước khi khám bệnh, tiêm phòng, nhân viên y tế đều lấy lời khai y tế, việc di chuyển của bệnh nhân, khám sàng lọc, khai báo lịch sử bệnh trước khi tiêm. Các bà mẹ cũng đã được tư vấn triệu chứng của các loại bệnh để có cách phòng ngừa, tuyên truyền về lợi ích của tiêm chủng. Đến nay, trạm đã tiêm phòng cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng đạt 60% kế hoạch năm. 
 
Tr.An 
(thực hiện) 
 

.