Bổ sung canxi, vitamin D cho trẻ: Khuyến cáo của bác sĩ

03:02, 27/02/2020
.
Canxi là dưỡng chất quan trọng đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Thiếu hụt canxi khiến trẻ chậm tăng trưởng cũng như có nguy cơ mắc nhiều bệnh khác.
 
Trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh khi thiếu canxi sẽ có những biểu hiện: đổ nhiều mồ hôi, nhất là khi ngủ; hay quấy khóc, giật mình về đêm; rụng tóc… Vậy bổ sung canxi cho bé như thế nào là đúng?
 
Hiểu về vai trò canxi trong cơ thể trẻ
 
Nhiều bậc phụ huynh khi cho con đi khám thường hỏi: Đổ mồ hôi nhiều có thiếu canxi không? bé rụng tóc nhiều có thiếu canxi không? bé ăn ít, mọc răng chậm có thiếu canxi không? Nhưng thực ra, câu hỏi chính xác hơn là: Bé có thiếu vitamin D không? hoặc chính xác hơn nữa là: Cả mẹ và bé có thiếu vitamin D không? Vậy tại sao nên bổ sung vitamin D chứ không phải canxi?  
Nên bổ sung thực phẩm giàu vitamin D qua ăn uống.
Nên bổ sung thực phẩm giàu vitamin D qua ăn uống.
Trong cơ thể, canxi chỉ chiếm khoảng 1,5-2% trọng lượng cơ thể, phần lớn canxi tập trung ở xương răng, số ít còn lại nằm ở trong máu và dịch ngoại bào. Canxi là chất vi khoáng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của trẻ, canxi tham gia cấu tạo xương, răng, là thành phần chính tạo nên bộ khung xương của cơ thể. Ngoài tạo xương, canxi còn giữ nhiều vai trò khác như dẫn truyền tế bào thần kinh, tham gia quá trình đông máu, chức năng co cơ.
 
Hệ luỵ của thiếu canxi do thiếu vitamin D
 
Bố mẹ để trẻ thiếu canxi lâu ngày sẽ dẫn đến tình trạng trẻ bị còi xương, chậm lớn và có nguy cơ dẫn đến các bệnh lý khác. Theo thống kê mới nhất của Viện Y xã hội học, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi của Việt Nam là 29,3%, một phần do trẻ bị thiếu canxi.
 
Việc bổ sung thừa canxi cũng gây ra nhiều hậu quả không tốt nên bố mẹ cần chú ý. Khi bị bổ sung thừa canxi, trẻ sẽ có hiện tượng táo bón, buồn nôn, đau xương; về lâu dài, canxi có thể tích tụ làm gây vôi hóa thận, giảm hấp thụ các chất khoáng: sắt, kẽm, magie...
 
Tuy có vai trò rất quan trọng nhưng canxi lại là chất cơ thể không thể tự tổng hợp được mà phải sử dụng từ những nguồn bên ngoài, trong đó có vitamin D. Trẻ càng lớn thì nhu cầu canxi càng cao. Vitamin D tổng hợp dưới da của bé nhờ tia ánh sáng mặt trời. Bé tắm nắng hoặc tiếp xúc dưới nắng 10-15 phút trở lên sẽ tự tổng hợp vitamin D cho cơ thể. Bổ sung 400IU vitamin D/ngày theo chuẩn WHO, là vitamin tối quan trọng giúp cho hệ xương và răng của bé phát triển tốt, đồng thời phòng ngừa bệnh còi xương ở trẻ sơ sinh. Trẻ bị thiếu hụt vitamin D sẽ dẫn đến việc kém hấp thu canxi từ thực phẩm. Do đó, nếu mẹ có bổ sung canxi đủ đi chăng nữa nhưng nếu thiếu vitamin D thì canxi sẽ không hấp thụ được mà sẽ làm gia tăng canxi dư thừa trong máu, rất nguy hiểm.
 
Cảnh báo của thầy thuốc
 
Không cần bổ sung canxi cho trẻ bú mẹ hoặc bú bình (trong 6 tháng đầu) vì bé đã được cung cấp đầy đủ nhu cầu canxi trong những năm đầu tiên qua sữa mẹ hoặc sữa công thức và qua ăn dặm kèm theo sau 6 tháng tuổi. Nhu cầu canxi của trẻ khoảng 200-260mg/ngày, nếu trẻ được bú sữa mẹ và sữa bình đầy đủ thì lượng canxi trong sữa đã đủ, việc bổ sung canxi là không cần thiết. Tuy nhiên, nếu trẻ non tháng cùng nhẹ cân (dưới 2.000g) có thể xem xét việc dùng canxi bổ sung.
 
Trẻ được bú mẹ hoàn toàn nên được bổ sung vitamin D3 400IU/ngày cho đến khi trẻ được 1 tuổi hoặc cho đến khi trẻ được chuyển sang bú sữa công thức hoàn toàn - thời điểm nào đến trước thì tính thời điểm đó. Vitamin D thực sự rất quan trọng trong việc tăng hấp thụ canxi và phosphate từ thức ăn; khi thiếu vitamin D, việc hấp thu 2 khoáng chất này bị giảm. Khi cung cấp đủ vitamin D, lượng canxi và phosphate tăng gấp 3-6 lần. Vitamin D có vai trò “nền móng” như cầu nối cho hấp thụ canxi giúp phát triển hệ xương, hệ tim mạch, hệ miễn dịch... Nên bổ sung vitamin D bắt đầu từ những thực phẩm như cá hồi, cá thu, lòng đỏ trứng gà, gan động vật...
 
Không cần tắm nắng cho trẻ mỗi ngày: Bạn chỉ cần cho trẻ ra ngoài chơi khi có mặt trời, không che mặt, chân tay của trẻ (tùy thời tiết cho phép).
 
Những lo lắng các mẹ hay hỏi (đổ mồ hôi, rụng tóc, quấy khóc, biếng ăn, chậm mọc răng, đi đứng...) hiện nay không còn được y văn thế giới nhắc đến vì những triệu chứng này không đặc hiệu ở trẻ nhũ nhi và không có ý nghĩa đặc hiệu.
 
Theo BS. Trần Ngọc Đính/SKĐS

.