(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện cách ly xã hội, người dân hạn chế ra đường, hàng quán đóng cửa phòng dịch Covid-19. Đây cũng là thời điểm kinh doanh thực phẩm online vào mùa. Bên cạnh tính tiện lợi, thì loại hình này cũng tiềm ẩn nỗi lo mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) vì thiếu sự quản lý, kiểm soát của cơ quan chức năng.
Thực phẩm giao tận nhà
Chị Nguyễn Thị Thu Hương ở phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi) cho biết: “Do không có thời gian nấu nướng các món ăn cho con đang lúc nghỉ học, nên tôi thường mua thức ăn chế biến sẵn qua mạng. Bây giờ chỉ cần vào Facebook hay Zalo là tôi đã tìm được thực đơn phong phú. Hơn nữa, đồ ăn còn được giao tận nơi vừa nhanh, vừa tiện”.
Hiện nay, trên Facebook, Zalo có rất nhiều trang quảng cáo, bán hàng ăn nhanh như "Ẩm thực Quảng Ngãi", "Ship đồ ăn nhanh", "Ăn vặt Quảng Ngãi", "Thực phẩm sạch Quảng Ngãi"... bán thức ăn chế biến sẵn, thu hút nhiều thực khách.
Chị N.T.T, ở TP.Quảng Ngãi chuyên bán thực phẩm qua mạng xã hội có hàng nghìn người theo dõi chia sẻ: “Hai năm nay, tôi kinh doanh thực phẩm qua trang mạng và rất đông khách. Thời điểm dịch bệnh này mỗi ngày có nhiều thực khách đặt mua cơm, khô gà, bánh ngọt, chè... Hai vợ chồng làm cả ngày lẫn đêm mới đủ thực phẩm cung ứng”.
Nguy cơ mất ATVSTP
Tiện lợi là vậy, nhưng việc kinh doanh thực phẩm online hiện khó kiểm soát chất lượng. Qua Nhóm Facebook "Đồ ăn vặt Quảng Ngãi", một số chủ tài khoản đăng bán các mặt hàng như "trà sữa nhà làm", với giá chỉ 10.000 - 12.000 đồng/ly, giảm hơn một nửa so với các hàng quán kinh doanh giải khát. Các món ăn rao bán qua mạng như pizza, xúc xích nướng, cá viên chiên, thịt xiên que... rao bán với giá khá rẻ. Tuy nhiên, với những thực phẩm ăn nhanh này, nguồn gốc nguyên liệu, quá trình chế biến, vận chuyển... có đảm bảo vệ sinh hay không thì chưa có cơ quan nào kiểm tra, kiểm chứng.
Chị Nguyễn T.Đ, ở TP.Quảng Ngãi từng là “nạn nhân” của mạng xã hội cho biết: Con tôi đã từng nhập viện vì ăn phải thức ăn nhanh mua qua mạng. Nhưng tôi không biết kêu ai, đành “tiền mất tật mang”.
Theo quy định, hộ kinh doanh, chế biến, sản xuất thực phẩm phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP, giấy tờ chứng minh nguồn gốc nguyên liệu... Tuy nhiên, đa số người kinh doanh thực phẩm trên trang mạng xã hội không đáp ứng các yêu cầu này. Phần lớn những người kinh doanh qua mạng thường không đăng tải địa chỉ rõ ràng, nên cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc kiểm tra, xử lý.
Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Đặng Chính khuyến cáo: Chạy theo lợi nhuận, không ít người sản xuất kinh doanh bất chấp mối nguy mất ATVSTP mà bán các mặt hàng kém chất lượng, hoặc chế biến không đảm bảo vệ sinh. Vì vậy, người tiêu dùng hãy "nói không với thực phẩm không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm chứng..." và dành thời gian chế biến thức ăn đủ dinh dưỡng, hợp vệ sinh cho gia đình.
TRÍ PHONG