Những bàn tay lặng lẽ

09:02, 27/02/2020
.
(Baoquangngai.vn)- Thực hiện y lệnh của bác sĩ, túc trực chăm sóc bệnh nhân cả ngày lẫn đêm. Đó là công việc hằng ngày của điều dưỡng. Những bàn tay lặng lẽ ấy đã gắn bó với nghề bằng sự tận tâm, tình yêu thương và cả những hy sinh trong cuộc chiến giành lại sức khỏe cho nhiều người.
Ở tuyến đầu giành giật sự sống
 
3 giờ sáng, Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Lúc này phố phường đã ngủ yên, chỉ còn tiếng kêu bíp bíp phát ra từ chiếc monitor bên giường bệnh. Điều dưỡng Đặng Ngọc Mai vừa xong công việc ghi hồ sơ theo dõi bệnh thì liền đứng dậy thực hiện thao tác hút đàm cho một bệnh nhân.
 
Thức đêm trực ca đã thành nếp trong 39 năm làm nghề điều dưỡng, dù thức liên tục hơn 18 tiếng qua, anh Đặng Ngọc Mai không hề tỏ ra mệt mỏi. Đôi tay dày dặn kinh nghiệm nhẹ nhàng giúp bệnh nhân dễ thở hơn vì được lấy bớt đàm nhớt từ đường hô hấp.
 
Khoa Hồi sức tích cực- chống độc là khoa khá đặc biệt vì đây là khu vực vô trùng. Người nhà không được phép vào chăm sóc bệnh nhân thường xuyên, để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn, lây nhiễm chéo và bảo đảm môi trường sạch sẽ, yên tĩnh cho người bệnh phục hồi. Do vậy, tất cả các khâu việc ăn uống, vệ sinh cá nhân, chăm sóc toàn diện cho người bệnh hầu hết đều do các điều dưỡng thực hiện.
 
Điều dưỡng Đặng Ngọc Mai và đồng nghiệp luôn đối diện với những áp lực, vất vả của nghề trong suốt hàng chục năm qua
Điều dưỡng Đặng Ngọc Mai và đồng nghiệp luôn đối diện với những áp lực, vất vả của nghề trong suốt hàng chục năm qua
 
Trong mỗi ca trực, anh Mai phụ trách chăm sóc cho 10-12 bệnh nhân. Ở các khoa phòng khác, công việc điều dưỡng vốn chẳng nhàn hạ thì ở khoa này, anh Mai còn vất vả hơn, áp lực hơn gấp bội. Trong ca trực kéo dài 12 tiếng, không lúc nào anh có giây phút nghỉ ngơi. Bởi, các bệnh nhân nặng cần phải được theo dõi liên tục, kịp thời phát hiện những bất thường để xử trí.
 
39 năm làm nghề thì anh Mai đã có 32 năm làm ở Khoa Hồi sức tích cực chống độc. Đây được xem là khoa áp lực nhất, căng thẳng nhất vì chuyên điều trị cho những bệnh nhân nặng, thường trong cơn thập tử nhất sinh. Cũng vì vậy mà ở đây, anh Mai đã “nếm” đủ cay đắng, ngọt bùi của nghề.
 
Đó là những lần bệnh nhân nặng dồn dập được chuyển vào khoa, khiến những điều dưỡng như anh quên mất giờ cơm mà luôn tay thực hiện y lệnh của bác sĩ và luôn túc trực bên giường bệnh với những áp lực đến nghẹt thở. Đó là những đêm căng thẳng vì phải đối diện với giây phút sinh tử của người bệnh và những áp lực đến từ người nhà bệnh nhân.
 
Chỉ còn vài tháng nữa, anh Mai đến tuổi nghỉ hưu. Anh sẽ không còn những đêm thức trắng, thấp thỏm giành giật sự sống cùng người bệnh. Anh cũng không còn cảm thấy bất lực vì những cố gắng, nỗ lực của cả kíp trực vẫn không ngăn được những cái chết thương tâm. Nhưng ngẫm lại gần 40 năm qua, anh Mai chưa bao giờ có ý nghĩ bỏ nghề. Bởi với anh, những vất vả, áp lực của nghề luôn đi kèm những niềm vui nho nhỏ.
 
“Hạnh phúc nhất là khi người bệnh phục hồi, được chuyển ra khỏi khoa trong niềm vui của người nhà. Và chúng tôi cũng cảm thấy được an ủi khi người nhà bệnh nhân hiểu và cảm thông cho những vất vả mà chúng tôi đã trải qua. Tất cả những điều ấy khiến tôi có động lực hơn. Chăm sóc bệnh nhân, đó là trách nhiệm của tôi!”- anh Mai tự hào chia sẻ về niềm vui làm nghề.
 
