Đẩy mạnh sàng lọc trước sinh và sơ sinh

02:10, 19/10/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh (SLTS&SS) giúp trẻ sinh ra phát triển bình thường hoặc tránh những hậu quả nặng nề do dị tật bẩm sinh gây ra, qua đó góp phần nâng cao chất lượng dân số.
TIN LIÊN QUAN

Theo thống kê của ngành y tế, mỗi năm Việt Nam có gần 1,5 triệu trẻ em ra đời. Trong đó, trẻ bị dị tật bẩm sinh chiếm 1/33 trẻ mới sinh ra, với hơn 41.000 trẻ/năm. Vì thế, SLTS để sử dụng các biện pháp thăm dò đặc hiệu trong thời gian mang thai, nhằm xác định các trường hợp bệnh do rối loạn di truyền nhiễm sắc thể ở thai nhi như hội chứng Down, hội chứng Ewards, hội chứng Patau và dị tật ống thần kinh.
 Sàng lọc trước sinh và sơ sinh giúp những đứa trẻ khi ra đời được khỏe mạnh.
Sàng lọc trước sinh và sơ sinh giúp những đứa trẻ khi ra đời được khỏe mạnh.
Trong khi đó, SLSS là biện pháp dự phòng hiện đại, dùng kỹ thuật y khoa nhằm tìm kiếm để phát hiện ra các bệnh liên quan đến nội tiết, rối loạn di truyền ngay khi đứa trẻ chưa ra đời. Qua đó, cho phép phát hiện một số bệnh lý và tật, bệnh bẩm sinh như thiểu năng trí tuệ, thiếu men G6PD, suy giáp bẩm sinh, tăng sản tuyến thượng thận và tử vong sớm do tan máu bẩm sinh...

Tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh và các trung tâm y tế cơ sở đã áp dụng kỹ thuật SLTS&SS. Sau đó, các bệnh viện gửi mẫu đến Trung tâm sàng lọc (Trường Đại học Y dược Huế) để phát hiện dị tật và bác sĩ tham vấn cho các gia đình chọn hướng xử trí thích hợp.

“Hiện nay, tỷ lệ bệnh di truyền ngày càng cao. Trong đó có nhiều bệnh di truyền nặng, kèm dị dạng bẩm sinh và chậm phát triển trí tuệ, nên rất khó điều trị và dự phòng. Vì vậy, SLTS&SS là biện pháp hiệu quả nhằm giảm thiểu số trẻ sinh ra bị các bệnh, dị dạng nặng; phát hiện và can thiệp sớm, giúp trẻ phát triển tốt, giảm tỷ lệ bệnh tật và tử vong”.

Phó GS, Bác sĩ NGUYỄN VIẾT NHÂN Bệnh viện Đại học Y dược Huế

Để giảm số trẻ em mắc dị tật bẩm sinh, ngành y tế triển khai thực hiện Đề án Tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030, cùng với các can thiệp khác, nhằm giảm tỷ lệ trẻ sơ sinh dị tật. Mục tiêu của đề án trên nhằm nâng cao chất lượng dân số, giảm bệnh, tật và tử vong ở trẻ em, thu hẹp đáng kể sự khác biệt và các chỉ số sức khoẻ trẻ em giữa các vùng miền.

Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về công tác dân số trong tình hình mới cũng đặt ra mục tiêu đến 2030 có 70% phụ nữ mang thai và bà mẹ sơ sinh được SLTS&SS, 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhằm khắc phục sớm...

Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn Quảng Ngãi số phụ nữ mang thai chưa được sàng lọc bằng kỹ thuật đơn giản phổ biến và số trẻ SLSS còn thấp. Tính đến tháng 9.2019, toàn tỉnh chỉ có 2.571 bà mẹ được SLTS và hơn 2.100 trẻ SLSS. Trong đó, TP.Quảng Ngãi là địa phương có số sàng lọc nhiều nhất, với gần 1.400 bà mẹ, trẻ em. Còn ở các địa phương, tỷ lệ sàng lọc khá thấp, một số huyện miền núi như Sơn Hà, Tây Trà không có ca nào SLTS&SS...

Chi cục trưởng Chi cục DS - KHHGĐ Đặng Chính cho biết: "Dị tật bẩm sinh đang là một vấn đề đáng lo ngại, ảnh hưởng tới chất lượng giống nòi. Hiện nay, vẫn còn nhiều người chưa hiểu hết về tầm quan trọng của SLTS&SS. Nhiều địa phương, cơ sở y tế vẫn chưa làm tốt công tác tư vấn, tuyên truyền. Do đó, trong thời gian tới, ngành sẽ phối hợp với các cơ sở y tế đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai công tác này đến các bà mẹ mang thai và mới sinh, để đảm bảo nâng cao chất lượng dân số trong tương lai".

  Bài, ảnh: KN


 

.