Bài thuốc trị sỏi tiết niệu

10:11, 11/11/2019
.
Theo y học cổ truyền, sỏi tiết niệu thuộc chứng thạch lâm, sa lâm, cát lâm, huyết lâm (đái ra máu),...
 
Nguyên nhân chủ yếu do thấp nhiệt uất kết, thận hư, khí hư. Bệnh khá thường gặp ở nước ta. Người bệnh có biểu hiện đau lưng, tiểu tiện ra máu, khó tiểu tiện...
 
Điều trị sỏi tiết niệu bằng thuốc y học cổ truyền có kết quả tốt, tuy nhiên chủ yếu được chỉ định trong các trường hợp: kích thước sỏi nhỏ, sỏi nhẵn; chức năng của thận bình thường; không có biến chứng chít hẹp đường niệu, ứ nước đài bể thận...; chống tái phát; bệnh nhân không chịu nổi phẫu thuật vì tuổi cao, thể trạng suy yếu... Sau đây là một số bài thuốc trị theo từng thể.
 
Sỏi tiết niệu thuộc chứng thạch lâm, huyết lâm... của y học cổ truyền. Nguyên nhân chủ yếu do thấp nhiệt uất kết, thận hư, khí hư. 
 Hải kim sa - vị thuốc trong bài ”Tam kim bài thạch thang” trị sỏi tiết niệu thể bàng quang thấp nhiệt.
Hải kim sa - vị thuốc trong bài ”Tam kim bài thạch thang” trị sỏi tiết niệu thể bàng quang thấp nhiệt.
Bàng quang thấp nhiệt: Nguyên nhân do ăn nhiều thức ăn cay, nóng, béo, ngọt; hoặc nghiện rượu lâu ngày gây thấp nhiệt, thấp nhiệt lâu ngày làm cho cặn trong nước tiểu tụ thành sỏi. Người bệnh tiểu ra máu, kèm theo đau quặn bụng, tiểu nhiều lần, tiểu buốt, miệng đắng họng khô, bụng dưới tức trướng; chất lưỡi đỏ, rêu vàng nhớt, mạch huyền hoạt. Dùng bài Tam kim bài thạch thang: kim tiền thảo 30g; kê nội kim, thạch vĩ, hổ phách, xuyên ngưu tất, mỗi vị 12g; hải kim sa 15g; cam thảo 5g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần, mỗi lần 1 bát, uống ấm, trước hoặc sau ăn 1 giờ.
 
Gia giảm: Nếu tiểu ra máu thêm cỏ nhọ nồi 16g, tiểu kế 12g; đau nhiều thêm ô dược 8g, diên hồ sách 8g, uất kim 8g; rêu lưỡi vàng dày gia hoàng bá, thương truật 10g; miệng khát gia sinh địa, thạch hộc; đau lưng nhiều gia đỗ trọng, cẩu tích 12g. Nếu bệnh đã mắc trên 3 tháng gia vương bất lưu hành 12g, tạo giác thích 8g.
 
Thể khí trệ huyết ứ: Người bệnh đau thắt lưng, đau bụng dữ dội, đau lan xuống vùng hạ vị, đến vùng bẹn và cơ quan sinh dục; tiểu buốt, dắt, nước tiểu vàng đôi khi lẫn máu máu; chất lưỡi đỏ thẫm, có điểm ứ huyết; mạch huyền hoặc huyền sác. Dùng bài Thạch vĩ tán + Tứ vật đào hồng gia giảm: đào nhân, xuyên khung, ngưu tất, kê nội kim, trạch tả, thạch vĩ, ô dược, đông quỳ tử, mỗi vị đều 12g; hồng hoa, đương quy, xuyên luyện tử đều 9g; kim tiền thảo 30g; hải kim sa, hoạt, xa tiền tử đều 15g; cam thảo 5g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần, mỗi lần 1 bát, uống ấm, trước hoặc sau ăn 1 giờ.
 
Thể thận khí bất túc: Do sỏi lâu ngày không khỏi, thấp nhiệt gây hao thương chính khí hoặc tuổi già, bệnh lâu ngày cơ thể bị hư nhược, hoặc tiên thiên bất túc, lao lực quá độ, dẫn tới thận khí hư suy, không khí hóa được bàng quang. Người bệnh tiểu ít, tiểu dắt, nhiều lần, không thông, bụng dưới trướng đầy, lưng gối mềm yếu, lưng lúc đau, lúc không; chất lưỡi đạm, rêu trắng mỏng, mạch tế vô lực. Phép điều trị: bổ thận ích khí, thông lâm bài thạch. Dùng phương thuốc Tề sinh thận khí hoàn: thục địa 16g; sơn thù, bạch linh, trạch tả, đơn bì, mỗi vị 8g; phụ tử chế, quế chi, mỗi vị 4g; ngưu tất, xa tiền tử, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần, mỗi lần 1 bát, uống ấm, trước hoặc sau ăn 1 giờ.
 
Thể thận âm hư suy: Do sỏi lâu ngày không khỏi, thấp nhiệt gây hao thương chính khí hoặc tuổi già, bệnh lâu ngày cơ thể bị hư nhược; hoặc tiên thiên bất túc, lao lực quá độ, dẫn tới thận âm suy hư, âm hư hỏa vượng, hư hỏa bức huyết vong hành gây tiểu ra máu. Người bệnh tiểu ra máu, bụng dưới trướng đầy, lưng gối mềm yếu, đầu váng tai ù, triều nhiệt, ra mồ hôi trộm, chất lưỡi đỏ, rêu ít, mạch tế sác. Phép điều trị: tư âm giáng hỏa, thông lâm bài thạch. Dùng bài thuốc Bổ thận bài thạch thang: tri mẫu, thục địa, trạch tả, đương quy, hoàng bá, mỗi vị 12g; kê nội kim, mộc thông, đều 10g; cam thảo, sơn thù, mỗi vị 6g; kim tiền thảo 30g; hải kim sa, xa tiền tử, hoàng kỳ, mỗi vị 15g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần, mỗi lần 1 bát, uống ấm, trước hoặc sau ăn 1 giờ.
 
Các bài thuốc trên sắc uống trong 7 ngày, nếu bệnh không thuyên giảm nên đến cơ sở y tế để điều trị.
 
Lưu ý: Sỏi tiết niệu hay tái phát nên cần uống nhiều nước (từ 2,5 lít trở lên mỗi 24 giờ); Nếu mắc các đợt nhiễm khuẩn tiết niệu, viêm thận bể thận kèm các triệu chứng và các biến chứng khác như ứ nước, ứ mủ bể thận, bí tiểu... thì phải chữa tích cực; Những bệnh nhân đã phẫu thuật, chế độ ăn hàng ngày phải hợp lý, không quá nhiều các sản phẩm có canxi và các chất có thể gây sỏi...; Không cố nhịn khi buồn đi tiểu; Nếu có dấu hiệu tiểu buốt, tiểu dắt, nên đến bệnh viện để khám và làm các xét nghiệm; Cần khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ gây bệnh, chẩn đoán và điều trị kịp thời nếu đã bị sỏi, tránh các biến chứng.
 
 
Theo BS. Thanh Ngọc/SKĐS
 
 
 

.