Hành vi che giấu bệnh dịch của mình hoặc người khác, hoặc không thực hiện việc xét nghiệm phát hiện bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể bị phạt tới 5 triệu đồng.
Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 tại điều 3 đã phân chia bệnh truyền nhiễm được chia làm ba loại A, B và C. Bệnh truyền nhiễm nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh cũng được xếp vào nhóm A
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, ngày 1-2, đã công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra thuộc nhóm A.
Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, đối với các bệnh thuộc nhóm A, khai báo y tế, cách ly người bệnh là một trong những biện pháp hành chính đầu tiên khi có dịch để đảm bảo an toàn cộng đồng nhằm ngăn chặn lây lan dịch bệnh.
Trách nhiệm khai báo của người mắc bệnh dịch được quy định tại Điều 47 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm: Khi có dịch, người mắc bệnh dịch, người nghi ngờ mắc bệnh dịch hoặc người phát hiện trường hợp mắc bệnh dịch phải khai báo cho cơ quan y tế gần nhất trong thời gian 24 giờ kể từ khi phát hiện bệnh dịch.
Tại Điều 6 Nghị định 176/2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, cá nhân nào phát hiện người mắc bệnh truyền nhiễm nhưng không khai báo sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đến 500.000 đồng.
Hành vi che giấu bệnh dịch của mình hoặc người khác khoản 2 Điều 6 Nghị định 176/2013 quy định cá nhân che giấu hiện trạng bệnh truyền nhiễm của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A sẽ bị xử phạt từ 500.000 đến 1 triệu đồng. Mức phạt này cũng được áp dụng với hành vi không thực hiện việc xét nghiệm phát hiện bệnh truyền nhiễm nhóm A theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Cũng tại điều 10 Nghị định 176/2013, hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng và bị áp dụng Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đối với hành vi vi phạm.
Những hành vi vi phạm nêu trên đều bị xử lý nghiêm, bị áp dụng biện pháp cưỡng chế buộc thực hiện để đảm bảo an toàn y tế cho xã hội. Mọi cá nhân có trách nhiệm tuân thủ chính sách pháp luật của Nhà nước giúp an toàn cho chính bản thân mình cũng như cộng đồng trước các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona.
Theo Dân trí