(Baoquangngai.vn)-
Hiện tỷ lệ bệnh nhân mắc lao phổi đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa, tập trung nhiều ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Nguyên nhân chính vẫn là do một phần do tác động của xã hội và liên quan lối sống.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Bệnh nhân Nguyễn Văn T, ở huyện Bình Sơn là một trong những bệnh nhân trẻ tuổi nhất đang được điều trị tại Khoa lao phổi, Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh Quảng Ngãi. T năm nay chỉ mới 24 tuổi, em phát hiện mắc bệnh lao phổi cách đây gần 2 tháng trước.
Lúc đầu, khi bị ho có đờm kéo dài, T. nghĩ mình chỉ bị cảm cúm thông thường nên tự mua thuốc về uống. Nhưng càng uống thì bệnh càng trầm trọng, người lúc nào cũng mệt mỏi, sức khỏe giảm sút. Đến khi lên bệnh viện tuyến huyện, T. được chỉ định siêu âm, chụp phim phổi thì mới tìm ra bệnh.
Bệnh nhân mắc lao ở độ tuổi từ 19-45 ngày càng nhiều và thường được phát hiện khi bệnh đã nặng |
T. chia sẻ: Em không ngờ là mình bị bệnh lao phổi nên hơi chủ quan. Đến khi gặp các triệu chứng sốt về chiều, sụt cân, ho kéo dài thì mới vào đây rồi phải điều trị nội trú vì tình hình bệnh khá nặng.
T là một trong rất nhiều bệnh nhân trẻ tuổi phải điều trị bệnh lao tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Quảng Ngãi. Trung bình mỗi ngày, Khoa Lao phổi tiếp nhận, điều trị từ 60-70 bệnh nhân. Trong đó, bệnh nhân ở lứa tuổi từ 19 đến 45 tuổi chiếm tới 70%. Đáng nói, nhiều bệnh nhân khi vào viện đã trong tình trạng cơ thể suy kiệt, nên việc điều trị kéo dài và lâu khỏi hơn.
Như trường hợp của Trần Cao S. ngụ ở xã Nghĩa Điền, huyện Tư Nghĩa, dù chỉ mới 34 tuổi, nhưng bị lao đã 6 năm nay. Khi phát hiện bệnh, anh uống thuốc đều đặn. Nhưng sau đó anh phải vào nam để làm ăn thì lại không nhớ việc uống thuốc đúng giờ, đủ liều mỗi ngày. Nên trong vòng 6 năm, anh S. đã 3 lần nhập viện điều trị lao phổi. Bệnh mỗi ngày thêm tiến triển xấu.
Bác sĩ Trần Thị Bích Tuyến- Trưởng Khoa Lao phổi cho hay: Các bệnh nhân mắc bệnh lao trong độ tuổi lao động thì thường khi phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn. Vì họ còn chủ quan với sức khỏe của mình, phần nữa là ý thức điều trị bệnh chưa cao. Nên có thể họ phát hiện bệnh và tiếp nhận điều trị sớm mà lại bỏ giữa chừng. Lúc này khả năng mắc lao kháng thuốc rất cao.
Bác sĩ Tuyến cũng cho biết thêm, quá trình điều trị bệnh lao kéo dài. Sau khi uống thuốc trị lao hai tuần, hầu hết bệnh nhân lao sẽ không còn khả năng lây bệnh. Song điều trị dứt điểm mất tới 8 tháng. Không ít bệnh nhân đã ngưng điều trị giữa chừng. Hậu quả là bệnh lao tái phát và khó điều trị hơn.
Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Quảng Ngãi đang áp dụng nhiều kĩ thuật mới để tập trung khám sàng lọc và điều trị cho nhóm bệnh nhân trẻ |
Số người ở độ tuổi còn trẻ mắc bệnh lao càng cao thì tại cộng đồng dịch tễ lao lại càng trầm trọng hơn. Hiện nay, việc điều trị lao là miễn phí. Tuy nhiên, thời gian điều trị là khá dài. Nên không ít trường hợp không tuân thủ quá trình điều trị, nhiều bệnh nhân tự động bỏ thuốc dẫn đến tình trạng tái phát bệnh hay kháng thuốc.
Bác sĩ Nguyễn Bé- Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh cho biết: Hầu hết các bệnh nhân trẻ không hay biết những triệu chứng thông thường của bệnh lao. Họ cho là mình bị ho, cảm cúm nhẹ nên không đi khám mà tự mua thuốc về chữa trị. Nên Bệnh viện cũng như chương trình phòng chống lao cũng thường chú trọng đến nhóm này.
Ngoài việc khám sàng lọc, Bệnh viện ưu tiên áp dụng những kỹ thuật mới trong khám và điều trị cho các bệnh nhân trẻ. Đặc biệt là những bệnh nhân vừa nhiễm lao vừa nhiễm HIV, thì phải thực hiện ngay những xét nghiệm mới để phát hiện sớm, đưa vào quản lý, điều trị cho các em đạt hiệu quả.
Năm 2018, Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh Quảng Ngãi tiếp nhận, điều trị cho 1.300 bệnh nhân mắc lao các thể. 5 tháng đầu năm 2019 đã phát hiện, đưa vào điều trị trên 600 trường hợp mắc bệnh lao phổi. Đa số các bệnh nhân mắc bệnh khi ở tuổi đời còn rất trẻ.
Nguyên nhân người trẻ mắc bệnh lao là do lối sống không lành mạnh như: Hút thuốc, uống rượu quá sớm. Mắc lao ngoài những gánh nặng cho gia đình thì bản thân người mắc bệnh chất lượng cuộc sống cũng ảnh hưởng nghiêm trọng.
Bài, ảnh: Thanh Phương