Về thành phần hóa học: cùi quả tươi có 82,4% nước, 1,42% protein, 0,45% chất béo, 5,99% đường khử, 2,35% sucrose và một số chất khác. Theo Đông y, long nhãn vị ngọt, tính hơi ôn. Vào kinh tâm và tỳ. Tác dụng ích tâm kiện tỳ, tư bổ khí huyết, ích trí an thần. Dùng cho người lo âu, mất ngủ, ngủ mê, giảm trí nhớ, quên lẫn, loạn nhịp tim, sau đẻ mất sức, thiếu máu; bỏng nước sôi, bỏng lửa, chấn thương xuất huyết, sa thoát, lở ngứa ngoài da. Liều dùng: 12 - 20g.
Một số bài thuốc có long nhãn
Chữa thiếu máu, mất ngủ, hay quên, kinh hoảng: dùng bài Quy tỳ thang: long nhãn 12g, táo nhân 12g, chích hoàng kỳ 12g, bạch truật sao 12g, phục thần 12g, đảng sâm 12g, mộc hương 4g, viễn chí 6g, đương quy 12g, chích cam thảo 4g. Sắc uống.
Chữa ăn kém, người mệt mỏi, mất ngủ, ra mồ hôi trộm: dùng bài Nhị long ẩm: long nhãn 50g, cao ban long 40g. Sắc long nhãn với nước, thái cao thành miếng mỏng cho vào đun nóng để hòa tan. Ngày uống 2 lần (sáng, tối), mỗi lần 10g.
Canh long nhãn yến sào kỷ tử tốt cho người hồi hộp loạn nhịp tim, mất ngủ, mồ hôi trộm, ho khan, ít đờm, đờm lẫn huyết... |
Một số món ăn thuốc có long nhãn:
Ngọc linh cao: long nhãn 30g, đường trắng 3g, nhân sâm 3g. Cho tất cả vào bát, đậy kín miệng bát bằng giấy bản hoặc vải xô mỏng, hấp cách thủy hoặc hấp trên nồi cơm. Mỗi lần ăn 1 thìa với nước sôi ấm. Dùng làm thực đơn bồi bổ tăng lực (đại bổ nguyên khí).
Long nhãn tửu: long nhãn xào qua rượu, thêm rượu (tỷ lệ khoảng 10%) ngâm 100 ngày là được. Uống vài ba lần mỗi ngày, mỗi lần 20ml. Công dụng: ích tinh thần, bổ khí huyết.
Cháo hạt dẻ long nhãn: long nhãn 15g, hạt dẻ 10 - 20 hạt, gạo tẻ 50g, đường vừa đủ. Hạt dẻ bóc vỏ, đập vụn nấu với gạo thành cháo, khi cháo được, cho long nhãn vào, đun sôi đều, khi ăn thêm đường. Dùng tốt cho người hồi hộp, tim loạn nhịp, mất ngủ, đau lưng mỏi gối.
Long nhãn đại táo chưng mật ong nước gừng: long nhãn 250g, mật ong 250g, đại táo 250g, nước gừng vừa đủ ăn. Nấu long nhãn và đại táo với nước, khi chín nhừ, cho nước gừng và mật ong vào, đun sôi là được. Thích hợp cho người ăn kém, chậm tiêu, da xanh tái, hồi hộp, đánh trống ngực, lo âu, mất ngủ (tâm tỳ lưỡng hư).
Quế viên đồng tử kê: gà giò 1 con, long nhãn 30g. Gà làm sạch, cho long nhãn, chút rượu, dấm, hành, gừng, muối gia vị và ít nước, đặt trên bếp hầm nhỏ lửa khoảng 1 giờ. Dùng cho người thiếu máu, hồi hộp, mất ngủ, đánh trống ngực.
Long nhãn hoa sinh: long nhãn 10g, lạc (để cả vỏ hạt) đập vụn 15g. Cho ít muối, ít nước, nấu chín cho ăn. Dùng cho trường hợp thiếu máu, chảy máu dưới da.
Canh long nhãn yến sào: long nhãn 20g, kỷ tử 20g, yến sào 30 - 50g, mỗi thứ liều lượng thích hợp, thêm nước hầm nhừ, sau cho đường phèn vừa đủ. Dùng tốt cho người hồi hộp loạn nhịp tim, mất ngủ, sốt nóng về chiều, có mồ hôi trộm, ho khan, ít đờm, đờm lẫn huyết (Tâm phế âm hư).
Cháo long nhãn hạt sen: long nhãn 16 - 30g, hạt sen 16 - 30g, gạo tẻ 60 - 80g vo sạch. Tất cả nấu cháo. Dùng cho người cơ thể suy nhược, thiếu máu.
Ba ba hầm long nhãn sơn dược: ba ba 1 con nhỏ, long nhãn 20g, sơn dược 20g. Ba ba làm sạch, cho long nhãn, sơn dược và nước, thêm gia vị hầm cách thủy ăn. Dùng cho người suy nhược cơ thể sau bệnh nặng dài ngày, hồi hộp đánh trống ngực, mất ngủ, vã mồ hôi trộm; lòng bàn tay, bàn chân hâm hấp nóng (đạo hãn, thủ túc tâm nhiệt), ăn kém mất sức.
Kiêng kỵ: Người bụng ngực đầy trướng, nôn thổ, nấc, ho, sốt, nhiều đờm dịch xuất tiết không dùng.
Theo TS. Nguyễn Đức Quang/SKĐS