(Báo Quảng Ngãi)- Trẻ nhiễm HIV là nỗi bất hạnh của chính bản thân các em, là nỗi đau của gia đình, là gánh nặng và mất mát của toàn xã hội. Trẻ em chỉ có thể bị nhiễm HIV do lây truyền từ mẹ trong quá trình mang thai, sinh nở và cho con bú.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nhằm khuyến khích phụ nữ mang thai tham gia xét nghiệm dự phòng lây nhiễm HIV, tháng 9.2009, chiến dịch dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã được triển khai trên toàn quốc. Tại Quảng Ngãi, xét nghiệm phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con đã và đang được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật triển khai.
Phụ nữ mang thai trong tỉnh được khuyến khích tự nguyện xét nghiệm HIV, được cung cấp các dịch vụ và chăm sóc điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con khi cần thiết. Đến tháng 10.2019, tổng số bệnh nhân HIV/AIDS do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật quản lý là 333 bệnh nhân; trong đó 148 bệnh nhân nữ, 16 trẻ em.
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ hướng dẫn bệnh nhân nhiễm HIV điều trị bằng thuốc ARV. Ảnh: K.N |
Những năm gần đây, nhận thức của phần đông phụ nữ về cách tự chăm sóc và bảo vệ con của mình trong thời kỳ mang thai đã được nâng lên đáng kể. Một bệnh nhân HIV/AIDS đã sinh con khỏe mạnh chia sẻ: Trước đây, tôi chưa bao giờ nghĩ mình có thể bị nhiễm HIV, đến khi mang thai tuần thứ 14, được cán bộ y tế tuyên truyền, tư vấn về lợi ích của việc xét nghiệm HIV.
Tôi đã đồng ý xét nghiệm và biết mình đã nhiễm HIV. Tất cả như sụp đổ trước mắt. Sau đó, tôi được cán bộ Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS (nay đã sáp nhập vào Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) động viên và tư vấn, điều trị cho tôi trong thời gian mang thai, để dự phòng lây truyền HIV cho con. Trong quá trình điều trị tôi luôn tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Sau khi sinh, cả mẹ và con tiếp tục uống thuốc điều trị HIV 1 tuần, cháu được cấp sữa thay thế bú mẹ. Sự chủ động xét nghiệm HIV khi mang thai, đã giúp tôi dự phòng lây nhiễm HIV cho con kịp thời.
Tuy nhiên, việc lồng ghép tư vấn thêm nội dung tự nguyện xét nghiệm dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con cho phụ nữ mang thai ở nhiều xã chưa triển khai kịp thời và phụ nữ trong diện này cũng chưa tự nguyện tham gia. Trong khi đó, mỗi năm có không ít trường hợp khi người mẹ vào sinh mới biết mình bị nhiễm HIV. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và cuộc sống sau này của đứa con sinh ra.
Có một thực tế là, không phải hầu hết các phụ nữ mang thai đều sinh con tại bệnh viện. Do đó, việc phát hiện những đứa trẻ khi sinh ra có bị lây nhiễm HIV từ mẹ hay không là rất khó, nếu như người mẹ đó không tự giác xét nghiệm dự phòng lây nhiễm HIV trong thời kỳ mang thai.
Theo các chuyên gia, HIV có thể truyền từ mẹ sang con trong thời kỳ mang thai (25%), trong lúc chuyển dạ đẻ (50%) và qua sữa mẹ (25%) nếu nuôi con bằng sữa mẹ. Tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con có thể giảm đáng kể nếu thai phụ và con của họ được sử dụng thuốc ARV thích hợp trong thời kỳ mang thai, trong và sau khi đẻ, nhận được các dịch vụ chăm sóc sản khoa an toàn và nuôi con bằng sữa ăn thay thế.
Một bà mẹ nhiễm HIV vẫn có thể sinh ra đứa con khỏe mạnh. Việc tư vấn, xét nghiệm chẩn đoán, chăm sóc và điều trị kịp thời sẽ giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con.
KIM LIÊN