Khoai tây – các đặc điểm về dinh dưỡng

02:03, 21/03/2020
.
Khoai tây là một trong bốn loại lương thực chủ yếu trên thế giới bên cạnh lúa gạo, lúa mì và ngô (bắp). Khoai tây rất đa dụng, có thể cung cấp năng lượng cho bữa ăn chính, hoặc dùng làm bánh, nấu súp, snack, … trong những bữa ăn phụ, ăn thêm, ăn vặt…
 
Tìm hiểu về giá trị dinh dưỡng, khoai tây thuộc nhóm thực phẩm giàu tinh bột (chất bột đường), là thành phần cơ bản cung cấp năng lượng cho bữa ăn hàng ngày, là nguồn cung cấp chất đường glucose quan trọng cho cơ thể, đặc biệt cho hoạt động của tế bào não và sức vận động cho khối cơ bắp. Một củ khoai tây trung bình khoảng 148g sẽ cho 110 kcal, tương đương với năng lượng của nửa chén cơm trắng, nửa trái bắp luộc, 1 khúc 90g củ mì hay khoai lang luộc,  hay 1,5 trái chuối xanh, … là không quá nhiều như trong suy nghĩ của mọi người. Với  26g tinh bột, một củ khoai tây có lượng tinh bột thấp nhất so với các suất thực phẩm giàu bột đường như  một trái bắp là 37,8g,  một chén cơm là 44,2g,  một ổ bánh mì nướng là 50,5g,  một khúc khoai mì (sắn) là 32,8g,  một củ khoai lang là 30,6g,… 
Xúp khoai tây Mỹ sườn non
Xúp khoai tây Mỹ sườn non
Khoai tây chứa rất ít chất béo, không có cholesterol, không transfat, không chất béo bão hòa, khoáng  natri rất thấp nên khi sử dụng khoai tây trong bữa ăn sẽ an toàn cho bệnh nhân bị rối loạn mỡ trong máu, bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh thận, …
 
Một củ khoai tây chứa khoảng 27 mg vitamin C, tức đạt 30% nhu cầu vitamin C một ngày của một người. Vitamin C đặc biệt cần thiết cho sự tạo thành collagen trong cơ thể cho mô dưới da, mô liên kết ở xương khớp. Ngoài tác dụng chống oxy hóa nổi tiếng, vitamin C còn giúp tạo kháng thể, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, phòng chống các bệnh nhiễm trùng và quan trọng trong các tình trạng nhiễm virus.
 
Quan trọng vẫn là ăn uống cân đối và vừa đủ với nhu cầu của mỗi người. Khởi đầu tuần mới với bữa ăn cân bằng để chống lại COVID-19, hãy thử món ăn với khoai tây Mỹ này nhé.
 
Theo BSCK1 Đào Thị Yến Thủy/SKĐS
 

.