(Baoquangngai.vn)-
Thời gian qua Chính phủ đã đưa ra các biện pháp mạnh mẽ nhằm hạn chế tối đa dịch lây lan trong cộng đồng. Trong đó, yêu cầu toàn dân khai báo y tế một cách cụ thể, trung thực. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực đó, ở Quảng Ngãi vẫn xuất hiện các trường hợp cố ý khai báo y tế không chính xác.
Phụ thuộc vào sự tự giác của người dân
Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi vừa phải tổ chức tự cách ly cho hơn 30 y, bác sĩ thuộc các Khoa Khám bệnh- phòng Cấp cứu, Khoa Nội Tổng hợp. Nguyên nhân của việc cách ly bất thường trên là vì có tiếp xúc gần với một trường hợp bệnh nhân từng đi từ vùng dịch Covid-19 trở về. Toàn bộ các khoa, phòng từng tiếp nhận trường hợp này đều phải phun khử khuẩn nhiều lần.
Điều đáng nói, bệnh nhân này đã cố ý không khai báo bản thân đã từng đi qua vùng dịch để cán bộ, nhân viên y tế có sự phòng hộ cần thiết khi thực hiện các thao tác khám, chữa bệnh.
|
Cán bộ, nhân viên y tế phòng cấp cứu, Khoa Khám bệnh Bệnh viện Đa khoa tỉnh vừa phải tự cách ly vì một trường hợp bệnh nhân khai báo y tế không rõ ràng |
Sau đó, kết quả xét nghiệm của trường hợp này âm tính với Sars-CoV-2, đã khiến nhiều người thở phào nhẹ nhõm. Nhưng qua đây cũng thấy được nguy cơ cao lây lan dịch bệnh từ việc khai báo y tế không trung thực.
Điều dưỡng Huỳnh Văn Tâm làm nhiệm vụ trực chốt kiểm tra y tế cho biết: Chúng tôi được chỉ đạo phải làm việc hết sức cẩn thận, nghiêm túc. Phải kiểm tra thân nhiệt và yêu cầu khai báo y tế đối với tất cả trường hợp đến bệnh viện. Nhưng với các trường hợp cố ý khai báo không đúng thì chúng tôi không thể kiểm soát được.
Công tác phòng chống dịch phải phụ thuộc nhiều vào nhận thức của người dân. Bên cạnh sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng chung tay phòng, chống dịch thì ở cộng đồng, chúng ta đang gặp phải những “rào cản” từ ý thức kém của một số người dân.
Khai báo trung thực là chung tay phòng, chống dịch
Để phòng dịch Covid-19 bùng phát, hiện các cơ sở y tế ở Quảng Ngãi đã lập chốt kiểm tra ngay từ cổng vào. Mỗi bệnh nhân hay người nhà đều phải đi qua ít nhất 2 vòng kiểm tra y tế trước khi vào khuôn viên các cơ sở y tế.
Tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, các nhân viên trực tại chốt có nhiệm vụ đo thân nhiệt và yêu cầu khai báo y tế với 3 câu hỏi: Thời gian 2 tuần gần đây, có đi ở địa phương nào về không? Có từng tiếp xúc với các ca bệnh Covid-19 không? Có bị ho, sốt, khó thở và các triệu chứng nghi nhiễm Sars-CoV-2 không?
Khi trả lời các nội dung này thì bệnh nhân, người nhà bệnh nhân mới được phép qua chốt. Tuy nhiên, trên thực tế, những ngày qua, vẫn còn nhiều trường hợp “qua mặt” chốt kiểm tra y tế. Họ đã khai báo không trung thực, gây ra những xáo trộn và phiền phức cho các cán bộ, nhân viên y tế.
Bác sĩ Võ Tấn Quang- Phòng Cấp cứu, Khoa Khám bệnh thuộc Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi cho hay: Trường hợp mới nhất khai báo y tế chưa chính xác đã làm cho chúng tôi rất vất vả. Bệnh nhân trước khi vào phòng cấp cứu thì được chúng tôi khai thác yếu tố dịch tễ. Nhưng cả bệnh nhân và người nhà đều đã không trung thực ngay từ đầu.
