(Baoquangngai.vn)-
Thời tiết mưa nắng thất thường khi giao mùa đã khiến cho nhiều trẻ em phải nhập viện do mắc nhiều bệnh khác nhau. Trong đó, đáng lo ngại nhất vẫn là bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết ở trẻ với nhiều biến chứng khó lường.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Bệnh tay chân miệng vẫn chưa “giảm nhiệt”
Mỗi khi giao mùa, thời tiết thay đổi làm cho cơ thể con người nếu thích nghi không kịp sẽ có những phản ứng ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là trẻ em. Đặc biệt là trẻ sơ sinh có hệ miễn dịch yếu dẫn đến tỷ lệ trẻ mắc bệnh truyền nhiễm khá cao. Trong đó, phải kể đến bệnh tay chân miệng.
Tại khoa bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, hiện có gần 80 ca bệnh đang nằm điều trị nội trú. Trong đó, gần 50% bệnh nhi mắc tay chân miệng. Mỗi ngày, khu cách ly của Khoa bệnh Nhiệt đới tiếp nhận từ 30-40 ca mắc tay chân miệng. Số ca bệnh của tháng 7 tăng hơn nhiều so với những tháng trước.
Chị Đào Thị Mỹ Hoa ngụ ở xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa) vừa cho con trai 7 tháng tuổi nhập viện vì tay chân miệng. Chị Hoa chia sẻ, cháu lúc đầu có dấu hiệu ho, ói và tiêu chảy. Chị bế con đi khám tư thì được chẩn đoán bị viêm hô hấp. Nhưng chỉ qua một ngày, bé không có dấu hiệu đỡ mà ngày càng khóc quấy, bỏ ăn. Thấy vậy, chị Hoa liền cho con nhập viện. Lúc này mới biết cháu đã bị tay chân miệng.
Tuy là bệnh lành tính, nhưng nếu không theo dõi sát sao thì tay chân miệng dễ chuyển biến nặng với những biến chứng khó lường |
“Trước giờ cũng nghe về tay chân miệng nhưng tôi không hề ngờ được là con mình mắc nên chưa có sự đề phòng. Vào viện thì được bác sĩ hướng dẫn cách giữ vệ sinh, chăm sóc, cháu cũng khỏe dần rồi”- Chị Hoa kể.
Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận hơn 500 ca mắc tay chân miệng, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước. Vì bệnh không có dấu hiệu rõ ràng, rất nhiều phụ huynh vì không nhận biết sớm dấu hiệu của bệnh tay chân miệng nên thường để con ở nhà và tự mua thuốc về cho bé dùng. Hậu quả, bệnh không khỏi mà dễ chuyển qua độ nặng. Nhiều bé khi vào viện đã ở độ 2A, 2B, thậm chí là độ 3 nên việc điều trị cũng gặp khó khăn hơn.
Bác sĩ Nguyễn Mậu Thạch- Phó Khoa bệnh Nhiệt đới cho biết: Tỷ lệ ca bệnh nặng chiếm khoảng 30% số bệnh nhi mắc tay chân miệng. Nguyên nhân vẫn là do ý thức của phụ huynh còn xem nhẹ bệnh và chủ quan nghĩ rằng con mình mắc một bệnh nào khác mà không phải tay chân miệng.
Khâu quan trọng nhất vẫn là phòng bệnh cho trẻ, ăn uống giữ gìn vệ sinh sạch sẽ. Khi em bé có phát hiện tay chân miệng như loét miệng hay nổi bóng nước ở tay, chân, mông thì nên đi khám để bác sỹ phân loại mức độ nặng của bệnh để theo dõi. Đồng thời, tích cực theo dõi trẻ để biết khi nào trẻ chuyển mức độ bệnh nặng hơn để tránh các biến chứng có thể xảy ra.
