(Baoquangngai.vn)-
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Quảng Ngãi ghi nhận gần 2.400 ca sốt xuất huyết, tăng gần gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Bệnh viện Đa khoa tỉnh vì thế liên tục bị quá tải bởi bệnh nhân sốt xuất huyết. Điều cần làm lúc này là tăng cường phân loại bệnh ở cơ sở để điều trị theo đúng tuyến. Từ đó, giúp công tác điều trị đạt hiệu quả cao hơn.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Áp lực quá tải ở tuyến tỉnh
Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh có số giường thực kê chỉ 65 giường, nhưng 3 tháng gần đây, số bệnh nhân nằm điều trị nội trú tại khoa đã cao gấp 2 lần so với số giường thực kê. Chính vì vậy, bệnh viện buộc phải bố trí nằm ghép và kê thêm giường xếp ngoài hành lang cho bệnh nhân nằm.
Tình trạng quá tải hiện tại không chỉ gây bất tiện cho bệnh nhân và người nhà thăm nuôi, mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến hiệu quả khám chữa bệnh. Điều dưỡng Trần Thanh Trúc- Khoa Bệnh Nhiệt đới chia sẻ: Các khâu truyền nước, lấy máu xét nghiệm cho bệnh nhân thì đều khó khăn hơn nhiều. Bởi bệnh nhân phải nằm giường xếp không đúng độ cao kỹ thuật của giường y tế nên các thao tác của chúng tôi cũng phải sửa đổi.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang quá tải bệnh nhân sốt xuất huyết. Bệnh viện buộc phải kê thêm giường dọc hành lang để đủ chỗ cho bệnh nhân nằm |
Để đáp ứng được việc khám chữa bệnh cho số lượng bệnh nhân tăng, bệnh viện đã kê thêm 20 giường xếp dọc hành lang để bố trí chỗ nằm cho bệnh nhân. Ngoài ra, bệnh viện còn tăng cường thêm 2 bác sĩ và 4 điều dưỡng từ các khoa khác đến hỗ trợ. Tuy nhiên, với số ca bệnh đông, cùng với các bệnh nhân điều trị các bệnh khác khiến Khoa quá tải đã gây rất nhiều áp lực cho việc khám, chữa bệnh.
Bác sĩ Lương Văn Tuấn- Trưởng Khoa Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chia sẻ: Việc bố trí cho bệnh nhân nằm hành lang chỉ đảm bảo chỗ nằm chứ không thể đảm bảo vệ sinh giường bệnh. Công tác khám chữa bệnh cũng khó khăn. Nhân lực tại khoa lại đang rất thiếu mặc dù đã được bổ sung nên áp lực công việc khá lớn.
Tình trạng quá tải ở bệnh viện, một phần là do dịch bệnh sốt xuất huyết liên tục bùng phát với số ca mắc ngày càng cao ở tất cả các địa phương. Một nguyên do khác là nhiều trường hợp bệnh nhân đã vượt tuyến điều trị không cần thiết.
Áp lực công việc lớn, thao tác điều trị, chăm sóc gặp bệnh nhân khó khăn. Tất cả những điều này đang ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị bệnh |
Theo quy định phân tuyến, bệnh viện tuyến tỉnh chỉ tiếp nhận và điều trị các ca sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo và sốt xuất huyết nặng. Những trường hợp nhẹ hơn có thể được theo dõi, điều trị ở các bệnh viện tuyến dưới. Nhưng trên thực tế, tình trạng vượt tuyến thường xuyên xảy ra khiến áp lực quá tải ở tuyến tỉnh vẫn không ngừng tăng cao.
Cần tăng cường phân tuyến để điều trị
Ghi nhận tại Trung tâm Y tế huyện Sơn Tịnh, số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nằm điều trị nội trú khá đông. Khoa Truyền nhiễm của Trung tâm hiện có 15-20 ca sốt xuất huyết, thời gian cao điểm có thể lên gần 30 ca.
Những trường hợp nằm tại Khoa đều được chẩn đoán mắc ở dạng nhẹ, chỉ cần theo dõi sát và điều trị đúng hướng. Bệnh nhân Tôn Thanh Quý vừa nhập viện vào Trung tâm Y tế huyện Sơn Tịnh chia sẻ: Người thấy sốt rồi mệt mỏi nên tôi đi khám ở Trung tâm và được chẩn đoán bị sốt xuất huyết. Các bác sĩ khuyên là nên ở lại viện, nếu bị nặng thì chuyển tuyến.
Giữa sự bùng phát mạnh của dịch bệnh, Trung tâm Y tế huyện Sơn Tịnh đã làm tốt công tác phân tuyến điều trị. Nên dù chỉ là bệnh viện hạng 3, nhưng lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết lưu lại nội trú khá đông. Điều này đã giảm bớt tình trạng quá tại bệnh nhân cho bệnh viện tuyến trên.
Ngành Y cần có giải pháp trong vấn đề phân loại bệnh cũng như phân tuyến điều trị để giảm tải cho bệnh viện tuyến trên |
Bác sĩ Đỗ Văn Diệu- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sơn Tịnh choa biết: Khi tiếp nhận bệnh nhân thì chúng tôi tiến hành phân loại bệnh rất kỹ. Khi phát hiện bệnh nhân có dấu hiệu mắc sốt xuất huyết cảnh báo và nặng với các triệu chứng nguy hiểm như tụt tiểu cầu, hoặc kèm theo các bệnh suy thận, tiểu đường… thì phải lập tức chuyển tuyến. Với các trường hợp nhẹ thì chúng tôi giữ lại điều trị.
“Thời gian qua, có nhiều bệnh nhân không tin tưởng tuyến huyện có thể điều trị hiệu quả nên có ý định xin chuyển viện. Nhưng xét thấy trường hợp nhẹ, thì đội ngũ y, bác sĩ của Trung tâm cũng nỗ lực tư vấn, giải đáp cặn kẽ để người bệnh và gia đình hiểu”- Bác sĩ Diệu cho biết thêm.
Việc phân loại bệnh ngay từ cơ sở sẽ giúp công tác điều trị bệnh sốt xuất huyết đạt hiểu quả cao, hạn chế thấp nhất những trường hợp xấu xảy ra. Tuy nhiên, có một thực trạng đang tồn tại, khiến bệnh viện tỉnh vẫn ngày càng quá tải. Đó là, khi mắc bệnh, bệnh nhân đã trực tiếp đến nhập viện ở tuyến tỉnh mà không qua bệnh viện tuyến dưới. Điều này đang gây khó khăn cho công tác điều trị ngay từ khâu sàng lọc, kiểm soát bệnh.
Bác sĩ Phạm Ngọc Lân- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh băn khoăn: Chúng tôi rất mong Sở Y tế có văn bản chỉ đạo tuyến huyện tăng cường phân loại bệnh để phân tuyên điều trị. Nếu thấy tuyến huyện điều trị được thì nên giữ bệnh nhân để thu dung và điều trị. Còn trường hợp nào cần thiết thì chuyển bệnh viện tỉnh.
Trường hợp nào bệnh viện tỉnh cảm thấy tuyến huyện có thể điều trị được thì chúng tôi sẽ chuyển về huyện. Với cách này, thì vừa giúp bệnh nhân được nằm nội trú điều trị trong điều kiện tốt hơn. Công tác điều trị bệnh cũng đạt hiệu quả hơn.
Bài, ảnh: Thanh Phương