(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, nhiều địa phương trong tỉnh thiếu bác sĩ trầm trọng, nên việc thu hút bác sĩ giỏi về công tác tại miền núi càng khó khăn gấp bội. Vì thế, để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, Trung tâm Y tế huyện Trà Bồng không ngừng đào tạo, bồi dưỡng nguồn bác sĩ trẻ, chú trọng phát triển nhân lực cho y tế của địa phương.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Cống hiến cho dân làng
Sinh ra và lớn lên ở xã Trà Thủy (Trà Bồng), bác sĩ chuyên khoa I Hồ Chí Lợi (sinh năm 1988) từ nhỏ đã mơ ước khoác lên mình chiếc áo blouse trắng để chữa bệnh, cứu dân làng.
Mỗi ngày, bác sĩ Hồ Chí Lợi tham gia cấp cứu nhiều bệnh nhân. |
Lợi đã không ít lần chứng kiến nhiều trường hợp người dân bị bệnh tật hành hạ, nhưng vẫn còn giữ hủ tục cúng bái. Trong khi đó, y tế miền núi lại thiếu nhiều bác sĩ, nên việc phát triển các dịch vụ y tế còn thấp.
Chính vì vậy, Lợi quyết tâm theo học ngành y tại Trường Đại học Y dược Huế, sau đó học tiếp chuyên khoa I. Gần 10 năm theo học ngành y, chàng trai người Cor này tình nguyện về làm việc tại huyện nhà, để cống hiến, giúp đỡ dân làng.
“Nhiều nơi mời gọi có điều kiện công tác tốt giúp mình nâng cao tay nghề, nhưng với tôi, về cống hiến cho quê hương là mong ước cháy bỏng từ lâu. Được về với bà con, được tự tay chữa bệnh cho người dân ở địa phương là hạnh phúc hơn hết”, bác sĩ Lợi chia sẻ.
Công tác tại Trung tâm Y tế Trà Bồng từ năm 2013 đến nay, với vai trò là Phó khoa Ngoại, thường xuyên trực cấp cứu, bác sĩ Lợi đã cứu nhiều người bệnh qua cơn nguy kịch, nhất là những ca đẻ tại nhà.
Bác sĩ Lợi cho hay: Hiện nhiều phụ nữ ở các xã vùng sâu vẫn còn sinh đẻ tại nhà, nên rất nguy hiểm. Mới đây, tôi và đồng nghiệp đã hỗ trợ cấp cứu ngoại viện cho sản phụ đẻ ngay trên xe cấp cứu. Rất may là mẹ tròn con vuông.
Là người Cor, nên bác sĩ Lợi dễ dàng tiếp cận và hiểu rõ phong tục của đồng bào mình. Vì vậy, sau những ca cấp cứu, khám chữa bệnh, anh cũng thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phòng, chống bệnh, tránh xa cúng bái, nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Với người bệnh, bác sĩ Lợi còn là ân nhân, khi anh kêu gọi đồng nghiệp giúp đỡ nhiều trường hợp bệnh nhân khó khăn, không có tiền để chuyển viện. Anh cũng là một trong những bác sĩ trẻ hơn chục lần hiến máu cứu người. “Tôi luôn mong muốn Trung tâm được đầu tư trang thiết bị đồng bộ hơn, sớm triển khai phòng mổ để cấp cứu cho bệnh nhân, hạn chế chuyển lên tuyến trên để bà con đỡ vất vả”, bác sĩ Lợi trăn trở.
Chú trọng đào tạo nhân lực tại chỗ
Không chỉ bác sĩ Lợi, hiện Trung tâm Y tế huyện Trà Bồng có 5 bác sĩ là người Cor. Họ đều là những bác sĩ có tuổi đời khá trẻ, đang cống hiến cho sự nghiệp y tế ở miền núi.
“Nhân lực là một trong những “lỗ hổng” của y tế miền núi. Việc phát triển chuyên khoa, ngoại khoa rất khó khăn. Vì thế, thời gian qua, huyện Trà Bồng đã tăng cường bồi dưỡng, cử bác sĩ đi đào tạo và kêu gọi thầy thuốc là con em địa phương về công tác, để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho vùng khó khăn”, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Trà Bồng Đinh Hồng Nhía chia sẻ.
Hiện Trung tâm Y tế huyện Trà Bồng có 17 bác sĩ, trong đó có 7 bác sĩ chuyên khoa I. Riêng nhân lực y tế xã có 16 bác sĩ/10 trạm y tế. Nhiều trạm có đến 2 bác sĩ phục vụ. Đây là nỗ lực lớn của huyện miền núi Trà Bồng trong việc chủ động đào tạo, phát triển nhân lực bác sĩ cho y tế cơ sở.
Mỗi ngày Trung tâm Y tế Trà Bồng tiếp nhận trên 200 bệnh nhân khám ngoại trú và 100 bệnh nhân nội trú. Đơn vị đã căn bản đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân. Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, Trà Bồng đang tăng cường cử bác sĩ đi đào tạo kỹ thuật viên gây mê, chuyên khoa I về tai mũi họng, răng hàm mặt, bác sĩ gia đình cho tuyến xã. Đơn vị cũng đã đào tạo xong bác sĩ sản, nhi khoa, chẩn đoán hình ảnh...
“Đây là điều kiện cần để Trung tâm Y tế Trà Bồng chuẩn bị đầu tư, đưa vào sử dụng phòng mổ cấp cứu và phát triển chuyên khoa, nhằm hạn chế chuyển tuyến và từng bước đáp ứng các dịch vụ y tế chất lượng cao tại địa phương”, ông Đinh Hồng Nhía nêu giải pháp.