Điều trị viêm phổi ở trẻ em - những điều cần biết

02:10, 17/10/2019
.
Viêm phổi là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ phải nhập viện. Với thời tiết thất thường, độ ẩm cao là cơ hội để bệnh viêm phổi phát triển. Trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 2 tháng tuổi là nhóm nguy cơ mắc và tử vong do viêm phổi cao nhất. Tại các nước đang và kém phát triển, do điều kiện vệ sinh môi trường thấp, chăm sóc y tế còn kém… nên các vấn đề hô hấp, đặc biệt là viêm phổi càng trở nên trầm trọng và có tỉ lệ tử vong cao.

Các nguyên nhân dẫn tới bệnh viêm phổi

Viêm phổi do rất nhiều nguyên nhân, trong đó thường gặp là: viêm phổi thể do vi khuẩn, virus, nấm, hóa chất... Ngay tại các bệnh viện lớn, bệnh viện tuyến trung ương có phòng vi sinh hiện đại và có thể thực hiện các kỹ thuật khó để lấy được bệnh phẩm mang đi xét nghiệm, cấy… nhưng xác suất tìm được tác nhân cũng không cao. Do vậy, dựa vào lứa tuổi của bệnh nhân mà có thể dự đoán tác nhân gây bệnh.

Trẻ trên 5 tuổi thường gặp viêm phổi do các các loại vi khuẩn như: Mycoplasma Pneumonia, Chlamydia Pneumonia, phế cầu, các loại siêu vi hô hấp. Trẻ dưới 5 tuổi thường bị viêm phổi do vi khuẩn: phế cầu, tụ cầu vàng, liên cầu pyogenes, HiB (hemophilus influenza type B). HiB trước đây là một tác nhân quan trọng gây viêm phổi ở trẻ, nhưng sau này do có chương trình tiêm ngừa nên tác nhân này hiện không đáng kể. Trẻ dưới 2 tháng tuổi thì ngoài các vi khuẩn như trẻ dưới năm tuổi có thể gặp 1 số vi khuẩn từ đường ruột như: E. Coli, Proteus, Kliebsiella... do mẹ truyền qua.

Trẻ em có sức đề kháng kém, suy dinh dưỡng, trẻ em ở các nước nghèo, điều kiện kinh tế, vệ sinh, chăm sóc y tế kém. Trẻ thường xuyên hít phải khói thuốc lá của người lớn. Tuổi đi học mẫu giáo hay nhà trẻ, nơi đông người… là những đối tượng trẻ em có tỉ lệ mắc bệnh viêm phổi cao.

Điều trị và chăm sóc trẻ như thế nào?

Đối với trẻ điều trị ngoại trú, tùy vào tác nhân gây bệnh mà bác sĩ sẽ kê thuốc phù hợp. Nếu viêm phổi gây ra do vi khuẩn thì phải điều trị bằng kháng sinh. Kháng sinh là thuốc dùng để tiêu diệt vi khuẩn, nó có thể ở dạng viên, dạng gói hay dạng siro, tùy theo lứa tuổi và khả năng uống thuốc của trẻ mà bác sĩ sẽ chọn dạng bào chế thích hợp. Khi trẻ phải uống kháng sinnh hãy đảm bảo rằng trẻ phải nạp đủ toàn bộ liều bác sĩ kê cho trẻ kể cả khi các triệu chứng đã thuyên giảm. Không được ngưng thuốc sớm hơn chỉ định của bác sĩ.

Nếu bệnh nhi đáp ứng tốt với thuốc thì một liệu trình trị liệu kéo dài ít nhất 7- 10 ngày. Trong quá trình uống kháng sinh có thể trẻ sẽ gặp rắc rối với hệ tiêu hóa như bị tiêu chảy. Vì vậy men vi sinh hay được các bác sĩ kê cho trẻ sử dụng khi dùng một số loại kháng sinh dễ gây tiêu chảy. Về mặt nguyên tắc men vi sinh nên được uống cách xa kháng sinh khoảng 2 tiếng, tốt nhất là giữa 2 cữ kháng sinh.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Kháng sinh không có tác dụng gì đối với viêm phổi gây ra bởi virus.  Tuy nhiên trong điều kiện của Việt Nam khả năng phân lập tác nhân gây viêm phổi do vi khuẩn hay virus rất hạn chế, thói quen dùng kháng sinh bừa bãi, việc phụ huynh cho con dùng kháng sinh trước khi tới gặp bác sĩ cũng làm cho các dấu hiệu của nhiễm vi khuẩn bị nhiễu, tạo ra vi khuẩn kháng thuốc, rất khó cho bác sĩ khi quyết định điều trị cho trẻ.