Gần 40 năm làm nghề điều dưỡng, anh Mai không thể đếm xuể đã từng chăm sóc bao nhiêu lượt người bệnh. Nhưng tâm trí anh luôn hướng về những nụ cười, niềm vui của bệnh nhân và người nhà khi thoát khỏi cơn hiểm nghèo do bệnh tật. Đó là tất cả những điều tốt đẹp giúp anh thêm yêu nghề, yêu người.
 
Tận tâm với những bệnh nhân đặc biệt
 
Cũng làm nghề điều dưỡng, chị Nguyễn Thị Thu Hà lại chọn công việc chăm sóc cho những bệnh nhân tâm thần. Vừa vất vả lại không kém phần nguy hiểm, nhưng người phụ nữ nhỏ bé ấy lại giành hơn 20 năm qua để gắn với công việc đặc biệt này tại Bệnh viện Tâm thần Quảng Ngãi.
 
Nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Hà đã có hơn 20 năm gắn bó với công việc chăm sóc người bệnh tâm thần
Nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Hà đã có hơn 20 năm gắn bó với công việc chăm sóc người bệnh tâm thần
 
Hàng ngày chị chăm sóc, phục vụ người bệnh từ mũi tiêm, liều thuốc. Có nhiều người bệnh không tự ăn uống, làm vệ sinh cá nhân được, chị cùng các đồng nghiệp của mình là các hộ lý phải xúc cơm cho bệnh nhân ăn, tắm rửa, cắt tóc... cho họ. Những công việc ấy chỉ nghe qua thì có vẻ rất đơn giản, nhưng lại ẩn chứa lắm nỗi gian truân.
 
Phần lớn bệnh nhân tâm thần phải điều trị nội trú đều ở giai đoạn nặng, nên việc tiêm thuốc hay cho uống thuốc vô cùng vất vả. Chị Hà luôn phải nhỏ nhẹ, dỗ dành người bệnh. Không ít lần chị bị mắng chửi thậm tệ. Hay thậm chí là bị giật tóc, đánh đập bởi những người bệnh đã không còn làm chủ được ý thức, hành vi.
 
Ở Bệnh viện Tâm thần Quảng Ngãi, những năm qua, có rất nhiều trường hợp bệnh nhân bị nặng và phải điều trị lâu ngày khiến người thân nản chí, bỏ mặc. Với lương tâm của người làm y, chị Hà lại rộng lòng chăm sóc tận tâm hơn để họ luôn được vỗ về trong tình thương, giúp bệnh ngày một tiến triển tốt.
 
“Chăm sóc người thường đã khó, thì với bệnh nhân tâm thần càng khó khăn hơn nhiều. Mình phải nhẹ nhàng, dỗ ngọt người bệnh thì họ mới chịu ăn uống, chịu chấp nhận điều trị. Việc chăm sóc, trò chuyện cũng giúp bệnh nhân có những tiến bộ. Nếu không yêu công việc này, thì không ai làm được cả”- chị Hà tâm sự.
 
Nghề điều dưỡng luôn phải đối mặt với nhiều vất vả và cần cả sự hy sinh thì mới có thể gắn bó lâu dài
Nghề điều dưỡng luôn phải đối mặt với nhiều vất vả và cần cả sự hy sinh thì mới có thể gắn bó lâu dài
 
Với chị, nghề điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân tâm thần chưa khi nào là một nghề nhàn rỗi. Nhiều năm qua, chị tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm. Chỉ cần nhìn bệnh nhân là chị có thể đoán biết được bệnh nhân này có ngấm thuốc hay không, bệnh nhân kia sắp lên cơn kích động hay không... Chị bảo, mình vẫn phải luôn luôn học hỏi để thêm những kỹ năng, kinh nghiệm phù hợp với các trường hợp bệnh.
 
“Tôi xem bệnh viện là nhà của mình, còn người bệnh chính là người thân. Tôi và y, bác sĩ ở đây vẫn luôn nghĩ như vậy thì mới có thể tận tâm chăm sóc họ được”- Ấy là bí quyết của nữ điều dưỡng đã gắn bó với công việc chăm sóc người bệnh tâm thần trong suốt 20 năm qua.
 
Có khó khăn, vất vả mới thấy sự hy sinh thầm lặng, tận tâm phục vụ cùng những nỗ lực cố gắng không ngừng nghỉ của các điều dưỡng. Nhờ có họ mà bệnh nhân được tiếp thêm nghị lực sống và chiến đấu với bệnh tật. Cũng nhờ họ, mà chất lượng phục vụ người bệnh ở các đơn vị y tế ngày càng được nâng lên.
 
Bài, ảnh: Thanh Phương

 


.