Việt Nam tiêm thử nghiệm đợt 2 vắc xin Covid-19 trên chuột

09:05, 21/05/2020
.
Dự kiến đầu tháng 6, các nhà khoa học sẽ tiêm thử nghiệm vắc xin Covid-19 do Việt Nam nghiên cứu trên chuột đợt 2 nhằm dò liều vắc xin hiệu quả.
Theo ông Đỗ Tuấn Đạt, Giám đốc Công ty TNHH Vaccine và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH), Bộ Y tế, trong đợt 1 có 50 con chuột được tiêm thử nghiệm vắc xin Covid-19 để đánh giá tính an toàn và hiệu quả sinh kháng thể miễn dịch. Mẫu máu của chuột thí nghiệm đã được gửi sang Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và đang chờ kết quả đánh giá. 
 
Bước đầu cho thấy, hiện đàn chuột thí nghiệm khỏe mạnh, đang được tiếp tục theo dõi các đáp ứng miễn dịch. Có thể nói đây là thành công bước đầu của nghiên cứu.  
 
Trong tháng 6, công ty sẽ tiến hành tiêm đợt thử nghiệm thứ 2 trên chuột, mục đích dò liều vắc xin hiệu quả. 
 
Hiện nay, VABIOTECH là đơn vị đầu tiên ở nước ta nghiên cứu thành công vắc xin dự tuyển Covid-19 và bắt đầu tiêm thử nghiệm trên chuột. 
 
Đây là giai đoạn quan trọng của nghiên cứu sản xuất vắc xin Covid-19 tại Việt Nam. Sau đó, vắc xin phòng Covid-19 sẽ tiếp tục được nghiên cứu để xây dựng quy trình sản xuất, định liều, thử nghiệm chính thức trên động vật nhằm đánh giá thêm về tính đáp ứng miễn dịch cũng như khả năng bảo vệ của dự tuyển vắc xin này. Cuối cùng là thử nghiệm trên người ở nhóm nhỏ và nhóm lớn.
 
Ngay từ khi Việt Nam ghi nhận các ca mắc Covid-19 đầu tiên, các nhà khoa học của TNHH MTV Vắc xin và sinh phẩm số 1 VABIOTECH (Bộ Y tế) đã hợp tác cùng các nhà khoa học của Đại học Bristol (Anh) để nghiên cứu vắc xin phòng virus SARS-CoV-2 dựa trên công nghệ vector virus. 
 
Công nghệ vector virus là công nghệ mới, đa năng, cho hiệu suất sản xuất cao, không phụ thuộc vào việc nuôi cấy toàn thể tác nhân gây bệnh, phù hợp đối với các vắc xin đại dịch.  
 
Hiện, hơn 80 quốc gia trên thế giới đang tập trung nghiên cứu vắc xin Covid-19, 8 quốc gia đã thử nghiệm lâm sàng trên người. 
 
Đến sáng 21/5, Việt Nam ghi nhận 324 ca mắc Covid-19, trong đó có 184 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Như vậy, từ ngày 16/4 đến nay đã 35 ngày nước không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tuy nhiên diễn biến tình hình dịch trên thế giới vẫn phức tạp.
 
Theo Nam Phương/Dân Trí

.