(Baoquangngai.vn)- Tuy ở Việt Nam đã có 16/16 trường hợp khỏi bệnh Covid-19 và xuất viện hòa nhập cộng đồng, nhưng hiện tình hình dịch bệnh ở một số nước trên thế giới đang có chiều hướng lan rộng như: Hàn Quốc, Nhật Bản hay Iran. Do vậy, công tác ứng phó với dịch tại Việt Nam nói chung và trên địa bàn Quảng Ngãi nói riêng vẫn không thể được lơi lỏng.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Hãy nhấn vào đường link bên dưới để tải ứng dụng Báo Quảng Ngãi trên Google Play và App Store.
http://onelink.to/quangngaib
http://onelink.to/quangngaib
Không riêng ở những địa bàn trọng điểm và khu dân cư có lao động nước ngoài đến từ vùng dịch lưu trú mới thực hiện phòng chống dịch, nhiều vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh cũng đã triển khai các biện pháp nâng cao nhận thức người dân. Đồng thời, các cơ sở y tế tuyến huyện còn sẵn sàng khu cách ly để thu dung bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19.
Đẩy mạnh tuyên truyền ở nông thôn
Đều đặn vào mỗi sáng sớm, vào đúng thời điểm bà con nông dân ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) đi thăm đồng lúa thì hơn 10 chiếc loa phát thanh trong toàn xã bắt đầu phát chương trình truyền thanh của xã. Trong những ngày dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virut Corona (Covid-19) bùng phát thì thời lượng lẫn nội dung của chương trình truyền thông đều được tăng cường để thông tin đến người dân về dịch bệnh nhiều hơn.
Để chuẩn bị cho chương trình truyền thanh mỗi ngày, anh Nguyễn Sơn- cán bộ truyền thanh xã Nghĩa Hiệp đều đặn khai thác các tin, bài từ những phương tiện báo chí uy tín trong và ngoài tỉnh. Trong vòng 15 phút thời lượng chương trình, thì có đến hơn 50% nội dung nói về tình hình và công tác ứng phó với dịch bệnh tại địa phương cũng như những nơi có dịch.
Cán bộ truyền thanh xã Nghĩa Hiệp phải tăng cường khai thác tin, bài về dịch Covid 19 để phục vụ cho chương trình truyền thanh tại địa phương |
Anh Nguyễn Sơn cho biết: Thông thường thì chương trình phát thanh xã chỉ được phát vào 5 giờ kém 15 phút mỗi sáng. Nhưng vì để thông tin đến bà con nhiều thông tin hơn về dịch Covid-19 thì, lãnh đạo xã chỉ đạo phát thêm vào buổi trưa và buổi chiều tối. Đó là những lúc bà con trong xã có mặt ở nhà để nghe và được trang bị thêm nhiều kiến thức phòng, chống dịch.
Không chỉ tăng cường tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh ở xã, chính quyền xã Nghĩa Hiệp còn phối hợp với ngành Y tế đẩy mạnh việc đi cơ sở, tuyên truyền từng nhà. Qua đó, giúp người dân có ý thức hơn trong việc vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và thực hiện một số biện pháp phòng bệnh.
Anh Trần Văn Dậu ngụ thôn Đông Mỹ, xã Nghĩa Hiệp chia sẻ: Giờ hành chính thì tôi và vợ đều phải đi làm. Tối về thì phải tăng ca, buôn bán để kiếm thêm thu nhập nên ít có thời gian truy cập mạng hay xem ti vi để tìm hiểu về dịch bệnh.
“Nhưng nhờ có chương trình phát thanh của xã, huyện rồi cán bộ đến tận nhà phát tờ rơi thì mình cũng nắm được thông tin rồi biết cách phòng, chống bệnh Covid-19 này. Bây giờ mỗi khi bị bệnh đường hô hấp thì tôi liền tới trạm y tế xã khám chứ không dám tự ý mua thuốc uống nữa. Rồi tôi cũng có ý thức hơn trong việc hạn chế đến chỗ đông người, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang khi đi ra đường…”- anh Dậu nói về những kiến thức mình vừa được trang bị.
Các vùng nông thôn cũng đã tiến hành việc đi cơ sở để tuyền truyền trực tiếp cho người dân hiểu về cách phòng chống dịch Covid-19 |
Xã Nghĩa Hiệp có 6 thôn với 14 nghìn dân. Đây là địa bàn rộng, dân cư đông đúc nên khả năng bệnh xâm nhập vào địa phương rất cao. Do vậy, ngay từ những ngày đầu bùng phát dịch ở các nơi, địa phương đã tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong việc ứng phó với dịch bệnh.