Quá tải bệnh nhi do thời tiết giao mùa
Ngoài bệnh tay chân miệng, bệnh sốt xuất huyết ở trẻ cũng khiến nhiều phụ huynh lo ngại. Mỗi ngày tại Khoa bệnh Nhiệt đới luôn có 5-7 trường hợp bệnh nhi điều trị nội trú. Theo bác sĩ Trương Thị Thanh- Trưởng Khoa bệnh Nhiệt đới, giai đoạn bệnh sốt xuất huyết nguy hiểm là từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 kể từ khi phát bệnh.
Bệnh sốt xuất huyết ở trẻ cũng rất nguy hiểm và cần được chăm sóc, theo dõi tích cực |
“Lúc này trẻ đã hết triệu chứng sốt, bố mẹ cứ nghĩ trẻ đã lành bệnh. Nhưng nguy cơ xuất huyết nội tạng, xuất huyết não hay các biến chứng nguy hiểm khác lại diễn ra ở giai đoạn này. Chính vì vậy, khi phát hiện trẻ sốt li bì, hạ sốt nhưng vẫn mệt mỏi, bỏ ăn thì phải nghĩ ngay đến nguy cơ trẻ đã bị sốt xuất huyết để đưa đi khám, điều trị”- bác sĩ Thanh khuyến cáo.
Còn tại khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, tình trạng bệnh nhân quá tải cũng đang xảy ra. Số giường thực kê tại Khoa là 150 nhưng số bệnh nhi điều trị nội trú luôn cao hơn 30-40 bệnh. Số trẻ nhập viện điều trị ở thời điểm mưa nắng thất thường lúc giao mùa chủ yếu là mắc bệnh hô hấp.
Nhiều trường hợp trẻ nhập viện khi bệnh đã chuyển biến nặng. Chị Lê Thị Hòa ngụ ở huyện Bình sơn có con hơn 14 tháng tuổi điều trị nội trú do viêm phổi nặng. Chị Hòa chia sẻ, khi thấy con sổ mũi, ho thì cứ nghĩ bị cảm nên tự đi mua thuốc cho con uống. Nhưng bệnh không đỡ mà ngày càng nặng thêm với biểu hiện con mệt, thở khó, sốt cao không hạ. Lúc này, chị mới vội vàng ôm con đi viện.
Do sự chủ quan và thiếu kiến thức về bệnh của nhiều phụ huynh đã khiến trẻ rơi vào nguy hiểm. Tại Khoa hồi sức tích cực chống độc-Bệnh viện Sản nhi tỉnh, hiện có hơn 20 trẻ đang điều trị tích cực. Nhiều trường hợp phải điều trị kháng sinh liều cao, can thiệp theo các phác đồ điều trị của Bộ Y tế.
Bệnh viện Sản Nhi tỉnh đang bị quá tải do những bệnh trẻ hay mắc phải khi giao mùa |
Bác sĩ Trần Đình Điệp- Khoa hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Sản nhi tỉnh khuyến cáo: Phụ huynh nên theo dõi con mình thường xuyên. Nếu biết chăm sóc tại nhà thì giữ gìn vệ sinh sạch sẽ rồi vệ sinh đường mũi, đường họng. Nếu dấu hiệu nặng hơn thì đưa đến cơ sở y tế để người ta phát hiện những biến chứng, những dấu hiệu nặng của cháu để chuyển tới tuyến cao hơn điều trị cho tốt.
Ở trẻ em, do sức đề kháng kém nên dễ mắc phải nhiều bệnh lý liên quan tới thời tiết. Trong đó, có nhiều bệnh lý nguy hiểm thường gặp như viêm phổi, viêm não, màng não, tiêu chảy, nhiễm trùng. Đối với các bệnh lý này, nếu không được điều trị kịp thời sẽ dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là các biến chứng về thần kinh.
Để phòng bệnh cho trẻ trong mùa hè, các bậc cha mẹ cần vệ sinh sạch sẽ nơi ở, thực hiện ăn chín uống sôi, giữ gìn vệ sinh cho trẻ, cho trẻ uống đủ nước, ăn đầy đủ dinh dưỡng. Khi thấy trẻ có dấu hiệu bất thường, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Bài, ảnh: Thiên Vương