(Baoquangngai.vn)-
Ở Quảng Ngãi có hơn 200 nhân viên y tế, chiến sĩ quân đội mỗi ngày phải tiếp xúc trực tiếp với các trường hợp cách ly tập trung, cần theo dõi y tế đặc biệt. Đội ngũ này được xem là những “chiến sĩ” tiên phong trên mặt trận phòng, chống dịch, bởi luôn đứng trước nhiều mối nguy khó lường do Covid-19 gây ra.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nỗ lực ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch
Vừa nghe có trường hợp được đưa vào khu cách ly tập trung của tỉnh, đội ngũ cán bộ xét nghiệm thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh liền lên đường làm nhiệm vụ. Đồng hồ báo đã quá giờ làm việc hành chính từ lâu, nhưng họ vẫn khẩn trương đến điểm cách ly để kịp thời lấy mẫu xét nghiệm.
Trong bộ quần áo bảo hộ nóng bức, chị Võ Thị Thu Hồng- cán bộ xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thực hiện những thao tác nghiệp vụ nhanh nhẹn, chuẩn xác. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều địa phương, những người làm công tác xét nghiệm như chị Hồng đã nhiều phen đi làm trong tâm thế hồi hộp, lo lắng. Bởi họ là những người đương đầu với nhiều mối nguy khi tiếp xúc trực tiếp với các trường hợp nghi nhiễm để điều tra yếu tố dịch tễ, lấy mẫu máu và mẫu dịch hầu họng đưa đi xét nghiệm.
Nhân viên y tế đo thân nhiệt, kiểm tra sức khỏe 2 lần/ngày cho các trường hợp cách ly tập trung |
Nhưng với trách nhiệm của nghề, họ phải là những người dám đứng trước nguy cơ dịch bệnh trước tiên. “Dịch bệnh thì chưa tới, nhưng đã có nhiều người không dám lại gần, nói chuyện với tôi rồi đó. Họ sợ khi tiếp xúc với những nhân viên y tế làm công tác xét nghiệm thì nguy cơ mắc bệnh cao”- Tiếng cười giòn sau câu nói của chị Hồng vẫn không thể che hết cái khó, cái khổ mà chị và các đồng nghiệp đang đương đầu.
Cũng vất vả không kém trên mặt trận phòng, chống dịch ở Quảng Ngãi, là những nhân viên y tế, chiến sĩ quân đội đang phục vụ ở hai khu cách ly tập trung của tỉnh. Cơ sở 2 Trung tâm Y tế huyện Bình sơn và Trung tâm huấn luyện, giáo dục quốc phòng an ninh thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã điều động hơn 150 nhân viên y tế, chiến sĩ cán bộ phục vụ cho gần 30 trường hợp đang được cách ly.
Các trường hợp cách ly đều từng đến, đi qua các vùng dịch Covid-19. Nguy cơ nhiễm bệnh cao. Kéo theo đó là những nhân viên, cán bộ, chiến sĩ trực tiếp phục vụ cho các trường hợp này cũng đứng trước nguy cơ cao.
Khó khăn, vất vả đã thấy rõ khi phải vừa chăm sóc y tế vừa đảm bảo điều kiện sinh hoạt hằng ngày cho các trường hợp cách ly. Bất cứ ai được phân công làm nhiệm vụ này đều xứng đáng là những chiến sĩ kiên cường. Bởi họ không vì sự ích kỉ, an toàn của cá nhân mà từ chối trọng trách được giao.
Trung tá Lê Tấn Chung- Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn Bộ binh 887 cho hay: Các chiến sĩ, cán bộ phục vụ cho khu cách ly thì chúng tôi phân công nhiệm vụ theo ca, trực 24/24h. Nhiều anh em đến kỳ nghỉ phép nhưng vì nhiệm vụ mới trước tình hình phức tạp của dịch Covid-19 thì cũng gác lại chuyện riêng để chung tay vì công việc chung.
