(Baoquangngai.vn)-
Bệnh tay chân miệng lưu hành quanh năm nhưng thường ghi nhận số mắc cao vào các tháng 9-11. Đây cũng là thời điểm trẻ nhỏ và các em học sinh bước vào một năm học mới. Do vậy, ngành Y tế đang tích cực phối hợp với ngành Giáo dục triển khai các biện pháp ngăn ngừa bệnh bùng phát.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Trường mầm non tư thục Kim Oanh ở phường Quảng Phú, TP.Quảng Ngãi có 100 cháu. Vừa bước vào mùa tựu trường, số lượng trẻ theo học tại trường đang tăng cao. Để phòng bệnh tay chân miệng, các cô giáo ở trường đều đặn lau phòng và rửa đồ chơi cho trẻ bằng nước hòa bột Cloramin B mỗi ngày.
“Làm giáo viên mầm non thì mình rất sợ bệnh tay chân miệng làm các cháu bị đau ốm. Vì bệnh này không lây ở người lớn nhưng lại lây rất nhanh giữa các trẻ với nhau. Mà các cháu thì chưa ý thức được việc bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, nên hay cho tay vào miệng. Để phòng bệnh thì mình hay rửa, lau phòng và đồ chơi”- Cô giáo Bùi Thị Ly Na chia sẻ.
Giáo viên phải thường xuyên lau dọn phòng học bằng nước hòa bột Cloramin B để phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ |
Ngoài việc giữ gìn vệ sinh môi trường sinh hoạt, học tập ở các lớp học, Ban giám hiệu nhà trường cũng yêu cầu các cô giáo theo dõi tình hình sức khỏe của từng em nhỏ. Bà Nguyễn Thị Thu Liễu- Hiệu trưởng trường Mầm non tư thục Kim Oanh chia sẻ: Chúng tôi luôn nhắc giáo viên phải tích cực theo dõi các dấu hiệu của trẻ. Nếu thấy trẻ sốt, biếng ăn, tay chân nổi mụt nước thì phải báo liền với phụ huynh đưa trẻ đi khám. Đồng thời, yêu cầu phụ huynh giữ cháu chăm sóc tại nhà trong thời gian 10 ngày từ khi phát bệnh để vi rút không theo cháu tới trường và lây qua các bạn khác.
Năm học 2019-2020, trường mần non 19-5 thuộc phường Trần Phú, TP.Quảng Ngãi cũng tiếp nhận nuôi dạy hơn 300 cháu. Do đó, công tác phòng bệnh tay chân miệng trong năm học mới cũng đang được tích cực triển khai. Ngoài việc thường xuyên lau dọn phòng học, dụng cụ học tập, đồ chơi… nhà trường cũng khuyến khích trẻ rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi chơi.
Cháu Trần Thị Thảo Nguyên đang theo học lớp Lá của trường cùng nhiều các bạn nhỏ khác, hầu như đã thuộc lòng các bước rửa tay theo lời cô dạy. Cháu Nguyên chia sẻ: Cô dạy con phải thường xuyên rửa tay bằng xà phòng để giữ tay sạch sẽ và không bị bệnh tay chân miệng.
Nhà trường cũng dạy các cháu phải thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy |
Theo cô giáo Mai Thị Quỳnh Phương, dạy trẻ nâng cao ý thức giữ tay sạch sẽ bằng cách rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy, là cách phòng bệnh cơ bản nhưng tối ưu nhất. Cô Phương cho hay: Bệnh tay chân miệng chủ yếu lây truyền qua đường tiêu hóa. Nên chúng tôi dạy trẻ phải rửa tay nhiều lần trong ngày. Ngoài ra thì cũng giữ gìn vệ sinh môi trường, thực hiện ăn chín uống sôi và cách ly trẻ bị bệnh với các cháu còn lại…
Ghi nhận tại TP.Quảng Ngãi, tính đến nay đã có hơn 370 ca tay chân miệng tại 23/23 xã, phường. Bệnh xảy ra phần lớn ở cộng đồng. Ông Lê Văn Trung- Trưởng phòng Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế TP.Quảng Ngãi cho biết: Từ đầu năm đến nay, chúng tôi ghi nhận các ổ dịch xảy ra phần lớn ở nhóm nhà trẻ tư nhân, hay gia đình các hộ dân. Nhưng trong mùa tựu trường, cũng là thời điểm dịch bệnh tới chu kỳ bùng phát, thì Trung tâm phối hợp với Phòng GD&ĐT thành phố tăng cường công tác kiểm tra, nhắc nhở ở các trường mầm non để phòng bệnh lây lan.
Đến tháng 9.2019, bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đang tăng cao với hơn 830 ca, tăng hơn 40% so với cùng kỳ 2018. Bệnh phân bổ tại 139/184 xã, phường, thị trấn thuộc 14/14 huyện, thành phố. Bệnh trập trung ở nhóm từ 1-5 tuổi chiếm 94,6%.
Mùa tựu trường trùng với chu kỳ bùng phát mạnh của bệnh tay chân miệng nên UBND tỉnh Quảng Ngãi đã gửi công văn yêu cầu các sở, ngành liên quan tăng cường các biện pháp phòng bệnh |
Để số ca mắc bệnh tay chân miệng hạn chế bùng phát mạnh trong những tháng tới, Ông Hồ Minh Nên, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chia sẻ: Trung tâm đã có văn bản gửi 14 huyện, thành phố tăng cường phối hợp với các trường mầm non, nhà trẻ mẫu giáo và các hộ gia đình nhận nuôi trẻ về công tác truyền thông để nhận biết bệnh tay chân miệng. Đồng thời, phối hợp với cơ sở y tế để khi có bệnh thì cơ sở y tế sẽ đến cùng với nhà trường vệ sinh trường lớp đảm bảo môi trường không có mầm bệnh, giúp cho các cháu được học tập, sinh hoạt tốt.
Nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh, hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong, không để dịch bùng phát, lan rộng, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã gửi văn bản yêu cầu Sở Y tế tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ với phương châm truyền thông đi trước một bước, lấy phòng bệnh là chính. Tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tay chân miệng, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện…
Bài, ảnh: Thanh Phương