Đậu đỏ rất quen thuộc với các bà nội trợ. Không chỉ được dùng làm thức uống giải nhiệt trong ngày hè, nó còn được xem là vị thuốc điều trị nhiều loại bệnh và có tác dụng làm đẹp.
Đậu đỏ còn có tên khác là xích tiểu đậu, là hạt chín già phơi khô của cây đậu đỏ (Phaseolus angularis Wight.) thuộc họ cánh bướm (Fabaceae).
Cá chép hầm đậu đỏ lợi thủy tiêu thũng, rất tốt cho người bị phù ở bụng và chân. |
Về thành phần dinh dưỡng, đậu đỏ có protein, lipid, carbonhydrate, các sinh tố B2, PP; các chất khoáng Ca, P, Fe... Theo Đông y, đậu đỏ vị chua tính bình; vào tâm và tiểu trường. Có tác dụng lợi thủy tiêu thũng giải độc. Dùng cho những trường hợp ứ nước phù nề, phù tay chân, phù nề vùng bụng ngực, vàng da tiểu ít, viêm sưng khớp, mụn nhọt sưng nề, đau bụng tiêu chảy kiết lỵ, trĩ xuất huyết... Liều dùng 10 - 60g bằng cách nấu hầm, pha hãm. Sau đây là một số bài thuốc có dùng xích tiểu đậu:
Lợi niệu tiêu thũng:
Bài 1: xích tiểu đậu 63g, ma hoàng 4g, liên kiều 16g, bào khương tươi (vỏ gừng tươi) 4g. Sắc uống ngày 1 thang. Trị trẻ em viêm thận cấp. Chỉ uống 3 thang có thể tiêu thũng. Uống đến khi kiểm tra albumin trong nước tiểu hết thì thôi.
Bài 2: xích tiểu đậu, hạt lạc, đại táo lượng vừa đủ. Sắc uống ngày 1 thang. Trị phù thũng do dinh dưỡng kém.
Lưu thông máu, cầm đi lỵ:
Xích tiểu đậu 20g, đương quy 12g. Sắc uống ngày 1 thang. Trị đi ngoài ra máu, lỵ do thấp nhiệt, trĩ dò chảy máu.
Cá chép hầm đậu đỏ lợi thủy tiêu thũng, rất tốt cho người bị phù ở bụng và chân.
Giải độc, trị mụn nhọt độc do thấp nhiệt:
Bài 1: xích tiểu đậu 20g, thiên thảo 20g, hoàng bồ 12g, kim ngân hoa 12g, bồ công anh 12g, xuyên ngưu tất 12g, rễ tam bạch thảo (rễ cây hàm ếch) 4g. Sắc uống ngày 1 thang. Trị mụn nhọt ở chân.
Bài 2: xích tiểu đậu lượng vừa đủ nghiền thành bột, khuấy trộn với nước, đắp vào chỗ bị mụn nhọt. Trị ung nhọt mới nhú, sưng nóng đỏ đau. Mỗi ngày thay đắp 1 lần.
Bài 3 - Qua đế tán: qua đế (núm dưa bở), xích tiểu đậu liều lượng bằng nhau (1g). Qua đế sao vàng tán bột. Xích tiểu đậu sao chín tán bột. Cả hai thứ bột trộn đều, uống với nước sôi hoặc nước nấu đậu xị nóng với số lượng tăng dần tới khi nôn được. Dùng khi đau tức vùng ngực, nôn ọe khan, khó thở hoặc trường hợp đầy bụng không tiêu, đau quặn bụng.
Một số món ăn thuốc có đậu đỏ:
Cá chép hầm đậu đỏ: xích tiểu đậu 100 - 200g, cá chép 1 con (trên 300g). Cá chép đánh vảy, bỏ lòng ruột, rửa sạch cho vào nồi, thêm nước nấu nhừ, nêm gia vị, chia ăn 2 - 3 lần trong ngày (ăn nóng). Dùng tốt cho người bị phù ở bụng và chân.
Đậu đỏ hầm chương não căn: xích tiểu đậu 200g, rễ long não. Hai thứ cho vào nồi, đổ nước nấu chín nhừ. Ăn đậu khi đói, khi khát uống nước canh. Dùng tốt cho người cao tuổi tay chân phù nề, đầy tức vùng ngực bụng.
Đậu đỏ bung bạch mao căn: xích tiểu đậu 200g, bạch mao căn một nắm. Hai thứ cho vào nồi, đổ nước nấu chín nhừ đậu, lấy bỏ bã bạch mao căn, ăn đậu bung. Món này thích hợp cho người bị cổ trướng phù nề.
Cháo bí đao ý dĩ đậu đỏ: xích tiểu đậu 60g, bí đao 100g, ý dĩ 60g. Đậu đỏ và ý dĩ ngâm nước khoảng 4 - 6 giờ cho mềm, vớt ra nấu cùng bí đao đã gọt vỏ bỏ ruột thành cháo, thêm đường và gia vị. Chia 2 lần ăn trong ngày (sáng, chiều). Dùng tốt cho người bệnh eczema, chàm, chốc lở.
Kiêng ky: Người âm hư mà không bị thấp nhiệt hạn chế dùng.
Theo TS. Nguyễn Đức Quang/SKĐS