(Báo Quảng Ngãi)- Thoát vị đĩa đệm cột sống là căn bệnh khá phổ biến. Nếu như trước đây bệnh chỉ xuất hiện ở những người lớn tuổi, thì ngày nay do thói quen sinh hoạt, làm việc nên những người trẻ tuổi vẫn có nguy cơ mắc bệnh lý này. Bệnh tuy không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng gây ra nhiều khó khăn trong sinh hoạt và lao động, làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Thoát vị đĩa đệm là một bệnh lý thoái hóa phát sinh từ đĩa đệm. Đĩa đệm đưa ra ngoài đoạn giữa hai đốt sống dẫn đến chèn ép các rễ thần kinh. Có nhiều đoạn, có thể thoát vị đĩa đệm ở cổ, ở lưng, ở thắt lưng. Đây là bệnh lý thoái hóa là chính, ngoài ra có một tỷ lệ nhỏ về bệnh lý do chấn thương. Tuy nhiên, dù là bệnh lý gì đi nữa thì khi đĩa đệm thoát ra ngoài cột sống chèn ép vào tủy và rễ thần kinh sẽ gây triệu chứng đau.
Chụp MRI là cách chính xác nhất phát hiện bệnh thoát vị đĩa đệm. |
Mức độ bình thường của bệnh có thể điều trị nội khoa là chính, kèm theo những thuốc về phục hồi chức năng; còn khi đã có biến chứng ở thần kinh thì phải phẫu thuật. Bệnh lý này rất hay gặp ở những người lao động nặng, những người có chế độ ăn hạn chế đặc biệt và những người có đời sống thấp, nếu ăn uống không đầy đủ thì bệnh lý về thoái hóa tiến triển nhanh hơn những người bình thường. Hiện nay, theo thống kê có khoảng 70 - 80% người dân có thoái hóa cột sống, trong đó có 20 - 30% được chỉ định phẫu thuật.
Theo Phó trưởng Khoa Ngoại tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), bác sĩ Lê Văn Trị, nguyên nhân của thoát vị đĩa đệm là do thoái hóa. Ngoài ra, khi xảy ra chấn thương cũng có thể gây tổn thương về đĩa đệm cột sống. Nếu thoát vị vùng cổ thì đau cổ lan ra vai đến tay và dần dần tay sẽ yếu.
Những cử động công việc bình thường ví dụ như phụ nữ cột tóc, chải đầu khó khăn; trường hợp cầm bút tự nhiên rơi, hoặc tê tay, hoặc lái xe không được. Nếu như liên quan đến vùng cột sống thắt lưng thì ảnh hưởng đến đi lại, đi bộ trong vòng 50m phải ngồi xuống, tê chân đi không nổi...
Khi đã có biến chứng, sau khi điều trị bác sĩ sẽ có hướng dẫn những bài tập và hướng dẫn cho người bệnh việc vận động, sinh hoạt. Những người chưa phẫu thuật thì ăn uống theo chế độ hướng dẫn của bác sĩ, tập theo bài của bác sĩ và đặc biệt là phải theo dõi diễn tiến của bệnh, theo dõi 3 tháng, 6 tháng hoặc một năm.
Để phát hiện chính xác nhất bệnh thoát vị đĩa đệm cần tiến hành chụp MRI. Nếu có diễn tiến nặng thì phải phẫu thuật. Mặc dù vậy, khi đã phẫu thuật thì việc tập luyện chỉ mang tính chất phụ trợ, chứ bệnh không bao giờ khỏi hẳn.
Bài, ảnh: Kim Liên