(Báo Quảng Ngãi)- Đó là thông điệp của Ngày Dân số Việt Nam (26.12) năm 2019. Hiện nay, công tác dân số đã chuyển trọng tâm từ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) sang dân số và phát triển. Do đó, nâng cao chất lượng dân số nói chung và nâng cao sức khỏe nhân dân nói riêng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Để thực hiện nhiệm vụ công tác dân số trong tình hình mới, thời gian qua, ngành dân số đã triển khai nhiều mô hình, đề án hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức, nhằm từng bước hạn chế mức sinh cao ở miền núi, ven biển và từng bước nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh.
Tuyên truyền các chính sách dân số cho phụ nữ miền núi. |
Đáng chú ý là mô hình "Tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân" tại 14 huyện, thành phố đã cho ra đời và duy trì nhiều câu lạc bộ tư vấn, khám, chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân. Trong năm 2019, toàn tỉnh có hơn 35 nghìn thanh niên trong tỉnh được tư vấn, thăm khám sức khỏe tiền hôn nhân. Hoạt động này đã nâng cao nhận thức cho thanh niên, vị thành niên và đặc biệt là nâng cao kỹ năng trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ cho các đối tượng chuẩn bị kết hôn, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Cùng với đó, việc thực hiện tầm soát, chẩn đoán và điều trị bệnh tật trước sinh và sơ sinh ở trẻ đã được triển khai rộng rãi nhằm tạo ra thế hệ tương lai khỏe mạnh, hạn chế bệnh, dị tật bẩm sinh. Trong năm 2019, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh đã thực hiện sàng lọc sơ sinh về dị tật tim và điếc bẩm sinh cho hơn 4.000 ca và sàng lọc bệnh thiếu men G6PD, thiểu năng giáp bẩm sinh và rối loạn chuyển hóa cho hơn 7.000 ca. Tại các huyện, thành phố, ngành y tế cũng đã triển khai sàng lọc trước sinh cho gần 4.000 bà mẹ mang thai và trên 4.000 trẻ sơ sinh.
Tuy nhiên, theo Chi cục trưởng Chi cục dân số tỉnh Đặng Chính, việc thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn rất thấp. Nhiều sản phụ chưa quan tâm đến chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Bên cạnh đó, năng lực đội ngũ bác sĩ, nhất là bác sĩ ở các tuyến dưới thực hiện sàng lọc chưa cao...
“Ước tính ở Việt Nam, mỗi năm có hơn một triệu em bé được sinh ra, trong đó, khoảng 22 - 30 nghìn trẻ bị dị tật bẩm sinh ở nhiều dạng bệnh khác nhau. Do đó, thời gian đến ngành dân số cần tiếp tục nâng cao hiệu quả Đề án Sàng lọc trước sinh và sơ sinh ở tuyến cơ sở để nâng cao chất lượng dân số”, ông Chính cho biết.
Cùng với thực hiện tốt các đề án, mô hình về dân số, những năm qua, Quảng Ngãi đã tập trung giảm mức sinh, làm cho quy mô dân số ổn định và đạt mức sinh thay thế. Đặc biệt trong năm 2019, các chỉ tiêu về dân số đạt và vượt kế hoạch đề ra như: Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm còn 11%; tỷ suất sinh thô giảm còn 14,2 %o; tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên của tỉnh dưới 8,5%o; số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm còn 2,03 con...
Trong thời gian đến, để chính sách dân số đạt hiệu quả cao, không chỉ có sự nỗ lực của ngành dân số, mà cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Ông Đặng Chính cho rằng: "Cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý của nhà nước đối với công tác dân số - KHHGĐ. Điều quan trọng nữa là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giáo dục trong toàn xã hội về dân số - KHHGĐ, gắn với các phong trào thi đua, các cuộc vận động; tiếp tục cung cấp các gói dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản đến các đối tượng có nhu cầu; phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện chính sách dân số".
Bài, ảnh: TRÍ PHONG