(Baoquangngai.vn)-
Ngay sau khi có thông tin thuốc gây tê tủy sống Bupicavaine bị nghi là nguyên nhân gây tử vong cho 2 sản phụ và làm 1 sản phụ nguy kịch ở Đà Nẵng, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh và Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã chủ động tạm ngưng sử dụng loại thuốc này trong các ca phẫu thuật.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ca phẫu thuật mổ lấy thai tại Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh vào sáng 21.11, khâu đầu tiên là gây tê tủy sống. Khác với mọi ngày, các bác sĩ tại đây đã không còn dùng thuốc Bupicavaine được sản xuất từ Ba Lan để gây tê.
Ngay khi nghe thông tin, loại thuốc gây tê Bupicavaine bị nghi là nguyên nhân dẫn đến 2 sản phụ tử vong và 1 người nguy kịch cách đây vài ngày ở Đà Nẵng, Bệnh viện Sản- Nhi tỉnh đã quyết định tạm ngưng sử dụng loại thuốc này.
Mỗi tháng, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh tiến hành 700-800 cuộc phẫu thuật có sử dụng thuốc gây tê tủy sống |
Để đảm bảo an toàn, công tác gây mê trước phẫu thuật được thay thế bằng thuốc Chirocaine của Ý và Regivell xuất xứ từ Indonesia, có thành phần tương tự. Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng- Trưởng Khoa gây mê hồi sức, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, trong 2 năm từ 2018-2019, bệnh viện vẫn sử dụng thuốc Bupicavaine WPW Spinal 0,5% Heavy thuộc gói thầu do Công ty CP Dược phẩm Trung ương CPCI trúng thầu cung ứng.
Điều đáng nói, loại thuốc này có cùng mã số và số lô so với lô thuốc được sử dụng tại các bệnh viện có bệnh nhân tử vong và nguy kịch ở Đà Nẵng.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng cho hay: Từ đầu năm 2018 đến nay, bệnh viện sử dụng thuốc Bupicavaine trong gây tê tủy sống cho các ca mổ đẻ và phẫu thuật cho phụ nữ có thai. Ghi nhận trong quá trình sử dụng thuốc thì chưa có biến chứng nặng ảnh hưởng đến tính mạng xảy ra.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng ghi nhận một số phản ứng sau tiêm Bupicavaine như: Mạch nhanh, tụt huyết áp kéo dài, hiệu quả giảm đau không tốt, độ giãn cơ không tốt.
Đã có một số báo cáo ghi nhận thuốc Bupicavaine gây ra một số phản ứng gây tụt huyết áp, sốc... trên các bệnh nhân |
Đến thời điểm hiện tại, tuy chưa phát hiện biến chứng nặng sau tiêm Bupicavaine, nhưng Bệnh viện Sản -Nhi tỉnh đã ngưng sử dụng loại thuốc này trong phẫu thuật để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân.
Sau khi nghe thông tin thuốc Bupivacaine gây hại đến các sản phụ ở Đà Nẵng, bệnh viện cũng tiến hành ra soát số thuốc còn lại và gửi văn bản đến Sở Y tế xin chỉ đạo về việc sử dụng loại thuốc này.
Được biết, theo gói thầu tập trung, Bệnh viện Sản- Nhi tỉnh là đơn vị có nhu cầu và được phép sử dụng Bupicavaine nhiều nhất. Bệnh viện đã nhập về hơn 8.300 ống Bupicavaine để sử dụng trong 2 năm 2018-2019.
Trung bình mỗi tháng Bệnh viện Sản- Nhi tỉnh tiến hành 700-800 ca phẫu thuật có dùng Bupicavaine để gây tê tủy sống cho bệnh nhân. Hiện nay, bệnh viện đã sử dụng hơn 7.600 ống. Hơn 700 ống còn lại vẫn được lưu giữ trong kho của Khoa Dược và chờ chỉ đạo của Sở Y tế Quảng Ngãi.
Ông Nguyễn Đình Tuyến- Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi tỉnh cho biết: Theo báo cáo của Hội gây mê khu vực phía Nam và một số bệnh viện ở Cần Thơ, Bệnh viện Phụ Nữ Đà Nẵng, trong quá trình sử dụng thuốc Bupicavaine WPW, họ nhận thấy thuốc này là nguyên nhân gây tụt huyết áp kéo dài và một số trường hợp gây sốc, co giật, thậm chí là tử vong. Nên chúng tôi đang hết sức cảnh giác, rà soát lại và tạm ngưng sử dụng.
“Để đảm bảo an toàn trong quá trình phẫu thuật, Bệnh viện chỉ đạo Khoa Hồi sức gây mê theo dõi sát sức khỏe bệnh nhân trước và sau phẫu thuật. Đồng thời, chuẩn bị các phương án xử trí để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra”- ông Tuyến cho biết thêm.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi cũng là một trong hai bệnh viện tuyến tỉnh nhập và sử dụng thuốc Bupicavaine để gây tê tủy sống trong các ca phẫu thuật xương, mổ ruột thừa... Với thông tin từ Đà Nẵng, hiện bệnh viện này cũng chủ động tạm ngưng sử dụng.
Ông Phạm Ngọc Lân- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Thời gian qua, chúng tôi sử dụng cùng lúc hai loại thuốc Bupivacaine và Chirocaine để gây tê trong phẫu thuật. Tuy nhiên, với thông tin tai biến nghi do Bupivacaine ở Đà Nẵng, mấy ngày qua, bệnh viện đã không dùng thuốc này nữa. Hiện các ca phẫu thuật ở bệnh viện đều chỉ dùng Chirocaine để gây tê tủy sống.
Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng cho biết, bệnh viện đã rà soát lại toàn bộ số thuốc Bupivacaine trong kho và sẽ có văn bản báo cáo, xin chỉ đạo cụ thể của Sở Y tế. Đồng thời lên kế hoạch mua bổ sung thuốc thay thế để đảm bảo nguồn thuốc phục vụ nhu cầu điều trị trong khi chờ chỉ đạo của Sở. Trước đó, từ năm 2018 đến nay, bệnh viện đã sử dụng 2.100 ống Bupicavaine và chưa ghi nhận phản ứng nặng.
Theo đơn vị phân phối thuốc, 4 tỉnh gồm Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi được phân phối hơn 12.500 liều thuốc gây tê tủy sống có nguồn gốc Ba Lan để sử dụng trong năm 2019. Hiện chỉ mới có Đà Nẵng có chỉ đạo ngưng sử dụng loại thuốc này.
Sở Y tế Quảng Ngãi cũng xác nhận, Quảng Ngãi đã nhập cùng số lô thuốc Bupicavaine với 3 địa phương khác theo gói thầu tập trung để phân bổ về cho các đơn vị y tế trong tỉnh, trong đó nhiều nhất là ở Bệnh viện Sản- Nhi tỉnh và Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Bài, ảnh: Thiên Vương