Ở nước ta có hai loại cỏ sữa: là cỏ sữa lá lớn và cỏ sữa lá nhỏ. Cỏ sữa lá lớn (cỏ sữa lông) hay phi dương thảo (Euphorbia hirta L.), họ Thầu dầu (Euphorbiaceae); Cỏ sữa lá nhỏ (Euphorbia thymifolia L.), cùng họ Thầu dầu (Euphorbiaceae). Cả hai loại đều là những vị thuốc đều được dùng phổ biến trong Đông y; có tính vị, tác dụng, cách dùng tương tự như nhau.
Cỏ sữa mọc hoang ở các bãi cỏ ven sông, ẩm ướt ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, trừ một số tỉnh vùng núi cao có khí hậu lạnh. Sau khi cây ra hoa, kết quả xong là tàn lụi. Do đó thu hái khi cây bắt đầu ra hoa sẽ có hàm lượng hoạt chất cao. Khi cây còn tươi, bấm ở cuống lá hay ở thân sẽ thấy nhựa mủ trắng như sữa. Đây cũng là một đặc điểm của một số cây thuộc họ Thầu dầu nói chung. Sau khi thu hái, rửa sạch đất cát, phơi hay sấy khô, bảo quản tránh ẩm. Trước khi dùng cắt đoạn, vi sao.
Cỏ sữa lá lớn: thân mọc thẳng, cao khoảng 20-25 cm, màu đỏ nhạt, phủ lông rậm. Lá mọc đối, hình bầu dục, hoặc hình mác, dài 2-3 cm, rộng 7-13 mm, gốc lá tròn, hơi lệch. Mặt dưới có lông mầu xám nhạt. Cụm hoa hình cầu, dạng ngù, mọc ở kẽ lá, rất nhiều hoa.
Cỏ sữa lá lớn chứa triterpen: taraxerol, taraxeron, 24 - methylen-cycloartenol, cycloartenol…; các ester của taraxeron; các sterol, Flavonoid: quercitrin, isoquercitrin, các acid phenolic: acid galic, egalic…
Về tác dụng sinh học, cỏ sữa lá lớn có tác dụng kháng lỵ amip và kháng khuẩn. Hiệu lực của nó được so sánh với chất emetin hydroclorid, một tân dược có tác dụng điển hình với lỵ amip; với các trực khuẩn lỵ flexner, Shiga và Sonne, cả với trực khuẩn lỵ đã kháng các kháng sinh tetracyclin, cloraphenicol. Tác dụng ức chế một số chủng vi khuẩn như tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus), trực khuẩn mủ xanh (Pseudomonas aeruginosa). Tác dụng chống viêm, hạ đường huyết, giảm co thắt ruột trên động vật thí nghiệm.
Cỏ sữa lá lớn tác dụng thanh nhiệt giải độc, thu liễm, chỉ ngứa |
Theo Y học cổ truyền, cỏ sữa lá lớn có vị cay, chua, tính mát, hơi có độc. Quy vào 3 kinh phế, bàng quang, đại tràng. Tác dụng thanh nhiệt giải độc, thu liễm, chỉ ngứa. Liều dùng 6-9g/ngày bằng cách sắc.
Cỏ sữa lá lớn được dùng làm thuốc trong các trường hợp:
Thanh nhiệt giải độc. Trị nhọt vú, nhọt trong phế, mụn nhọt đinh độc, ngứa lở ngoài da, ngứa chân, tay: cỏ sữa, bồ công anh, kim ngân hoa, ké đầu ngựa, mỗi vị 10 -12g.
Trị mụn lở, ngứa ngoài da: cỏ sữa tươi hoặc khô 200-300 g sắc nước đặc để tắm, rửa, ngày một lần, đặc biệt xoa xát kỹ vào chỗ bị ngứa, lở.
Thanh tràng chỉ lỵ. Trị lỵ trực khuẩn, lỵ amip, tiêu chảy: cỏ sữa 100g tươi hoặc 10 -12g (khô). Sắc uống.
Hoặc: cỏ sữa, hoàng liên, hoàng đằng, hoàng bá, mỗi thứ 10g. Sắc uống.
Hoặc: cỏ sữa, cỏ nhọ nồi, rau sam, lá nhót, búp ổi, mỗi thứ 10g. Sắc uống.
Hoặc làm thành bột uống trước bữa ăn 1 giờ, ngày 2-3 lần.
Hoặc: 6g cao mềm cỏ sữa (tương đương 50g cỏ sữa khô) và 11g cao khô hoàng đằng (tương đương 100g hoàng đằng khô) cùng tá dược bào chế dạng thuốc cốm, hoặc dạng viên nén để uống.
Lợi thấp, lợi tiểu. Trị tiểu nóng, buốt, tiểu ra máu: cỏ sữa, râu mèo, kim tiền thảo, thông thảo, mỗi thứ 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần trước bữa ăn 1 giờ.
Thông sữa, trị tắc tia sữa, ít sữa sau đẻ: thông thảo, ý dĩ, mỗi thứ 10g, sắc uống.
Trị viêm phế quản mạn tính: cỏ sữa (khô) 12g, cát cánh 15g, trần bì 10g, cam thảo 6g. Sắc uống.
Cách dùng: các bài thuốc trên đều sắc ngày 1 thang chia 2-3 lần, trước bữa ăn 1 giờ.
Lưu ý: Phụ nữ có thai dùng thận trọng.
Cỏ sữa lá nhỏ cao chỉ khoảng 10-15cm. Thân và cành mảnh chủ yếu mọc tỏa rộng trên mặt đất. Thân và lá màu đỏ tím. Lá nhỏ, hình bầu dục, mọc đối, mặt dưới phủ lông mịn. Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành xim. Quả nang, có lông nhỏ, hạt nhẵn có 4 cạnh. Tính vị, tác dụng, cách dùng gần tương tự như cỏ sữa lá lớn. Song có tác dụng đặc biệt tốt với các trường hợp viêm ruột tiêu chảy, đại tiện phân xanh ở trẻ em; phụ nữ sau đẻ ít sữa, tắc sữa; phụ nữ băng huyết, viêm tuyến vú, zona. Liều dùng mỗi ngày 40g-100g (khô), sắc uống, ngày một thang.
Cỏ sữa lá nhỏ tính vị, tác dụng, cách dùng gần tương tự như cỏ sữa lá lớn |
Liều dùng mỗi ngày 40g-100g (khô), sắc uống, ngày một thang. Hoặc phối hợp các vị thuốc khác.
Lưu ý: Phụ nữ có thai dùng thận trọng.
Theo GS.TS. Phạm Xuân Sinh/SKĐS