Tính đến hết ngày 7/7, có 4 tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông, Đắk Lắk ghi nhân 63 ca mắc bệnh bạch hầu, trong đó có 3 ca tử vong.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Báo cáo tại cuộc họp khẩn với các chuyên gia về phòng, chống bệnh bạch hầu diễn ra chiều 7/7, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết: Số ca mắc bạch hầu tại 4 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông, Đắk Lắk hiện là 63 ca và đã có 3 ca tử vong. Trong đó, Đắk Nông có số ca mắc cao nhất là 25, Kon Tum 22 ca, Gia Lai 15 ca và Đắk Lắk 1 ca.
Đáng lưu ý, trong số các ca bệnh bạch hầu tại khu vực này, có 25 ca không có biểu hiện lâm sàng. Đa số các trường hợp mắc bệnh không được tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu đủ mũi, đúng lịch. Tại khu vực có bệnh nhân mắc bạch hầu, tỷ lệ người lành mang trùng chiếm gần 50%, tỷ lệ tiêm chủng chỉ đạt 13%.
Riêng về 3 trường hợp tử vong đều ở vùng sâu, vùng xa, là ca bệnh mới xuất hiện lần đầu tại các địa bàn đó do phát hiện muộn (có tới 16 năm tại đây không hề có ca bệnh).
Trước diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu, Bộ Y tế đã chỉ đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật các địa phương này tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm các ca mắc mới. Đồng thời, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc và các đối tượng nguy cơ để phát hiện sớm các trường hợp mắc mới và người lành mang trùng; Triển khai kịp thời các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh được giao thành lập ngay 4 tổ công tác của điều trị vào "nằm vùng" ở 4 địa phương có dịch. Các tổ này tập hợp các chuyên gia về truyền nhiễm, hồi sức và các lĩnh vực điều trị khác, vừa "cầm tay chỉ việc", vừa hướng dẫn, tập huấn, giúp cán bộ y tế ở đấy điều trị bệnh nhân. Song song với đó, sử dụng hệ thống khám chữa bệnh từ xa để hỗ trợ chuyên môn cho các địa phương.
Thời gian tới, sẽ có 1 triệu liều vaccine bạch hầu sẽ được tiêm cho trẻ 2 tháng - 14 tuổi tại Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, sau đó là các tỉnh có nguy cơ cao như Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Theo PV/VTV.vn