Ông Trần Văn Tân- Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp cho hay: Trong thời gian này thì địa phương tăng cường tuyên truyền cho người dân biết các thông tin về dịch bệnh. Hiện xã đã tăng thời lượng phát thanh qua hệ thống loa truyền thông 3 lần/ngày.
Ngoài ra cũng tiến hành treo các băng rôn và chỉ đạo các trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận thôn phối hợp với Trạm Y tế xã tiến hành tuyên truyền trực tiếp từng nhà, và tuyên truyền qua thiết bị loa cầm tay ở các khu dân cư để giúp người dân trang bị những kiến thức cần thiết để phòng chống dịch Covid-19.
Sẵn sàng khu cách ly ở bệnh viện tuyến huyện
Ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền ở các vùng nông thôn, tại các cơ sở y tế tuyến huyện cũng tăng cường dán các tờ rơi, chỉ dẫn phòng, chống dịch bệnh. Thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ngãi, ngoài việc chuẩn bị cho các khu cách ly điều trị khi có bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở tuyến tỉnh, các cơ sở y tế tuyến huyện cũng sẵn sàng về trang thiết bị lẫn con người cho các khu cách ly tại chỗ.
Tại huyện Sơn Tịnh, là địa bàn có nhiều doanh nghiệp, công ty với hàng ngàn lao động từ nơi khác đến cư trú và làm việc. Trước diễn biến của dịch Covid-19, Bệnh viện đa khoa huyện Sơn Tịnh cũng đã có sự chuẩn bị về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để đáp ứng kịp thời, thu dung cách ly khi có bệnh nhân nghi ngờ nhiễm Covid-19 trên địa bàn.
Bệnh viện cũng chủ động xây dựng các tình huống, thành lập tổ ứng phó nhanh để ứng phó với dịch bệnh. Đồng thời, bố trí khu cách ly với 2 phòng bệnh để thu dung, cách ly đối với các trường hợp nghi ngờ nhiễm Covid.
Bác sĩ Đỗ Văn Diệu- Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Sơn Tịnh cho hay: Số lượt khám mỗi ngày tại bệnh viện là 600-700, khá là đông. Trong đó, không ít trường hợp mắc bệnh về đường hô hấp kèm. Khi trường hợp có ca bệnh xuất hiện trên địa bàn hoặc thành phố, huyện lân cận thì chúng tôi triển khai tình huống 2 là kích hoạt 2 phòng cách ly tại Khoa truyền nhiễm. Sau đó thực hiện theo quy trình khám, quản lý điều trị bệnh này theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Báo cáo với Trung tâm y tế huyện và Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh để lấy máu gửi đi xét nghiệm.
Còn tại Bệnh viện Đa khoa TP.Quảng Ngãi đã sắp xếp, bố trí khu cách ly với 3 phòng, 12 giường bệnh để sẵn sàng tiếp nhận các trường hợp nghi nhiễm Covid-19. Bệnh viện cũng chỉ đạo tăng cường công tác khám sàng lọc nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.
Bệnh viện Đa khoa TP.Quảng Ngãi đã bố trí 3 phòng với 12 giường bệnh được cách ly cho những ca nghi nghiễm Covid-19 |
Đối với các bệnh nhân mắc bệnh lý về đường hô hấp đều được thăm khám kỹ, cũng như khai thác yếu tố dịch tễ. Bác sĩ Cao Minh Anh- Khoa khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa TP.Quảng Ngãi, cho biết: Khi bệnh nhân tới khám, ngoài những triệu chứng bệnh nhân khai thì mình hỏi thêm bệnh nhân có những triệu chứng về đường hô hấp như sốt, ho, khó thở. Tiếp đến hỏi bệnh nhân có chuyến đi du lịch hoặc đi làm đâu đó mà có liên quan tới vùng dịch tễ hiện giờ có bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Covid-19 thì chủ động khám và trong trường hợp nghi ngờ thì báo cấp trên.
Trước những nguy hiểm của dịch Covid-19, toàn bộ hệ thống chính trị và người dân đang triển khai các biện pháp để ứng phó với dịch. Trong đó, ngoài việc chuẩn bị phương án những tình huống cụ thể khi xuất hiện ca bệnh, ý thức phòng chống dịch của người dân ở tất cả các địa phương trong tỉnh cũng đang được nâng cao đáng kể.
Bài, ảnh: Khả Nhiên