Các cán bộ, chiến sĩ thực hiện công tác hậu cần, phục vụ cơm nước và các điều kiện sinh hoạt khác cho các trường hợp cách ly |
Điều dưỡng Phan Quốc Đại hiện đang công tác tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh là một trong 4 nhân viên y tế được điều động bổ sung lên Trung tâm huấn luyện, giáo dục quốc phòng an ninh để theo dõi sức khỏe gần 20 trường hợp đang được cách ly. “Mỗi ngày, tôi và các nhân viên y tế khác phải tuân thủ quy định bảo hộ y tế để tiếp xúc trực tiếp với các trường hợp, theo dõi thân nhiệt, kiểm tra sức khỏe đều đặn 2 lần/ngày. Tôi nghĩ nguy cơ mắc bệnh thì luôn tiềm ẩn, nhưng nếu ai cũng sợ, cũng không dám tình nguyện làm việc này thì còn lâu mới đẩy lùi dịch bệnh”- anh Đại chia sẻ.
Vững tin đẩy lùi dịch bệnh
Từ khi khu cách ly đặc biệt của Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh được kích hoạt, các nhân viên y tế luôn ý thức rằng, họ phải làm việc không đơn thuần như trực làm nhiệm vụ thông thường trước đây nên mỗi cán bộ, y, bác sĩ đều ý thức được trọng trách của mình.
Đến nay, Khoa đã tiếp nhận, theo dõi y tế cho 15 trường hợp nghi nhiễm Sars-CoV-2. Trong đó, có các trường hợp tiếp xúc gần với người mắc Covid-19, thậm chí có những trường hợp có triệu chứng sốt, ho, khó thở, từng đi qua vùng dịch.
Khu cách ly đặc biệt được kích hoạt đã tạo ra áp lực công việc rất lớn đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế tại Khoa Bệnh Nhiệt đới |
Đến nay, tuy tất cả các mẫu xét nghiệm đều cho kết quả âm tính. Nhưng dù kết quả thế nào, thì đội ngũ nhân viên y tế của khoa vẫn là những người phải trực tiếp chăm sóc, động viên các trường hợp an tâm ở lại để theo dõi sức khỏe. Với điều dưỡng Trần Thanh Trúc có kinh nghiệm hơn 20 năm trong nghề, chưa bao giờ anh và những người đồng nghiệp trong khoa lại đứng trước áp lực lớn như hiện nay.
Điều dưỡng Trần Thanh Trúc bày tỏ: Chỉ cần một chút sơ sẩy, nguy cơ nhiễm bệnh luôn tiềm ẩn. Chính vì vậy, chúng tôi không cho phép mình bất cẩn trong bất cứ thao tác nào từ khâu mặc, cởi đồ bảo hộ y tế, thăm khám sức khỏe, kiểm tra thân nhiệt cho các trường hợp… Chúng tôi cẩn thận không chỉ là để bảo vệ cho bản thân mà còn cho người nhà, cho tập thể bệnh viện và cả cộng đồng.
Tốc độ lây lan, mức độ nguy hiểm của dịch Covid-19 và cả những ca lây nhiễm chéo trong bệnh viện đã được ghi nhận trên thực tế, từng khiến những người làm nghề y có chút dao động. Nhưng đó chỉ là ý nghĩ thoáng qua, để rồi lòng quyết tâm thắng “giặc” cùng với cả nước đẩy lùi dịch bệnh giúp các anh, chị có thêm động lực đương đầu.
Tiềm ẩn nguy cơ cao nhưng các cán bộ, nhân viên y tế ở khu cách ly đặc biệt vẫn nhiệt tình thực hiện trọng trách lớn |
Dự lường trước trường hợp xấu nhất để chủ động, bác sĩ Lương Văn Tuấn- Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới không ngừng động viên đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế của Khoa tích cực thực hiện trọng trách. “Chúng tôi tự động viên nhau, làm công tác tư tưởng thật tốt với quyết tâm không sợ khó, sợ khổ để cùng đẩy lùi dịch bệnh”- bác sĩ Tuấn bày tỏ.
Dịch bệnh ngày càng diễn biến khó lường. Nhiệm vụ của các “chiến sĩ” ở nơi tuyến đầu “chống dịch như chống giặc” vẫn chưa dừng lại, thậm chí thêm phần vất vả. Nhưng vượt qua tất cả, mọi người đều tận tâm, trách nhiệm, hết mình vì sức khỏe của cộng đồng...
Bài, ảnh: Thanh Phương