Trong bữa ăn hằng ngày, nhất là những ngày nắng nóng, các món ăn từ con cua đồng như bún riêu cua, bánh đa cua, canh rau đay, mùng tơi nấu cua... rất được ưa thích.
Cua đồng là thực phẩm giàu dinh dưỡng và phòng chữa bệnh rất tốt. |
Ăn cua thay được gà để bồi bổ vi lượng khoáng. Theo các nhà khoa học ở Viện Công nghệ sinh học, thịt cua có nhiều nguyên tố vi lượng như kẽm, đồng, selen hơn thịt gà. Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, thịt cua đồng chứa 12,3% protit; 3,3% lipit; 5.040 mg% canxi; 430mg% phốt pho; 4,7mg% sắt; 0,01mg% vitamin B1; 0,51mg%; vitamin B2; 2,1mg%; vitamin PP; 0,12mg%; vitamin B6; 125mg% cholesterol.
Giải nhiệt mùa hè, trị lở ngứa: canh cua mồng tơi, rau đay, mướp... là món canh ngon, mát, bổ, thích hợp vào mùa hè nắng nóng (chữa khô khát, ra nhiều mồ hôi, mỏi mệt, bải hoải chân tay… )
Bồi dưỡng cho trẻ nhỏ cứng cáp, chóng biết đi: cua đồng làm sạch, bỏ chân, càng, mai, yếm, chỉ lấy mình cua rang nhỏ lửa cho vàng và khô. Giã nhỏ, rây lấy bột mịn. Hằng ngày dùng bột cua quấy với bột gạo hoặc nấu cháo cho trẻ ăn, mỗi lần 1-2 thìa nhỏ.
Chữa bồn chồn, kém ăn, ít ngủ: cua đồng bỏ mai, yếm, rửa sạch, giã nhuyễn, thêm nước, gạn hay lọc, rồi nấu với rau rút, khoai sọ ăn trong ngày. Dùng 2 - 3 ngày.
Chữa viêm thận cấp: 200 - 250g cua đồng đã bỏ mai yếm và 50 - 100g vỏ rễ dâu tươi tất cả đem đi rửa sạch, giã nát lọc lấy nước, đun sôi uống trong ngày.
Ở Trung Quốc, người ta dùng cua đồng tươi nấu cháo ăn nóng để chữa trướng bụng, chứng phù tim. Cua đồng (250g) nấu canh với vỏ cây dâu (50g) lại trị bệnh viêm thận cấp. Mai cua sao vàng, tán bột, phối hợp với vảy tê tê (10g), gai bồ kết (7 cái) tán bột, uống với rượu, chữa sưng tấy.
Chú ý: Không dùng loại cua đồng mắt đỏ, có lông ở bụng, có chấm ở lưng và có khoang ở chân (Nam dược thần hiệu). Khi ăn cua không ăn hồng hay uống trà xanh. Không uống nước cua sống. Cua đồng có tính hàn, người mới ốm dậy, cảm lạnh, tiêu chảy, bị hen, dị ứng, hạn chế ăn.
Theo Lương y Đình Thuấn/SKĐS