|
Chốt kiểm tra y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh có nhiệm vụ kiểm tra thân nhiệt và yêu cầu khai báo y tế với những người từ vùng có dịch Covid-19 về |
“Sau đó, qua nhiều lần vận động thì chúng tôi mới khai thác được lịch trình di chuyển chính xác của người bệnh. Lúc này, tất cả các cán bộ, nhân viên y tế ở các khoa, phòng từng tiếp nhận bệnh nhân đều phải cách ly chờ kết quả xét nghiệm. Việc này vừa gây phiền hà cho hoạt động của bệnh viện, vừa khiến cho những nhân viên liên quan không được về nhà trong vài ngày trước khi có kết quả xét nghiệm. Đó là những phiền phức khi chưa có ca dương tính với Covid-19, còn khi xuất hiện trường hợp xấu nhất thì sẽ xảy ra hậu quả lớn chỉ vì lời khai báo y tế không trung thực”- bác sĩ Quang nói thêm.
Ở Việt Nam, đã có 4 ca nhiễm gồm 17, 34, 100 và 178 có hành vi không tuân thủ quy định về cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối. Trong thời gian qua, cả 4 ca nhiễm trên khiến dư luận vô cùng bức xúc vì đã khiến hàng chục người bị mắc bệnh và hàng trăm người bị cách ly. Trong đó, có cả những cán bộ, nhân viên y tế.
Thống kê chưa đầy đủ từ cuối tháng 3.2020 đến nay, có hơn 12 nghìn người Quảng Ngãi ở các địa phương có dịch về quê. Theo quy định, tất cả các trường hợp từng đi qua vùng dịch Covid-19 phải thực hiện khai báo y tế rõ ràng và cách ly tại nhà. Tuy nhiên, việc khai báo y tế đã bị một vài cá nhân thực hiện theo cách đối phó.
Bác sĩ Lương Văn Tuấn- Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi chia sẻ: Bệnh nhân khi đi khám, chữa bệnh ở bệnh viện thời điểm này đều phải khai báo rõ ràng. Trường hợp đi từ vùng dịch về thì được bố trí điều trị riêng biệt, để tránh trường hợp lây nhiễm. Tuy nhiên, thời gian qua, vẫn còn tình trạng người bệnh không khai báo đầy đủ lịch sử di chuyển của mình. Tâm lý chung của họ là sợ bị cách ly. Và hành vi của những bệnh nhân này đã gây tác động lớn đến hoạt động khám, chữa bệnh, và ảnh hưởng nhất chính là đội ngũ nhân viên, y tế.
Ông Phạm Minh Đức- Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Việc khai báo y tế không trung thực sẽ khiến cho công tác phòng, chống dịch càng thêm khó khăn. Nếu người dân khai báo không rõ ràng, không đúng thì việc khai thác yếu tố dịch tễ cũng không chính xác. Trường hợp dịch bệnh bùng phát thì sẽ rất khó kiểm soát.
“Do đó, Sở Y tế yêu cầu tất cả người dân Quảng Ngãi phải thực hiện khai báo y tế rõ ràng, trung thực. Việc này góp phần rất lớn vào công tác phòng dịch và kiểm soát nguồn lây nếu có ca dương tính”- ông Đức chia sẻ thêm.
Để ngăn chặn dịch bệnh, phát hiện sớm nguồn lây truyền càng nhanh càng tốt đóng vai trò quan trọng. Trong đó, khai báo y tế trung thực, tìm các yếu tố nguy cơ để thực hiện cách ly y tế là biện pháp hữu hiệu nhất. Tuy nhiên, trong giai đoạn mới của cuộc chiến chống Covid-19, nếu không có tinh thần, ý thức trách nhiệm cao của cộng đồng và sự vào cuộc quyết liệt, mạnh tay cả cơ quan chức năng thì rất khó có thể chiến thắng.
Theo quy định của pháp luật, việc cố ý trốn tránh, khai báo gian dối hoặc chống đối để không thực hiện các biện pháp cách ly và phòng chống dịch sẽ bị áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định, người nào từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sẽ bị phạt tiền 5-10 triệu đồng. Nghiêm trọng hơn, nếu người nào có hành vi trốn khỏi nơi cách ly, cố tình khai báo gian dối, trốn tránh các biện pháp cách ly y tế mà mang mầm bệnh lây nhiễm cho người khác có thể bị truy cứu theo Điều 240 Bộ luật Hình sự về tội Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người. Cụ thể, có thể bị phạt tiền tối đa 200 triệu đồng, hoặc bị phạt tù 1-12 năm tùy vào hậu quả gây ra. |
Bài, ảnh: Thanh Phương