Nhiều khó khăn trong công tác dân số

02:06, 17/06/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) đã góp phần giữ vững mức sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, thời gian qua, do vướng mắc trong tổ chức hoạt động và chi trả phụ cấp cho đội ngũ này khiến công tác dân số gặp nhiều khó khăn.
Tại Quảng Ngãi, từ năm 2008 đến nay, cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ cấp xã chưa trở thành viên chức của trạm y tế, trong khi cả nước có 53/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện điều này theo Thông tư 05/2008/TT-BYT.
 
Hàng chục năm gắn bó với công tác DS, dù mức thù lao thấp, không có các chế độ bảo hiểm, nhưng bà Võ Thị Ngọc, ở xã Đức Thạnh (Mộ Đức) vẫn tâm huyết với công việc “đi từng ngõ, gõ từng nhà”. Bà Ngọc chia sẻ: Ngoài thiệt thòi không phải là viên chức như các tỉnh, thành khác, không có các chế độ bảo hiểm, thì từ đầu năm đến nay, tôi còn không được nhận phụ cấp. 
 
Thực hiện tốt công tác dân số tại các địa phương sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Thực hiện tốt công tác dân số tại các địa phương sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Theo Thông tư 26 thì chỉ những đối tượng như hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội... được hỗ trợ thực hiện chính sách triệt sản, còn đối với những trường hợp còn lại đặt vòng tránh thai thì thu phí 220 nghìn đồng, khiến các chiến dịch vận động người dân thực hiện KHHGĐ gặp hạn chế, bởi nhiều người lựa chọn đến các cơ sở y tế tư nhân để đặt vòng.
 
Nhân lực chuyên trách DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh gồm nhóm kiêm thêm một số nhiệm vụ tại xã được phụ cấp từ ngân sách và nhóm chỉ làm chuyên trách DS-KHHGĐ. Do chưa thành viên chức thuộc trạm y tế nên chuyên trách DS-KHHGĐ cấp xã của tỉnh từ năm 2019 trở về trước hưởng phụ cấp hằng tháng từ ngân sách sự nghiệp ngành y tế do UBND tỉnh phân bổ.
 
Cụ thể, việc chi trả phụ cấp hằng tháng từ năm 2009 - 2013 là 0,9 mức lương cơ sở, năm 2014 là 0,95 mức lương cơ sở, từ 2015 - 2019 là 1,25 mức lương cơ sở; không được đóng bảo hiểm xã hội và không có chế độ khi nghỉ việc. Tuy nhiên, từ ngày 1.1.2020 đến nay, ngành y tế không được cấp kinh phí để chi trả phụ cấp hằng tháng cho cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ.
 
Trưởng phòng Dân số huyện Sơn Hà Đinh Lốt cho biết: Tháng vừa qua, chỉ có bốn xã cập nhật số liệu DS. Không được nhận thù lao cho công tác DS khiến nhiều người khó gắn bó với công việc, trong khi đó công tác DS đảm đương nhiều phần việc như KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, người cao tuổi…
 
Thời gian qua, tại các cuộc họp nhằm tháo gỡ những khó khăn trong việc kiện toàn đội ngũ làm công tác dân số, nhiều ý kiến cho rằng chưa thấy quy định về chi trả phụ cấp hằng tháng cho cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã, vì vậy Sở Tài chính không thể tham mưu trong việc cấp kinh phí chi trả phụ cấp hằng tháng cho cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ.
 
Người hoạt động không chuyên trách ở xã với chức danh “LĐ-TB&XH - DS - Gia đình và Trẻ em” và cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ là hai chức danh khác nhau, nên không áp dụng các quy định tại Quyết định 26/2014 của UBND tỉnh. Sở Y tế đã đề xuất các phương án rà soát và chi trả phụ cấp hằng tháng, xây dựng lộ trình thực hiện tuyển dụng theo quy định nhằm duy trì hoạt động, công tác DS-KHHGĐ.
 
Đội ngũ chuyên trách DS-KHHGĐ cấp xã trên địa bàn tỉnh phần lớn là những người công tác lâu năm, tâm huyết, nhiệt tình thực hiện nhiều nhiệm vụ, hoạt động dân số tại địa phương, giữ vững mức sinh và góp phần nâng cao chất lượng dân số. Nếu không có đội ngũ DS-KHHGĐ cấp xã thì việc thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu, nhất là Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 25.10.2017 gặp nhiều khó khăn. Do đó, các cấp, ngành, đơn vị liên quan cần sớm có phương án giải quyết phù hợp về công việc, thù lao của đội ngũ này.
 
Bài, ảnh: HUỲNH THẢO
 
 

.