Các điều trị hỗ trợ khác: chú ý tới dinh dưỡng, cung cấp đủ nước cho bé thông qua sữa, nước uống trực tiếp, cháo… Theo dõi tình trạng đi tiểu của bé để xem cung cấp nước có đủ không. Nếu bé tiểu ít, nước tiểu vàng có thể là do cung cấp thiếu nước.

Vệ sinh mũi: thường các trẻ viêm phổi cũng có viêm hô hấp trên kèm theo có thể vệ sinh mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý, hoặc dạng xịt phun sương , lấy nhầy mũi bằng bấc sâu kèn.

Hạ sốt: bé sốt có thể quấy khóc do khó chịu, nếu bé sốt trên 38oC mà có biểu hiện khó chịu, quấy thì nên dùng thuốc hạ sốt thông thường paracetamol theo hướng dẫn của bác sĩ. Ibuprofen có thể giúp trẻ bớt sốt và đau, liều đúng của thuốc phụ thuộc vào cân nặng của trẻ, do vậy hãy hỏi bác sĩ cách dùng các thuốc này. Không được cho trẻ dưới 18 tuổi uống aspirin và những chế phẩm chứa aspirin. Ở trẻ em aspirin có thể dẫn tới tình trạng rất nặng gọi là hội chứng Reye, có thể gây tử vong.

Giảm ho an toàn: các loại siro ho thảo dược không có chống chỉ định, có thể giúp bé dễ chịu hơn.

Làm ẩm không khí trong phòng hỗ trợ niêm mạc hô hấp, tránh nằm máy lạnh ở nhiệt độ quá thấp, nhiệt độ thấp nhất là 29 độ. Tái khám mỗi ngày hoặc mỗi 2 ngày theo chỉ định của bác sĩ.

Cần cho trẻ nhập viện khi: Tất cả trẻ dưới 3 tháng có biểu hiện viêm phổi. Trẻ trên 3 tháng viêm phổi và sốt cao trên 38.5oC. Suy hô hấp mức độ trung bình đến nặng (nhịp thở trung bình trên 70 lần ở trẻ dưới 1 tuổi, trên 50 lần với trẻ lớn, co lõm lồng ngực, khó thở nặng, thở rên, cánh mũi phập phồng, ngưng thở); tím tái, li bì; trẻ bỏ bú, mất nước (mắt trũng, tiểu ít)... Khi trẻ phải nhập viện tức là tình trạng bệnh nặng, việc điều trị sẽ bao gồm: hỗ trợ hô hấp (thở oxy, CPAP, thở máy), dùng thuốc kháng sinh  đường tiêm, chế độ dinh dưỡng, tập vật lí trị liệu…

Viêm phổi gây biến chứng gì?

Nếu viêm phổi mà điều trị muộn hoặc không đúng cách, hoặc vi khuẩn độc lực quá mạnh có thể gây ra các biến chứng, một khi biến chứng xảy ra thì việc điều trị phức tạp và nguy cơ tử vong cao. Các biến chứng có thể xảy ra là: tràn dịch, tràn mủ, tràn khí khoang màng phổi; viêm phổi hoại tử, apce phổi; kén khí phổi; hạ Natri máu

Cách nào phòng ngừa viêm phổi?

Để dự phòng viêm phổi nói chung, cần nâng cao sức đề kháng của trẻ thông qua việc cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, cho ăn đúng và đủ theo hướng dẫn của chuyên gia dinh dưỡng. Cha mẹ (người chăm sóc trẻ) thường xuyên theo dõi sự phát triển thể chất của trẻ để biết được tình trạng dinh dưỡng của con. Ngoài ra cần cải thiện môi trường sống, để tránh cho trẻ tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ, như: nhà ở phải thoáng mát, thường xuyên vệ sinh nhà sạch sẽ, không để trẻ tiếp xúc môi trường có khói thuốc. Hạn chế việc tiếp xúc với người có biểu hiện bệnh ở đường hô hấp (ho, sốt...).

Vệ sinh mũi họng: nếu trẻ đã biết xúc miệng, thì cho trẻ xúc họng bằng nước muối sinh lý, nhỏ nước muối sinh lý sau khi ngoài đường tiếp xúc với khói bụi, cần mang khẩu trang cho trẻ để tránh hít phải bụi đường.

Phòng ngừa đặc hiệu: điều trị bệnh nền nếu có, như suy dinh dưỡng, bệnh trào ngược dạ dày thực quản , bệnh tim bẩm sinh... Tiêm phòng đầy đủ, đặc biệt chú ý các mũi tiêm phòng lao, sởi, HiB, phế cầu, cúm.

 
Theo BS. Trần Công/SKĐS


 

.